Tự do hoá thương mại đe doạ môi trường biển và nước

(Dân trí) - Lợi nhuận và áp lực cạnh tranh đã khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng các công nghệ không thân thiện với môi trường để giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất...

Ô nhiễm, hệ sinh thái bị huỷ hoại...

Sự gia tăng nhanh chóng hoạt động thương mại không chỉ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo đói.

Tuy nhiên, nó cũng đang gây ra hậu quả tiêu cực đối với quá trình phát triển bền vững ở nước ta, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường và mất cân bằng sinh thái. Quá trình tự do hóa thương mại đã làm gia tăng việc khai thác và sử dụng các nguồn lực tự nhiên, tập trung khai thác các nguyên liệu thô mà Việt Nam có lợi thế.

Hậu quả là tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở khắp nơi, nguồn tài nguyên bị khai thác không có tổ chức mau chóng cạn kiệt, sức khoẻ của người dân bị ảnh hưởng và mất cân bằng sinh thái.

Ở khía cạnh khác, tự do hoá thương mại làm tăng nguy cơ lưu thông những sản phẩm có ảnh hưởng đến môi trường. Trình tự của nó dẫn đến xu hướng các biện pháp quản lý nhập khẩu của Việt Nam bị hạn chế áp dụng và do đó nguy cơ nhập khẩu tràn lan các sản phẩm tiềm ẩn có hại đối với môi trường.

Không những vậy, lợi nhuận và áp lực cạnh tranh của thị trường là yếu tố khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng các quy trình công nghệ không thân thiện với môi trường để giảm tối đa chi phí sản xuất.

Ngoài ra, tự do hoá thương mại và sản xuất có thể dẫn đến khai thác cạn kiệt các nguồn tài tạo ra nguy cơ ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo ra rác thải gây ô nhiễm. Chính những điều này tạo ra nguy cơ ảnh hưởng môi trường biển và nước ở nước ta hiện nay.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã thải ra biển hơn 315 nghìn m3 nước thải công nghiệp một ngày. Sông Sài Gòn, sông Thị Nghè, sông Vàm Cỏ đã bị nhiễm axít nặng với độ PH là 4,5 đến 5,0. Hàm lượng dầu trong nước biển ở tất cả các khu vực là 1,1 mg/l vượt giới hạn của các nước ASEAN.

Hoạt động của các dự án lấn biển đã ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nước biển. Nước đục do chất thải sinh hoạt, do san lấp mặt bằng, do bồi lắng thu hẹp dòng chảy. Cùng với việc hình thành các dự án lớn, nhà hàng, khách sạn của tư nhân mau chóng mọc lên dọc bờ biển làm cho hàm lượng chất rắn lơ lửng ven biển vượt quá giới hạn cho phép.

80% bệnh tật do nguồn nước bẩn gây ra

Hầu như tất cả các loại nước thải tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất chảy ra các con sông ở khắp vùng miền trong cả nước đều chưa qua xử lý. Một trong những vấn để nổi cộm trong năm 2008 là vụ Vedan “giết” sông Thị Vải, hay hàng trăm nhà máy, xí nghiệp xả thẳng nước thải ra sông làm chết nhiều con sông ở khắp các địa phương trong nước.

Ở Hà Nội, tổng lượng nước thải của thành phố lên tới 300.000 - 400.000 m3/ngày; chỉ có  36/400 cơ sở sản xuất có xử lý nước thải; ở TPHCM thì lượng rác thải lên tới gần 4.000 tấn/ngày; khoảng 3.000 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm thuộc diện phải di dời.

Các đô thị khác như Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Dương nguồn nước nơi tiếp nhận nước thải đều vượt quá tiểu chuẩn cho phép (TCCP), các thông số chất lơ lửng (SS), BOD; COD; Ô xy hoà tan (DO) đều vượt từ 5 - 10 lần, thậm chí 20 lần TCCP.

Tình trạng nước thải gây ô nhiễm các con sông đã gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ của người dân. Theo báo cáo, hiện nay 80% các trường hợp bệnh tật ở Việt Nam là do nguồn nước bị ô nhiễm gây ra, chủ yếu ở các địa phương nghèo. Nhiều người, chủ yếu là trẻ em, tử vong do sử dụng nước bẩn và ô nhiễm…

Cơ chế hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường chưa đồng bộ

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nước, như sự gia tăng dân số, mặt trái của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cơ sở hạ tầng yếu kém, lạc hậu, nhận thức của người dân về vấn đề môi trường còn chưa cao…

Đáng chú ý là sự bất cập trong hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm chưa sâu sắc và đầy đủ; chưa thấy rõ ô nhiễm môi trường nước là loại ô nhiễm gây nguy hiểm trực tiếp, hàng ngày và khó khắc phục đối với đời sống con người cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

Các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn thiếu, cơ chế phân công và phối hợp giữa các cơ quan, các ngành và địa phương chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng.

