Ước muốn là những người thầy đúng nghĩa

(Dân trí) - "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", câu nói này nghe quá quen thuộc trong những năm trước đây. Bây giờ ít người nói vậy vì nó không còn đúng nữa, đơn giản là có "cùng sào" đi nữa thì "chuột" cũng... không vào sư phạm.

Lý do thì hầu như ai cũng biết, nhất là “người trong cuộc”:

 

1.Lương thấp: làm sao mà đủ sống với đồng lương như nhiều người “trong cuộc” đã nói rồi. Tôi là người may mắn khi vừa ra trường đã được dạy ở trường chuyên với mức phụ cấp 70% (các trường thường chỉ có 30%) nhưng cũng không đủ sống, chế độ ăn không bằng 1 công nhân lao động phổ thông mà công việc thì nhiều. Có ngày phải ở lại trường làm suốt từ sáng đến chiều.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

2.Thời gian: Chắc mọi người nghĩ rằng giáo viên nhàn rỗi. Xin thưa là không, các ngành khác có ngày nghĩ lễ, còn sư phạm thì không. Nếu các ngày nghỉ lễ rơi vào chủ nhật thì mừng, nếu rơi vào ngày thường thì vẫn được nghỉ nhưng sau đó lại phải sắp xếp thời gian dạy bù, còn mệt hơn nữa.

 

3.Công việc: Nếu là 1 giáo viên theo đúng nghĩa thì công việc quá nhiều và nhàm chán. Năm nào cũng dạy lại bài đó nhưng đó chỉ là nội dung thôi, còn hình thức lại khác hẳn, mỗi năm 1 lớp khác nhau, cách dạy cũng khác nhau. Không thể đem phương pháp dạy lớp giỏi để dạy 1 lớp khá hay trung bình được, thế là phải nghĩ ra cách mới để dạy

 

4.Nguyên tắc và nguyên tắc: Đây là điều vô cùng khó chịu. Giáo viên cũng là nhà khoa học mà sao không được nghiên cứu, không được thay đổi nội dung dạy học. Tôi là giáo viên dạy môn tin, trong chương trình lớp 10 có quá nhiều bài dạy vô lý, ví dụ có bài thực hành "sử dụng trình duyệt IE", học sinh biết hết rồi còn gì để dạy. Cứ dạy thì học sinh chán, mà không dạy thì không đúng chương trình => chán. Có bài thì quá dài, có bài lại quá ngắn..... Giá như có thể thay đổi chương trình thì tôi chỉ cần dạy trong 1 học kỳ là hết chương trình lớp 10, còn lớp 11 thì xin thêm mấy tiết nữa mới đủ.

 

5.Áp lực: "Một cổ hai tròng", “trên đe dưới thớt”, biết rằng câu này cũng không chính xác cho lắm nhưng gần như đúng. Vì sao lại như vậy? Khi đi làm, mọi người chỉ sợ sếp kiểm tra công việc. Còn với giáo viên, không chỉ có sếp mà còn là học sinh, phụ huynh. Giáo viên các môn "phụ" còn dễ thở một chút, chứ các môn "chính" thì khỏi phải nói, dạy dở một chút là học sinh đánh giá liền, giáo viên vừa phải làm vừa lòng các sếp, vừa phải làm vừa lòng cả học sinh nữa.
 
Ước muốn là những người thầy đúng nghĩa - 1

(ảnh minh họa theo nguồn ảnh: bee.net.vn)
 

 

Cái được duy nhất (nếu có): Không phải là tiền mà là TÌNH. Thật lòng cảm động và vui mỗi khi ra đường được học sinh chào mình là thầy giáo. Cũng rất vui khi lên lớp nói chuyện với học sinh, xem học sinh là bạn của mình, hòa đồng vào tuổi teen đáng yêu, năng động và rất hồn nhiên. Làm giáo viên nhiều thì cô có cảm giác mình trẻ lại, vào lớp dạy là tan biến hết mệt mỏi.

 

Lời cuối: Nền giáo dục Việt Nam đang có nhiều bất cập, bị nền kinh tế thị trường chi phối nhiều nhưng vẫn giữ được cái gốc của "tôn sư trọng đạo" của một "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý". Khi đọc bài của bạn Ngọc Huyền (http://dantri.com.vn/c25/s25-473581/toi-chon-su-pham.htm), tôi cảm thấy xúc động và tin vào sự lựa chọn nghề nghiệp của mình là đúng.

 

Là một giáo viên thì phải có LƯƠNG+TÂM tức là phải có Lương đủ trang trải cho đời sống và quan trọng hơn hết là phải có cái TÂM. Mùa thi gần đến rồi, các bạn học sinh dường như đều đã làm hồ sơ thi đại học. Những bạn nào đã quyết tâm chọn nghề sư phạm, thì mong rằng các bạn yên tâm ôn tập và thi thố với tất cả năng lực của mình. Hy vọng của tôi là các bạn sẽ trở thành  những người thầy đúng nghĩa. Và cũng hy vọng rằng nhà nước ta sẽ thay đổi chính sách, chế độ cũng như cách thức quản lý phù hợp đặc thù của nghề giáo, để các thầy cô giáo bớt đi những bức xúc không đáng có và  yên tâm gắn bó suốt đời với nghề cao quý “trồng người”!

 

Phùng Lưu Hải

 

LTS Dân trí - Bài viết trên cho thấy tác giả là một nhà giáo yêu nghề nhưng khi nói về nghề mình yêu vẫn phải vạch ra tới 6 áp lực của nghề này; trong đó có 5 điểm liên quan với nghề nghiệp; còn một “áp lực” đè năng lên đời sống hằng ngày, là đồng lương không đủ trang trải những nhu cầu tối thiểu. Và một “áp lực” chưa được nói tới (có thể tác giả cho rằng không chỉ riêng đối với nghê sư phạm), đó là “áp lực” của đồng tiền khi phải chạy chọt xin việc.

 

Tháo gỡ những vướng mắc trên đây để nghề sư phạm trở nên hấp dẫn đối với đông đảo thí sinh là điều sống còn đối với sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Mong rằng Nhà nước ta cũng như các cấp quản lý giáo dục cần tiếp tục đối mới chính sách, chế độ cũng như cơ chế quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục đúng với vị trí quốc sách hàng đầu.