Từ vụ đập kính ô tô khống chế tài xế ma men: Khi nào CSGT được dùng vũ lực?

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, nếu người vi phạm sử dụng phương tiện nguy hiểm để chống trả, CSGT được sử dụng vũ lực để trấn áp. Việc trấn áp cần đảm bảo nghiêm các quy định của pháp luật.

Như Dân trí thông tin, tối 31/12/2023, Nguyễn Thanh Tâm (40 tuổi, ở Hà Nội) lái ô tô về nhà bố đẻ tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Tới khu vực thành phố Bắc Giang, tài xế này bị công an yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn nhưng không chấp hành mà quay xe bỏ chạy, tông vào xe máy chuyên dụng của tổ công tác.

Người này sau đó cố thủ trên xe, không hợp tác làm việc, không xuất trình giấy tờ. Lực lượng chức năng phải phá kính ô tô để mở cửa xe, khống chế lái xe vi phạm. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của tài xế Tâm ở mức 0,595 mg/l khí thở.

Công an TP Bắc Giang đang tạm giữ người đàn ông này để điều tra hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo dõi clip ghi nhận sự việc, nhiều độc giả bày tỏ sự bức xúc trước hành vi của tài xế vi phạm. Bình luận dưới bài viết CSGT truy đuổi, đập kính ô tô khống chế tài xế "ma men" , độc giả Hồng Anh Nguyễn Thị viết: "Chở con trai mà có nồng độ cồn kịch khung, lại chống người thi hành công vụ. Gương xấu cho con".

"Thể loại say đến mức thế này, bước lên taxi họ cũng tống cổ xuống chứ ai chứa nổi", người dùng Thong Vo bình luận.

Từ vụ đập kính ô tô khống chế tài xế ma men: Khi nào CSGT được dùng vũ lực? - 1

Khoảnh khắc CSGT đập kính ô tô khống chế tài xế "ma men" (Ảnh chụp từ clip).

Bên cạnh sự bức xúc với tài xế, độc giả cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với động thái cứng rắn, quyết liệt của lực lượng chức năng và đề xuất bổ sung công cụ hỗ trợ cũng như cho phép lực lượng chức năng áp dụng thêm các biện pháp cưỡng chế, trấn áp người vi phạm.

"Rải hàng đinh trước xe ô tô là hết chạy. Những trường hợp như thế này không cần nương tay", anh Thang Nguyen Manh viết.

"Lực lượng chức năng, ở đây là CSGT và cảnh sát trật tự, cần phải được trang bị thêm các công cụ chuyên dụng để khống chế những trường hợp lái xe manh động cố tình chống đối kiểu này (VD: Lưới quấn, bàn chông, bàn kẹp khóa bánh xe). Trên thực tế, đối tượng lái xe trong những tình huống thế này gần như mất bình tĩnh, không làm chủ được hành vi cũng như lý trí của mình. Nhìn cả chục đồng chí cảnh sát vây quanh đối tượng cố thủ manh động trên xe như thế này thì quá nguy hiểm. Ai dám chắc là tính mạng, sức khỏe những người thực thi công vụ như thế này sẽ không bị đe dọa", anh Phan Trọng bình luận

"Trường hợp này nên bắn ngay 4 lốp. Quá nguy hiểm cho những người xung quanh", chủ tài khoản Du Lịch Minh Tâm nêu quan điểm.

Theo quy định của pháp luật, CSGT được dùng vũ lực trong trường hợp nào? Việc sử dụng vũ lực để trấn áp cần được thực hiện ra sao?

Giải đáp vấn đề trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, CSGT có các quyền như dừng phương tiện; kiểm soát người điều khiển, phương tiện, các giấy tờ liên quan tới người điều khiển và phương tiện; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ và áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội cũng như các vi phạm khác theo quy định.

Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định trong lúc làm nhiệm vụ, CSGT phải giải thích cho người vi phạm về hành vi vi phạm pháp luật và có quyền cưỡng chế, yêu cầu họ chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.

Nếu có hành vi chống đối bằng vũ lực, CSGT được phép bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm và tước bỏ, vô hiệu hóa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của họ. Trình tự, thủ tục bắt giữ, khám xét được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc có hành vi sử dụng vũ khí tấn công CSGT thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người chống đối. Việc nổ súng được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối chiếu những quy định trên, có thể thấy CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm về giao thông đường bộ. Nếu hành vi chỉ đơn thuần vi phạm Luật Giao thông đường bộ, CSGT không có quyền trấn áp hay sử dụng vũ lực. Trường hợp người vi phạm không chấp hành, lực lượng chức năng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn; đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính.

Với những trường hợp người vi phạm sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ hay các phương tiện nguy hiểm khác để tấn công, chống trả, người thi hành công vụ được phép sử dụng vũ lực, súng hoặc công cụ hỗ trợ khác để trấn áp, ngăn chặn hành vi phạm tội. Việc dùng vũ lực phải đảm bảo không vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nếu hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người thi hành công vụ cũng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Đối chiếu vụ việc xảy ra tại Bắc Giang, có thể thấy tài xế đã sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là ô tô để lao vào lực lượng chức năng nhằm chống đối. Kết hợp việc điều khiển phương tiện trong tình trạng vi phạm kịch khung quy định về nồng độ cồn, đây là hành vi có tính chất rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm tới an ninh trật tự xã hội cũng như sức khỏe, tính mạng của những người khác. Bởi vậy, việc áp dụng vũ lực để khống chế, ngăn chặn tài xế trong trường hợp này là cần thiết và phù hợp theo quy định của pháp luật.

Hoàng Diệu