Vai trò của thầy cô giáo trong Chiến lược giáo dục?

Bàn về đào tạo nhân lực nói riêng và chiến lược con người nói chung, ai cũng nghĩ ngay đến vai trò của ngành giáo dục nước nhà cũng như vai trò của những kỹ sư tâm hồn đang ngày đêm “trồng người”.

Vậy bản thân những “con người” của chính ngành Giáo dục được đánh giá và xếp ở vị thế nào, khi chúng ta chuẩn bị Chiến lược phát triển giáo dục trong 12 năm tới (2009-2020)?

Đọc kỹ nội dung dự thảo lần 14, chúng ta thấy đội ngũ một triệu thầy cô giáo - những kỹ sư kiến tạo tâm hồn - được đánh giá rất xứng đáng. 

Sự đóng góp của thầy cô giáo là một trong 4 nguyên nhân bao trùm nhất, cơ bản nhất (Phần c), tạo nên thành tựu của ngành giáo dục từ đầu thế kỷ XXI tới nay.  

- a. Sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ và chính quyền các cấp…

- b. Sự ổn định chính trị, những thành quả phát triển kinh tế, cải thiện đời sống…

- c. Lòng yêu nước, yêu người, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và quyết tâm đổi mới của ngành...

- d. Truyền thống hiếu học của dân tộc được phát huy mạnh mẽ 

                                                 (trích dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020) 

Phải nói thêm: Nếu giáo dục có thành tựu, thì nguyên nhân từ thầy cô giáo là vĩnh hằng; nó đã và sẽ đúng ở bất cứ nơi nào, trong bất cứ thời gian nào. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Ngân sách cho giáo dục gần đây lên tới 20%, nhưng nếu so với số người trong ngành và số 23 triệu học sinh, sinh viên mà ngành đang phục vụ thì tỷ lệ nói trên vẫn rất thấp. Khỏi cần nói, kinh phí thấp nhưng giá mọi thứ mà ngành giáo dục phải mua đều là giá quốc tế, thì cái giá công lao động nội địa không thể cao được. Nói giá lao động của thầy cô là thấp nhất liệu có sai? Vậy mà giáo dục nước nhà vẫn đạt thành tích thì phải thêm cho đủ rằng: sự tận tuỵ, sự chịu đựng và hy sinh của cả triệu thầy cô là vô bờ.

Thế kỷ trước, thầy cô giáo từng là lớp người được cả xã hội thương hại. Sang thế kỷ này, khi cuộc sống của đông đảo viên chức và nhân dân được cải thiện rõ rệt - được coi là thành tích nổi bật của phát triển kinh tế nước nhà - thì Tết Kỷ Sửu vừa qua, đích thân bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải kêu gọi mọi cơ quan, tổ chức, công ty… hãy thương lấy thầy cô giáo (!). Tết năm tới, năm mới Canh Dần, khi chúng ta đã thực hiện chiến lược mới về giáo dục, liệu có gì mới đối với các thầy cô? 

Vai trò và vị thế nào trong chiến lược mới hiện nay?

Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 dù đã bớt nhiều chỉ tiêu (so với dự thảo lần trước), nhưng những việc lớn cần làm vẫn rất nhiều. Không những chúng ta cần xoá bỏ nguy cơ tụt hậu về giáo dục - là nguy cơ “gốc” đe doạ sự tụt hậu của mọi ngành trong cả nước - mà chúng ta còn phải nhanh chóng bắt kịp trình độ giáo dục của các nước xung quanh - trong khi không ai đứng lại để đợi chúng ta.

Do vậy, sự nỗ lực sẽ phải cực kỳ to lớn. Liệu có cần chứng minh dài dòng chuyện gánh nặng chủ yếu sẽ đặt lên vai một triệu thầy cô giáo?

Xin hãy đọc phần IV trong dự thảo: phần Các mục tiêu chiến lược 2009-2020. Nào là mở rộng quy mô (không được phép quên vùng sâu, vùng xa), nào là nâng cao chất lượng (để có thể tiếp cận với chất lượng giáo dục các nước trong khu vực), nào là cải cách phương pháp giảng dạy… vân vân. Có việc nào mà không đòi hỏi sự nỗ lực cao độ của đông đảo các thầy cô giáo?. 

Thiếu một giải pháp quan trọng nhất

Khi đọc kỹ phần V, nói về các giải pháp chiến lược, chúng ta thấy ngay còn thiếu giải pháp quan trọng hàng đầu: Đó là giải pháp bồi dưỡng con người đang lao động, cống hiến trong chính ngành giáo dục.

Thật vô lý, khi triệt để khai thác nguồn lực con người để thực hiện biết bao mục tiêu lớn mà không có giải pháp hàng đầu là bồi dưỡng con người. 

Để động viên (và an ủi) một triệu thầy cô, cách làm dễ nhất là đánh giá cao sự tận tuỵ, chịu đựng và hy sinh của họ, không tiếc lời ca ngợi họ. Điều này không thừa, nhưng nên khẳng định rằng đó không phải là giải pháp phù hợp động viên sự nỗ lực của người lao động nói chung, càng không phù hợp với các thầy cô đang chịu đựng triền miên sự thiệt thòi về đãi ngộ nói riêng. 

Trong hai giải pháp đột phá, có một giải pháp đòi hỏi sự cố gằng vô tận, quyết tâm cao độ của một triệu thầy cô. Đó là giải pháp 2: Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Ngay câu đầu tiên, giải pháp này đã đòi hỏi các thầy cô cạnh tranh nhau, dù là cạnh tranh lành mạnh. Việc chuyển tất cả một triệu người sang chế độ hợp đồng cũng là điều bình thường; nhưng lại còn muốn họ cạnh tranh nhau để chọn lựa giữa “được hưởng lương thấp” với “mất hưởng lương (thấp)” thì xét ra đã có vấn đề về quan điểm. Sao kỹ sư tâm hồn ở nước ta lại rơi vào tình cảnh bi đát, dở khóc dở mếu này? 

Chuyện để cho hiệu trưởng quyết định mức lương của thầy cô giáo thật là tuyệt vời; “nếu”… trong tay hiệu trưởng có một quỹ lương dư dật. Dẫu vậy, phải có hai cái “nếu” khác nữa: sự công tâm (hiện chưa có thước đo, chỉ trông vào lương tâm - cũng không có thước đo nốt) và phải thật sự gắn số phận mình với số phận của ngôi trường mà mình làm hiệu trưởng. Ví dụ, đó là một vị hiệu trưởng tự bỏ vốn riêng ra mở trường, hoặc ít ra vị hiệu trưởng phải ký cược số tiền lớn cam đoan rằng sẽ có sự đoàn kết cao và cạnh tranh lành mạnh khiến trường hưng vượng.  

GS.NGND Nguyễn Ngọc Lanh (Hà Nội) 

LTS Dân trí - Chúng ta thường nói: Trách nhiệm đi đôi với Quyền lợi hay Đãi ngộ đi đôi với Cống hiến. Đấy là nguyên tắc, nguyên lý của cơ chế, chính sách sử dụng đội ngũ lao động nói chung, nhất là vói đội ngũ giáo viên - lực lượng có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp “trồng người”. Nhưng tiếc rằng điều này chưa thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển giáo dục, nhất là giải pháp “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” chưa có sức thuyết phục và chưa có những căn cứ khách quan đáng tin cậy như ý kiến của GS.NGND Nguyễn Ngọc Lanh đã nêu rõ trong bài viết trên đây.

Xin trân trọng chuyển ý kiến này đến Ban soạn thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2009-2020 của Bộ Giáo dục & Đào tạo.