Bài 2:

Từ nạn nhân bị chiếm đất thành bị can: “Chìa khoá” nằm tại giấy chuyển nhượng bãi

(Dân trí) - Để thấy rõ hơn bản chất việc phá ngôi nhà và việc tài sản nằm trong ngôi nhà đó bị hủy hoại, chúng tôi phân tích rõ về tính pháp lý của “Giấy chuyển nhượng bãi” giữa vợ chồng ông Hoàng Công Đức, bà Trần Thị Mai Anh (Cty Đức Anh) với ông Đinh Tiến Côn.

Phân tích nội dung “giấy chuyển nhượng bãi” cho thấy, nó hoàn toàn không có giá trị pháp lý và thực chất hoàn toàn mang tính hình thức. Khi bị “lật tẩy” giá trị pháp lý việc “chuyển nhượng” này, thì bà Vân lại đưa ra một bảng liệt kê khoản nợ của bà Mai Anh với tổng giá trị hơn 12 tỉ đồng??

Những lý do “Giấy chuyển nhượng bãi” không có giá trị pháp lý

Từ nạn nhân bị chiếm đất thành bị can: “Chìa khoá” nằm tại giấy chuyển nhượng bãi - 1

Thứ nhất, Cty Anh Thịnh mới là chủ nhân thật sự của mảnh đất mà hai bên đang “chuyển nhượng” cho nhau. Bởi, mảnh đất này được thể hiện bằng các văn bản mà UBND TP Hà Nội cho Cty An Thịnh thuê đất để triển khai thực hiện dự án tại bến Lời, xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Còn Cty Đức Anh được sử dụng mảnh đất này là do có “Thỏa thuận liên danh” giữa bà Trần Thị Mai Anh (Cty Đức Anh) và Cty An Thịnh được ký kết vào tháng 4.2005. Nội dung “thỏa thuận” này nêu rõ: “ Bà Trần Thị Mai Anh chỉ được sử dụng mặt bằng để kinh doanh còn quyền sử dụng đất vẫn thuộc về Cty An Thịnh, khi nào Cty An Thịnh cần sử dụng mặt bằng để quy hoạch bến bãi thì bà Trần Thị Mai Anh phải trả lại cho Cty An Thịnh.”

Như vậy, nếu bà Mai Anh chuyển nhượng thật cho vợ chồng ông Côn, bà Vân thì đã vi phạm pháp luật và hoàn toàn vô giá trị. Mặt khác, nhiều điểm chứng minh: Việc “chuyển nhượng” giữa hai bên hoàn toàn là hình thức với mục đích, vợ chồng ông Côn, bà Vân quản lý hộ bến Lời thay bà Mai Anh.

Thứ hai, dù “Giấy chuyển nhượng bãi” nêu rõ là chuyển nhượng “toàn bộ nhà cửa và tài sản thiết bị máy móc ở trên bãi” nhưng, trước những chứng cứ (hóa đơn mua bán và giấy thế chấp ngân hàng) rõ ràng, vợ chồng ông Côn, bà Vân đã phải trả lại cho Cty Đức Anh hai thiết bị: Máy cẩu hiệu Kobelco 200-2 và xe xúc đào bánh xích KOMATSUPC 200-3. Mặt khác, trong “Biên bản bàn giao tài sản” giữa ông Đinh Tiến Côn và bà Trần Thị Mai Anh được lập ngày 17.9.2015 có nội dung: ông Côn đã trả lại bà Mai Anh chiếc máy xúc đào bánh nhãn hiệu KOMATSU PC200-3. Lý do, “Nay công việc ủy quyền đã hoàn thành, tôi bàn giao lại chiếc máy xúc đào bánh và giấy tờ trên cho Cty Đức Anh.” Điều này cho thấy, việc chuyển nhượng toàn bộ “ thiết bị máy móc ở trên bãi” trong “Giấy chuyển nhượng bãi” là hoàn toàn hình thức. Chính vì vậy mới có việc ông Đinh Tiến Côn phải làm “Biên bản bàn giao tài sản” với nội dung, “nay công việc ủy quyền đã hoàn thành.”

Thứ ba, trong “Giấy cam kết” do ông Đinh Tiến Côn lập ghi rõ “Tôi xin cam kết với Cty Đức Anh khi bãi đi vào hoạt động thì vào ngày 30 hàng tháng tôi sẽ thanh toán cho các cháu tôi 30.000.000 đ hàng tháng/ 1 tháng.” Đây thực chất là khoản tiền trả hàng tháng cho Cty Đức Anh do ông Côn sử dụng thiết bị và bãi Lời của Cty Đức Anh. Bởi, nếu đã “chuyển nhượng” bến bãi thật sự, làm sao ông Côn còn phải làm cam kết trả 30 triệu đồng hàng tháng cho bà Mai Anh? Nhưng tệ hại hơn, dù cam kết là vậy, nhưng bà Mai Anh cho biết: Bến bãi đó đã được ông Côn hoạt động kinh doanh vài năm nhưng chưa đưa cho bà Mai Anh được một xu nào như cam kết!

Thứ tư, chúng tôi cũng đang có trong tay những lời chứng một số người: Họ đã cũng vợ chồng ông Côn, bà Vân đến nhà ông Trần Văn Tuấn (anh ruột của bà Mai Anh) để bàn bạc, thống nhất tạm ủy quyền cho vợ chồng ông Côn, bà Vân xử dụng bến Lời và tài sản trên đó nhằm họ trả nợ hộ một phần cho bài Mai Anh. Nhưng thực tế, việc ủy quyền thì được thực hiện, còn trả nợ hộ thì hầu như không.


