Văn hóa ăn mặc đối với sinh viên

Không như học sinh phổ thông thường mặc theo mẫu đồng phục, khi lên đại học, sinh viên được thoải mái hơn, nhưng không vì thế mà coi thường phép lịch sự và tính thẩm mỹ trong cách ăn mặc.

Trước đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa có quy định về trang phục của học sinh, sinh viên, những mốt thời trang mới nhất được nhiều sinh viên ở thành thị chưng diện khi lên giảng đường. Không phủ nhận những trang phục đó là đẹp với tuổi trẻ, nhưng e rằng làm mất đi tính văn hóa trong môi trường sư phạm.

 

Nếu ở bậc học THPT, hầu như các trường đều bắt học sinh mặc đồng phục khi đến trường thì lên Đại học, như một sự giải phóng khỏi khuôn khổ do nhà trường quy định, sinh viên có thể thoải mái mặc những gì mình thích. Nhưng đôi khi, chính sự thoải mái trong môi trường Đại học, khiến nhiều sinh viên ăn mặc theo phong cách thái quá, vượt qua giới hạn về văn hóa ăn mặc trong môi trường sư phạm.

 

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp một nữ sinh ăn mặc quá mát mẻ: áo sơ mi sát nách, quần soóc, hay những chiếc áo được khoét cổ quá sâu, váy ngắn,… trên các giảng đường Đại học. Một số sinh viên còn biến giảng đường thành sàn biểu diễn thời trang, thích gì mặc nấy, xem như không có ai nhìn mình. Dường như bất cứ một trang phục nào cũng được mặc lên lớp để thể hiện phong cách ăn mặc, gu ăn mặc của sinh viên mà không quan tâm đến người khác nghĩ gì.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Không ít bạn trẻ hiện nay, đặc biệt là giới trẻ thị thành thường có suy nghĩ “tôi mặc những gì tôi thích”. Nhưng giá trị đạo đức thể hiện qua cách ăn mặc luôn có những chuẩn mực nhất định và không thể vượt qua giới hạn cho phép bằng một chữ “tùy”.

 

Phải chăng càng học lên cao, văn hóa ăn mặc của một số sinh viên lại càng đi xuống thấp? Mặc như thế nào khi lên giảng đường cũng chính là thể hiện thái độ của sinh viên đối với thầy cô giáo của mình. Đôi khi, văn hóa mặc của sinh viên cũng làm cho nhiều thầy cô không thoải mái mỗi khi lên lớp giảng dạy.

 

Thừa nhận, những người trẻ là người đón đầu trào lưu mới. Và văn hóa ăn mặc du nhập từ nước ngoài cũng được sinh viên tiếp nhận nhanh chóng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, chúng ta phải biết mặc ở đúng nơi, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh. Tự do ăn mặc là điều tất yếu, song bạn phải tôn trọng những nơi mà bạn đến để có trang phục phù hợp. Đừng biến giảng đường đại học thành một sân khấu thời trang cho mình phô trương. Thay vào đó, hãy thể hiện trình độ văn hóa mặc của bạn ngay chính tại giảng đường.

 

Ở đây, tôi không nói đến toàn bộ sinh viên của chúng ta đang khiến văn hóa mặc tại môi trường sư phạm đi xuống. Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên trong các trường Đại học đang làm mất đi nét đẹp của văn hóa mặc trong môi trường sư phạm, gây thiếu thiện cảm cho chính thầy cô giáo của mình.

 

Hải Hà

 

LTS Dân trí  - Người xưa thường nói “Trông mặt mà bắt hình dong”. Từ cách nhận xét đó, cũng có thể suy rộng ra: Nhìn cách ăn mặc, có thể biết anh hay chị là ai, là người tử tế, vốn quen với nếp sống có văn hóa hay thuộc loại đua đòi “trưởng giả học làm sang” ?

 

Sinh viên là lớp người được xã hội coi là có học thức (tuy mới chỉ là bước đầu), cho nên cần thể hiện rõ tính văn hóa trong phép ứng xử cũng như cách ăn mặc, nhất là khi đến giảng đường. Nhiều khi mặc đơn giản mà vẫn đẹp và lịch sự. Ngược lại, ăn mặc cầu kỳ một cách lố lăng hoặc quá “đơn giản” theo kiểu “thiếu vải” thì dễ gây phản cảm cho mọi người, nhất là không biết tôn trọng thầy cô giáo.

 

Biết chọn cách ăn mặc phù hợp với môi trường cũng là nét đặc trưng của người có học thức mà sinh viên nên quan tâm xử sự cho đúng. Đấy cũng là nếp sống có văn hóa trong môi trường giáo dục mà vừa qua Bộ Giáo dục & Đào tạo đã ban hành quy định đối với trang phục của học sinh và sinh viên.