Uớc mơ trẻ em vùng cao bớt khó nhọc

(Dân trí) - “Mắt cay cay khi xem bộ ảnh trẻ vùng cao. Có lẽ phần vì thương bọn trẻ và nhiều hơn là nỗi trăn trở, day dứt muốn được làm một điều gì đó cho các em” - nguyetthu: thu181982 @yahoo.com chia sẻ sau khi xem bài “Khắc khoải dáng hình trẻ em vùng cao”.

Hình ảnh những em bé vùng cao với đôi mắt trong veo, nụ cười tươi rạng rỡ có lẽ đã in sâu vào tiềm thức của nhiều người. Nhưng cũng còn đó một tâm trạng chung mà không chỉ bạn và tôi trăn trở, đó là cuộc sống thiếu thốn đủ bề mà các em đang phải đối mặt.

 

Thiếu cả cơm ăn, áo mặc, thiếu vắng cả bàn tay chăm sóc của cha mẹ... Hình ảnh một đứa trẻ chỉ 4 – 5 tuổi phải cõng em trên lưng, nhỉnh hơn chút ít phải gánh cả gánh củi, xách nước từ khe suối cách nhà hàng chục km, hoặc làm lụng cực nhọc như người lớn... khiến nhiều người rơi lệ.

Uớc mơ trẻ em vùng cao bớt khó nhọc - 1

 

Đâu đó rất nhiều trên đất nước mình, có những con người, những cuộc sống thật khó khăn. Nhìn những cuộc sống đó tôi thấy mình thật nhỏ bé, thấy mình cần làm những việc có ích giúp họ có cuộc sống ấm no hơn. Mong đất nước sẽ phát triển hơn, mong nhà nước hãy quan tâm họ nhiều hơn. Nhà nước hãy bớt những cuộc họp phô trương, bớt những lễ hội hoành tráng... để giúp những cuộc sống ấy tốt hơn. Mong ước đó là chính đáng phải không?” -  Nguyễn Thanh Phong: thanhphong@gmail.com 

 

Khi xem những tấm hình này, tôi thấy thương các em vô cùng vì cuộc sống quá thiếu thốn. Chỉ vài tuổi đầu mà đã phải làm đủ công việc nặng nhọc. Trong khi đó bằng tuổi này trẻ em thành phố chỉ có ăn, học, chơi. Càng nghĩ càng thương các em và khâm phục bạn gái của mình. Cô ấy cũng sinh ra từ tỉnh trung du miền núi phía Bắc, khó khăn đủ đường. Nhưng vượt qua tất cả những điều đó bây giờ cô ấy đã là 1 cán bộ ở 1 cơ quan cấp cao của nhà nước... Một nghị lực mà hiếm người có được. Yêu và thương vô cùng” - Vũ Anh Minh: minh_975@yahoo.com 

 

Cũng chính những hình ảnh vất vả nhọc nhằn đó của các em nhỏ vùng cao lại góp phần khơi gợi về tuổi thơ vất vả của những ai đó từng chung cảnh ngộ. Là những người con được sinh ra và lớn lên từ những vùng đất nghèo khó đó, những độc giả này càng thương và hiểu rõ hơn ai hết những thiếu thốn, những khó khăn mà trẻ vùng cao thường phải trải nghiệm.
 
Uớc mơ trẻ em vùng cao bớt khó nhọc - 2

 

“Mình ở một vùng đồi núi của tỉnh Hòa Bình. Tuổi thơ của mình cũng như các em nhỏ trên vùng cao này. Những năm 1994- 1995 quê mình nghèo lắm, toàn phải ăn ngô ăn sắn. Nhưng mình còn may mắn hơn các em bé ở đây là được đi học, dù là một buổi đi học một buổi đi làm đồng, chăn châu cắt cỏ... Mười ba tuổi mình đã có thể cày bừa và làm nông một cách thuần thạo. Nhưng với quyết tâm của bố mẹ phải bằng mọi giá lo cho chị em mình học hành đến nơi đến chốn nên giờ 3 chị em chúng mình đều thoát li khỏi cảnh đó. Mong Đảng và nhà nước quan tâm hơn đến những người dân vùng cao để các em nhỏ bớt cực nhọc hơn” - Mai Hương: maihuong101082@gmail.com chia sẻ.

 

Trẻ em vùng cao, vâng khổ lắm. Nhất là những ngày đông giá rét xuống đến 1 - 2 độ, thậm chí âm độ. Gió núi thổi hun hút mà các em vẫn đôi chân trần và một manh áo đến lớp học.