“Biên bản bàn giao tài sản” này chứng minh thêm: Giấy chuyển nhượng hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

“Biên bản bàn giao tài sản” này chứng minh thêm: Giấy chuyển nhượng hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Lại lòi ra khoản 12 tỉ đồng để mặc cả?

Trong đơn tố cáo của bà Mai Anh gửi báo Dân Trí nêu rõ: “ Họ (vợ chồng ông Côn, bà Vân - pv) còn kê khống số tiền tới 12, 344 tỉ đồng, thực ra là công nợ của tôi với những người khác, nhưng ông Côn, bà Vân vẫn khăng khăng rằng vợ chồng chúng tôi nợ vợ chồng họ và nói chỉ trả bến bãi nếu tôi trả nợ họ 12 tỉ đồng(?).”

Để hiểu rõ nội dung tố cáo của bà Mai Anh, chúng tôi dự tính làm việc với 3 bên liên quan: vợ chồng bà Mai Anh, vợ chồng ông Côn và các chủ nợ có trong bản kê của vợ chồng ông Côn, bà Vân.

Ngày 3.4.2016, chúng tôi có buổi làm việc với một số chủ nợ của bà Mai Anh, vợ chồng bà Mai Anh tại nhà ông Trần Ngọc Hy (trú tại xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) - một chủ nợ của bà Mai Anh. Những chủ nợ có mặt hôm đó đều khẳng định: Vợ chồng ông Côn, bà Vân không trả nợ cho họ một đồng nào hộ cho bà Mai Anh như bà Vân kê ra ở đây. Thậm chí, nhìn bản liệt kê thấy khoản “a. Sử - 550 triệu đồng”, ông Sử (Nguyễn Ngọc Sử, trú tại thị trấn Văn Giang, Hưng Yên) khẳng định: Chính bà Vân nợ ông Sử 500 triệu đồng vẫn còn chưa trả, chứ đứng nói gì trả hộ cho bà Mai Anh. Như vậy, theo các vị chủ nợ này, có rất nhiều khoản trong tổng số 12 tỉ đồng mà vợ chồng ông Côn, bà Vân kê ra là không đúng.


Ông Côn cho người cản trở không cho Công ty Đức Anh lấy máy xúc Komashu PC 200-3. Nhưng mấy hôm sau ông Côn vẫn phải bàn giao máy xúc này cho Cty Đức Anh.

Ông Côn cho người cản trở không cho Công ty Đức Anh lấy máy xúc Komashu PC 200-3. Nhưng mấy hôm sau ông Côn vẫn phải bàn giao máy xúc này cho Cty Đức Anh.

Tuy nhiên, để có thông tin hai chiều, chúng tôi muốn gặp ông Côn để hỏi cho rõ. Hai câu hỏi chúng tôi dành cho vợ chồng ông Côn, bà Vân đã được chuẩn bị. Một là, vợ chồng bà nhận chuyển nhượng bãi Lời của bà Mai Anh, thì số tiền đó là bao nhiêu, có giấy tờ gì chứng minh việc chuyển số tiền đó (bằng chuyển khoản hay tiền mặt) cho bà Mai Anh không? Hai là, nhiều chủ nợ của bà Mai Anh khẳng định, ông bà chưa trả nợ hộ cho bà Mai Anh như bản liệt của ông bà. Vậy ông bà có gì để phản bác lại (như giấy tờ trả tiền chẳng hạn) những ý kiến của họ không?

Tuy nhiên, dù gọi nhiều lần cho ông Côn hẹn làm việc nhưng lần nào ông Côn cũng từ chối vì cho rằng mình bận. Thậm chí, có lần bà Vân hẹn bà Mai Anh ngày 14.4.2016 đến nhà đối chiếu công nợ, tôi cũng đến để nghe cả hai bên. Tuy nhiên, rất tiếc bà Vân chỉ muốn làm việc với riêng bà Vân chứ không muốn có người khác chứng kiến. Thậm chí, sau khi mọi người ra khỏi nhà bà Vân rồi, tôi quay lại tự giới thiệu với bà Vân mình là nhà báo, đã gọi điện cho ông Côn mấy lần, nên hôm nay muốn làm việc với cả hai vợ chồng bà Vân. Tuy nhiên, bà Vân cũng không đồng ý. Do đó, hai câu hỏi chúng tôi mang theo để hỏi vợ chồng ông Côn, bà Vân vẫn còn bỏ ngỏ.

Hôm đó, bà Mai Anh cho biết, hai bên ( bà Vân và bà Mai Anh) đã làm việc vài lần với nhau nhưng không có kết quả vì bà Vân không đưa ra được những giấy tờ để chứng minh những khoản nợ đã liệt kê lên tới hơn 12 tỉ đồng.

Vậy vấn đề đặt ra: Tại sao vợ chồng ông Côn, bà Vân phải kê ra khoản tiền (hơn 12 tỉ đồng) không chính xác này để làm điều kiện nếu bà Mai Anh muốn lấy lại bến Lời?

Chính nội dung này một lần nữa khẳng định: “Giấy chuyển nhượng bến bãi” làm giữa hai bên là hình thức. Bởi nếu đã mua bán thật sự với nhau, thì làm gì vợ chồng ông Côn, bà Vân phải lấy khoản 12 tỉ đồng này ra để mặc cả việc trả lại bến bãi.

Vậy, nếu các cơ quan chức năng chịu khó đọc các đơn tố cáo của bà Mai Anh, làm việc với cả bên tố cáo, bên bị tố cáo và những người liên quan ngay từ đầu chắc chắn sẽ rõ có hay không việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Do đó, một câu hỏi cần đặt ra: Có hay không mọi việc bị ai đó cố tình khuấy lên khiến vụ việc ngày càng phức tạp lên để “đục nước béo cò”?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Vương Hà