Chưa có chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo lưu vực và các vùng lãnh thổ lớn. Chưa có các quy định hợp lý trong việc đóng góp tài chính để quản lý và bảo vệ môi trường nước, gây nên tình trạng thiếu hụt tài chính, thu không đủ chi cho bảo vệ môi trường.

Cần một hành xử chuẩn mực hơn với môi trường

Để bảo vệ nguồn môi trường biển và nước trong bối cảnh tự do hoá thương mại hiện nay cần phải có các giải pháp toàn diện.

Đó là giải quyết mối quan hệ hài hoà, thực hiện đồng bộ giữa chính sách thương mại và chính sách môi trường. Phát triển sản xuất kinh doanh phải gắn với đầu tư lựa chọn công nghệ mới và bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, quan niệm về sản xuất sạch và bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn quy định ngặt nghèo của thị trường và người tiêu dùng. Trong phạm vi liên quan đến thương mại - môi trường, các hoạt động chính sách cũng như các doanh nghiệp cần có một cách tiếp cận chủ động: phải hội nhập về các chuẩn mực hành xử trong quy tắc kinh doanh, trong đó có điều kiện tiên quyết là phát triển bền vững, trách nhiệm với môi trường.

Chính phủ phải đánh giá được lợi ích của việc mở cửa thị trường trong việc phục vụ tốt hơn cho mục tiêu môi trường, phát triển môi trường bền vững. Xây dựng các biện pháp kỹ thuật cần thiết để bảo vệ môi trường, hạn chế việc nhập khẩu những hàng hoá có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường cao, như thiết bị công nghệ lạc hậu, hàng hoá kém chất lượng.

Cần phải áp dụng ngày càng nhiều hơn các biện pháp nhằm hạn chế hoặc giảm bớt tác động của các hoạt động sản xuất, tiêu dùng của xã hội đối với môi trường, như các quy định về nhãn mác sinh thái, mức độ ô nhiễm, hàm lượng các chất có hại cho môi trường, khả năng tái chế của bao bì, hay các tiêu chuẩn môi trường, các loại thuế, phí môi trường nhằm khuyến khích ý thức tự bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, người tiêu dùng.

Đồng thời phải cương quyết hơn trong việc bảo vệ môi trường sống cho mọi người dân. Trước mắt cần xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, có chế tài chặt chẽ mang tính răn đe đối với các hành động hủy hoại môi trường. Phải xây dựng một chương trình hành động chiến lược bảo vệ, tiến tới cải thiện môi trường sống.

Một kinh nghiệm của nhiều nước là tiến hành đánh thuế môi trường. Chẳng hạn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt về năng lượng để hạn chế sử dụng thái quá các nguồn năng lượng, đồng thời có nguồn thu để thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường. Nguồn thu từ thuế môi trường sẽ không nhỏ nếu biết tận thu và đây chính là một nguồn lực để giải quyết từng bước vấn đề môi trường ở nước ta.

Cần điều chỉnh các nghị định, xử phạt đủ sức răn đe

Hệ  thống văn bản pháp lý bảo vệ môi trường biển  đã có những thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trước mắt cần điều chỉnh mâu thuẫn trong Nghị định 57 và Nghị định 04/2007/NĐ-CP về xây dựng định mức phát thải chất gây ô nhiễm nước.

Đồng thời, xử lý nghiêm minh và kịp thời những cơ sở, cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước làm tấm gương tạo ra sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận xã hội

Tăng cường nguồn nhân lực, ngân sách, quỹ thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường biển, nước. Nguồn nhân lực, ngân sách và quỹ chi cho công tác bảo vệ môi trường hiện nay chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Theo tính toán của Ngân hàng thế giới, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường của Việt nam dự tính khoảng 2, 5 tỷ USD/năm trong khi phân bổ ngân sách của chính phủ theo quy định khoảng 1% GDP. Định mức này chỉ đạt 1/5 so với yêu cầu thực tế.

Chấn chỉnh công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, cấp phép. Các dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng, nhất thiết phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo luật định và có ý kiến thẩm định của hội đồng thẩm định, của các cơ quan chuyên môn về môi trường; kiên quyết từ chối những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Đối với những nhà máy mới xây dựng buộc phải nghiêm túc thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường. Những nhà máy, xí nghiệp đã cam kết với Bộ TNMT trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, xử lý nước thải, rác thải, cần có một cuộc kiểm tra, đánh giá lại, xem doanh nghiệp nào thực hiện đúng cam kết, doanh nghiệp nào không. Với những doanh nghiệp chưa thực hiện đúng cam kết bắt buộc phải xây dựng một lộ trình để thực hiện đúng cam kết.

Mức tối đa xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện nay mới chỉ là 70 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm. Do đó chưa đủ mạnh để có tính răn đe. Bởi vậy, các doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt và tiếp tục tái phạm. 

TS. Trần Anh Tài