 

Những ngày đầu mùa đông giá rét, Hội chữ thập đỏ huyện lại tất bật các thầy, cô giáo ra xin quần áo cũ (do các địa phương, tổ chức, cá nhân...làm từ thiện gửi về) cho học sinh. Nhưng sao xuể bởi cả huyện có tới trên 14 nghìn học sinh thì có đến 12 nghìn học sinh cần áo rét. Các huyện vùng cao nói chung, Mèo Vạc - Hà Giang nói riêng rất cần đến những tấm lòng” - Nguyễn Hinh: tuphapmeovac@gmail.com  

 

Đó là tất cả những hình ảnh của mình thời thơ ấu! Tuổi thơ là lên rẫy  lượm củi gánh về, hái rau cho heo, chăn trâu, chăm em, ngoài ra còn bị đánh vào đầu, bị mắng chửi...v ..v! Ngày hội của tuổi thơ là được mẹ cho đi về quê ngoại chơi và không phải làm gì (nhưng 1 năm mới có được 1 ngày thôi). Quần áo thì trông chờ sau lũ lụt, người ta ủng hộ quần áo cũ nhận về mặc hoặc chờ tới tết âm lịch mẹ may cho 1 bộ đồ bằng vải bông ép. Còn búp bê hay đồ chơi xếp hình là 1 thứ xa xỉ. (Những năm 1991 - 1999). Đối với ai đó, kinh tế gia đình khá giả hơn thì họ đọc bài này thấy thương thật. Còn tôi, tôi thương cho các em và nhìn thấy được cả một thời thơ ấu của mình. Cảm ơn tác giả bài viết và tòa soạn rất nhiều” - Linh Phan: vulinh2@gmail.com   
 
Uớc mơ trẻ em vùng cao bớt khó nhọc - 3

 

Ôi quê hương tuổi thơ tôi! Tấm hình cuối cùng, nhìn em bé dắt trâu tôi lại nhớ về một ký ức tuổi thơ.  Tưởng rằng kí ức nghèo khổ ấy chỉ có ở thời của tôi (tôi sinh 1970), ai ngờ thời bây giờ vẫn còn có. Sự giàu nghèo ở nước ta thật chênh lệch, trong khi không ít event, các người mẫu, hoa hậu...  thì ra sức khoe nào là hàng hiệu, nào là sành điệu xe hơi, rồi khoe nhà đẹp, nhà sang, nhà dát vàng, nhà bao nhiêu tỷ đô... Đồng ý là tiền không từ trên trời rơi xuống, mà do công sức lao động của các vị làm ra. Nhưng hỡi ôi! hãy vì những tuổi thơ, vì những mầm non như thế của đất nước... Tôi mong các cô nổi tiếng hãy vì các bé đứng ra kêu gọi, quyên góp, ủng hộ cho các bé ở nơi nghèo khó này” - bigbang : bigbang@yahoo.com  

 

Hay Lò Sa Ngân: sunflower8084@gmail.com canh cánh nỗi lòng:

 

Nhìn những đứa trẻ này, tôi thấy hình ảnh mình trong đó. Đói nghèo và lạc hậu giờ vẫn đeo đẳng lấy quê tôi. Nếu như không có chính sách đưa học sinh đi học cử tuyển tại các trường đại học của Nhà nước và tôi không tự vượt lên chính mình, thì dù tuổi đời mới có 27, có lẽ tôi đã là bà mẹ của 3-4 đứa con nheo nhóc như bao bạn bè cùng lứa ở quê bây giờ. Nhờ chính sách, sự quan tâm của Nhà nước và học lực khá mà tôi được đi học cử tuyển đại học. Giờ tôi đã là một kỹ sư thủy lợi và công tác tại Sở Nông nghiệp của địa phương. Cái đói nghèo nơi vùng quê tôi đã sinh ra và lớn lên là nỗi ám ảnh và là sự trăn trở nhất của tôi bây giờ”.

 

Với mong ước đất nước sẽ ngày càng phát triển, trẻ em nói chung và trẻ em miền núi nói riêng sẽ được sống cuộc sống đủ đầy là những điều mà rất nhiều bạn đọc trăn trở.

