Tránh tình trạng lộn xộn trong phát triển đô thị

(Dân trí) - Hiện nay, tốc độ đô thị hoá của nước ta diễn ra mạnh mẽ. Nhiều thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp mới ra đời và mở rộng thêm, phát sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm.

Song song với việc đô thị hoá là hàng loạt các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai như hệ thống điện, đường và mạng lưới thông tin liên lạc… Đó là tín hiệu đáng mừng về sự đi lên của đất nước .Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là việc xây dựng không tuân theo một quy hoạch mang tính tổng thể, đồng bộ và theo một trình tự cần thiết. Từ đó dẫn đến tình trạng mất mỹ quan của bộ mặt đô thị; hơn nữa còn gây ra sự lãng phí công sức, tiền bạc vì phải chỉnh sửa nhiều lần, gây rất nhiều phiền hà cho người dân.

 

Chúng ta thường phải chứng kiến những con đường vừa mới làm xong chưa lâu, lại bị đào lên để lắp đặt các ống nước, các loại cáp ngầm dẫn điện hoặc truyền dẫn thông tin. Con đường vốn dĩ phẳng lì, đẹp đẽ là thế, sau khi bị đào bới rồi vá víu lại bổng nhiên trở nên lồi lõm xấu xí đến khó coi.
 
Nguy hiểm hơn, có những nơi đang đào bới thi công nhưng không hề có biển báo, cũng không có rào chắn, để trống trơ những cái miệng hố sâu hoắm, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Không ít người đã phải vào bệnh viện cấp cứu vì sự tắc trách của đơn vị thi công công trình.

 

Thỉnh thoảng trên đường phố lại có một cột điện treo lơ lửng nhiều loại dây loằng ngoằng, từ dây dẫn điện, dây điện thoại rồi hộp công tơ, hộp cáp điện thoại đến những tấm biển quảng cáo, vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa tiềm ẩn nhiều tai hoạ khó lường. Đã có nhiều cái chết thương tâm do những cái “thòng lọng” từ trên cao rơi xuống người đi đường, là minh chứng cho sự tuỳ tiện trong việc lắp đặt các hệ thống đường dây theo tuyến phố.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Quốc lộ 12A đi qua trung tâm thị trấn Ba Đồn (Quảng Bình) nối liền quốc lộ 1A với nước bạn Lào qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Đây là con
đường chiến lược quan trọng trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và nay là tuyến giao thông huyết mạch trong hành lang kinh tế Đông - Tây.
 
Con đường này được đầu tư xây dựng và nâng cấp, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ vài năm nay, nhưng nhiều chỗ đã xuống cấp, nứt nẻ, sụt lún, cho nên phải đào lên để sửa chữa. Chỉ tính riêng đoạn đường đi qua thị trấn khoảng 4 km nhưng đã có không dưới 5 chỗ phải làm lại. Đây là quãng đường có mật đ giao thông rất cao.
 
Thế nhưng không hiểu vì sao chẳng thấy bất kỳ một sự cảnh báo nào từ phía cơ quan thi công. Những cái hố nhỏ nhất cũng vài mét vuông và sâu từ 15 - 20 cm lại có vị trí ngay trên mặt đường, là nguy cơ luôn rình rập người qua lại, nhất là vào ban đêm. Nếu không chú ý, người đi đường sẽ dễ dàng sa vào những cái “bẫy” đó. Người viết bài này đẫ tận mắt chứng kiến hai vụ tai nạn do những cái hố này gây ra chỉ sau một ngày con đường bị đào bới.

 

Tình trạng đường sá bị đào lên lấp xuống không riêng gì ở Quảng Bình, mà có tính phổ biến, nhất là ở các đô thị, nơi mà các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh được ưu tiên hơn so với các vùng khác trên toàn quốc. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm và báo chí đã phê phán nhiều nhưng xem ra chưa được các cơ quan hữu trách lắng nghe và có giải pháp khắc phục. Không biết các cơ quan công quyền cũng như các nhà hoạch định phát triển đô thị có suy nghĩ gì về tình trạng làm ăn thiếu trách nhiệm đó.

 

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng là quá trình tất yếu cho một xã hội phát triển. Nhưng thiết nghĩ phải được thực hiện trong một quy hoạch tổng thể nhất quán, có sự chỉ đạo và quản lý tập trung của các cấp chính quyền.
 
Để xây dựng các công trình trong kế hoạch phát triển đô thị, trước hết cần dựa trên quy hoạch tổng thể, các sở và ban ngành có chức năng tham mưu cần làm tròn bổn phận của mình để chính quyền sở tại có căn cứ chỉ đạo thực hiện những giải pháp cần thiết mang tính đồng bộ để tránh lãng phí, bảo đảm mỹ quan cho đường phố, không gây ách tắc trong khi thi công, nhất là đảm bảo an toàn giao thông, có rào chắn và biển báo chỉ dẫn cho người đi đường được an toàn, thuận tiện.


Đinh Xuân Tiễn
Khu phố 3, thị trấn Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình

 

LTS Dân trí - Công việc xây dựng đô thi mới cũng như mở rộng và nâng cấp đô thị đều phải dựa trên quy hoạch tổng thể, bảo đảm sự cân đối hài hòa về mọi mặt, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và đáp ứng ngày càng tốt hơn mọi nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân.

 

Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn trong xây dựng và mở rộng đô thị vẫn diễn ra ở nhiều nơi như bài viết trên đây đã nêu. Ngay ở thủ đô Hà Nội và TPHCM, tình trạng lộn xộn đó vẫn diễn ra làm cho người dân thấy bức xúc và đã nhiều lần phản ảnh trên báo chí.

 

Nhằm khắc phục tình trạng đó, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan có chức năng lập kế hoạch và chỉ đạo thi công cơ sở hạ tầng để có sự phối hợp đồng bộ theo đúng trình tự cần thiết, nhằm bảo đảm mỹ quan đường phố cũng như không gây ra nhiều trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày của người dân, nhất là việc đi lại được an toàn, thuận tiện.