Dạy con nên người:

Vai trò cấp phó

(Dân trí) - Mỗi khi có chuyện khó nghĩ, ông lại tìm đến thủ trưởng cũ. Đấy là người mà ông tin cậy, người đã cất nhắc ông vào vị trí hôm nay. Như thường lệ, ông đi thẳng vào câu chuyện:

- Bác ạ, chi bộ chỗ thằng con tôi dự kiến kết nạp nó vào Đảng, tôi thật khó xử quá.

Thủ trưởng cũ của ông ngạc nhiên:

- Thế thì mừng chứ có gì khó nghĩ? Thanh niên tha thiết với Đảng là tốt.

Ông ngồi im lặng hồi lâu rồi buồn bã trả lời:

- Vâng, bình thường là mừng mới phải. Nhưng bác biết đấy, con của tôi là kỹ sư ở một công ty thuộc Tổng công ty của tôi. Kết nạp nó vào Đảng, chẳng qua là để hợp thức hoá việc đề bạt nó, mà đề bạt nó là để lấy lòng tôi.

- Nhưng nó xứng đáng thì cũng tốt chứ sao?

- Vâng, lẽ ra là phải như thế. Nhưng tôi đẻ ra nó tôi biết. Ở nhà, hễ ai nói đến Đảng, đến chính trị là nó cười giễu. Nó bảo tôi, mẹ nó, chị nó - những đảng viên - là những ''di tích lịch sử''. Nó chỉ cần chuyên môn giỏi, kiếm được nhiều tiền là đủ. Thế mà khi viết đơn vào Đảng, nó nói hay lắm.

- Trường hợp này phức tạp quá. Bố là bí thư đảng uỷ, có thể không phê chuẩn kết nạp con vì động cơ vào Đảng không trong sáng, động cơ giới thiệu kết nạp của chi bộ cũng có dấu hiệu cơ hội. Anh làm được phần trách nhiệm đảng viên nhưng lại hỏng phần trách nhiệm làm cha là gây dựng tiền đồ cho con. Anh được tiếng là cương trực, dũng cảm nhưng lại mang tiếng là khô cứng, thiếu tình người. Xung quanh sẽ ''gờm'', sẽ lảnh tránh và khi có dịp là người ta sẽ ''lật đổ'' anh vì anh không giống họ, anh nguy hiểm với họ. Vợ con anh sẽ lặng lẽ oán trách anh...

- Thì ra làm người tốt khó, làm đảng viên tốt còn khó hơn. Hay là cứ phê chuẩn?

Thủ trưởng cũ của ông cũng thừ người nghĩ ngợi:

Thôi thì cứ làm như mọi người vậy. Cũng không nên quan trọng hoá vấn đề. Để phó bí thư ký có được không? Cấp phó nhiều khi rất quan trọng.

Vũ Duy Thông