 

Khi nhìn những tấm hình này thật thương cho các em, tương lai của các em không biết ra sẽ sao nhưng hiện tại thì thật xót xa. Nhà nước ta cần phát động nhiều phong trào hơn nữa và quan tâm hơn nữa để cho tương lai các em sáng sủa hơn. Và hơn thế nữa là cho các thế hệ mai sau... Muốn có một đất nước giàu mạnh, phồn vinh thì cần quan tâm và lo cho cuộc sống của dân được ấm no (đặc biệt là người nghèo), dân giàu nước mới mạnh. Quả thật nhìn các em tụ tập vào một nhà hàng xén xem nhờ tivi, tôi cảm thấy dân ở đấy quá nghèo nàn về thông tin, truyền thông thì làm sao các em được phát triển toàn diện... Tôi rất hoan nghênh báo Dân trí và cám ơn các bạn đã đem đến cho tôi cũng như bạn đọc xem được các hình ảnh thật cũng như cuộc sống thật của các em nhỏ” - Zuximuoi: huynhnga1311@yahoo.com 

 

Đã gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những hình ảnh giống tuổi thơ của tôi vẫn hiện hữu hàng ngày. Thật buồn! Trẻ em vùng cao lẽ nào mãi vẫn là vùng cao thôi... Đâu đó chợt lóe sáng một chút niềm vui: Những kỳ thi đại học, cao đẳng cũng có những kết quả cao với mức điểm thủ khoa dành cho học sinh nông thôn, nhưng không phải nông thôn miền núi. Việt Nam có phát triển bền vững hay không, một phần nhờ ở việc thực hiện tốt công bằng xã hội. Nhưng điều đó sẽ thế nào khi mà đời sống nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi vẫn rất khó khăn như thế này...” - lâm thi thuy: bichthuyvdb@gmail.com  
 
Những nỗi vất vả từ rất sớm của trẻ thơ, mặt khác cũng có những khía cạnh tích cực, như không ít bạn đọc từng là người trong cuộc chia sẻ:
 
Nguyễn Thị Mùi ve_trinh@ymail.com: Mặc dù là vất vả nhưng vui lắm các bạn ạ. Với tôi đó là những chuyện bình thường vì tôi cũng trải qua những việc ấy mặc dù tôi sống rất gần thành phố. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được. Những lúc khó khăn trong cuộc sống, nghĩ lại mà có động lực cố gắng hơn. Nhưng bây giờ các em khổ vậy không biết có được đi học không?? Hy vọng biết số phận bố mẹ mình khổ, mình khổ các em sẽ cố gắng học tập, giúp đỡ bố mẹ.

 
Hạ Vân hoangvan@tcg.com.vn: Cuộc sống mà, luôn có những mảng màu khác nhau. Tuy có những khó khăn, vất vả nhưng các em cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc là được. Tuổi thơ êm đềm và yên bình. Xem xong bộ ảnh này lại thấy nhớ đến lạ, giá như được một vé quay về lại tuổi thơ.

 

Nguyen Thanh Duoc duoc.nguyenthanh@yahoo.com.vn: Trẻ em vùng cao thì chắc chắn thiếu thốn về vật chất rồi. Nhưng tôi đảm bảo trẻ vùng cao, nông thôn dễ thương và hồn nhiên hơn nhiều so với trẻ em thành thị. Thương quá, yêu quá trẻ em nông thôn và cùng cao ơi!!!

 

Mai maitrn88@gmail.com: Đúng là các em vùng cao thiếu thốn rất nhiều về vật chất. Mong sao có sự quan tâm của các tổ chức xã hội để các em không bị thiếu ăn, không bị còi xương suy dinh dưỡng, được cắp sách đến trường. Tuy vậy, các em có những thứ mà trẻ em thành phố không có: không khí không ô nhiễm, không gian chơi đùa, một số kỹ năng sống như ý thức và khả năng làm việc giúp bố mẹ, đầu óc trong trẻo.

 

Chúng tôi cũng chia sẻ mong muốn của các bạn đọc, rằng Đảng và Nhà nước sẽ có những chính sách sát thực hơn nữa dành cho vùng cao, vùng sâu vùng xa. Đồng thời những tấm lòng nhân ái tiếp tục góp sức, chắp cánh cho ước mơ của người dân nói chung cũng như trẻ em ở những vùng còn nhiều khó khăn có thể trở thành hiện thực.
 
Như Mai Phượng Phuongpts.maithi@gmail.com đã viết: Tuổi thơ các bé cơ cực quá! Nên chăng chúng ta hãy có một tổ chức quyên góp, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân vùng cao, đặc biệt là trẻ em, những mầm non của Tổ quốc. Chúng tôi sẵn lòng vì các em.

 

Bách Linh