Tranh cãi về việc xử lý hình sự người vi phạm nồng độ cồn

PV

(Dân trí) - "Không thể xử lý lái xe có nồng độ cồn cao chỉ vì suy đoán khả năng phạm tội. Nếu vậy, hành vi mang dao, hóa chất, vượt đèn đỏ, lạng lách... đều có thể xử lý hình sự vì khả năng gây tội nghiêm trọng".

Tại hội thảo về tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông, đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề xuất phương án xử lý hình sự người vi phạm nồng độ cồn trên mức kịch khung để tăng tính răn đe.

Theo đó, pháp luật hiện hành quy định người vi phạm nồng độ cồn quá mức 0,4mg/lít khí thở, dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt, dẫn tới việc người uống 5 cốc bia hay 30 cốc bia rồi lái xe đều bị áp dụng mức phạt như nhau. Bởi vậy, vị đại diện đề xuất nghiên cứu tách từng vi phạm cụ thể để áp dụng chế tài hành chính hoặc hình sự, kể cả chưa gây hậu quả.

Nhiều người đồng tình nhưng cũng không ít người phản đối đề xuất trên bởi cho rằng nó thể hiện tư tưởng quá thiên về trừng phạt của cơ quan quản lý, khiến pháp luật có thể bị biến thành "con ngáo ộp", làm người dân e sợ nhưng không thán phục.

Tranh cãi về việc xử lý hình sự người vi phạm nồng độ cồn - 1

Độc giả Dân trí cho rằng việc xử lý hình sự theo đề xuất trên sẽ làm đảo lộn, rối loạn trật tự của hệ thống pháp luật vốn đang được vận hành ổn định như hiện tại.

Trong bài viết Phạt tù người "vi phạm nồng độ cồn vượt khung"? của thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, ông đưa ra băn khoăn trước đề xuất trên như sau: "Việc tách bạch chế tài hình sự (phạt tù) và hành chính (phạt tiền) như hiện nay sẽ phát sinh bất cập với những hành vi nếu bỏ tù thì quá nặng, còn phạt tiền lại quá nhẹ, không đủ răn đe. Chẳng hạn nếu một người uống 30 cốc bia rồi lái xe ôtô chạy "điên cuồng" trên xa lộ như ví dụ của vị đại diện Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, kể cả nếu chưa gây ra hậu quả thì rõ ràng là không thể chỉ phải chịu phạt tiền.

Việc chỉ xử lý hành chính trường hợp này dễ dẫn đến "nhờn luật", tiềm ẩn hậu quả khôn lường. Nhưng nếu áp dụng chế tài bỏ tù khi chưa có hậu quả thực tế cũng chưa thực sự thuyết phục".

Từ đó, ông đề xuất các giải pháp, trong đó có việc tham khảo mô hình tổ chức Tòa án ở một số quốc gia và thành lập Tòa vi cảnh, đưa ra chế tài ở mức độ giữa hành chính và hình sự để đảm bảo tính răn đe, thượng tôn pháp luật, khiến người dân thuần phục.

Ví dụ, tại Pháp tồn tại Tòa vi cảnh bên cạnh Tòa đại hình và Tòa tiểu hình, trong đó Tòa vi cảnh để xét xử các vụ hình sự nhỏ như lái xe quá tốc độ chưa gây hậu quả, lái xe không giấy phép hay lái xe sử dụng rượu bia… Tương ứng với nhóm tội danh này, mức phạt có thể áp dụng như phạt tù từ 1 ngày đến 2 tháng hay phạt tiền đến 3.000 Euro.

Còn tại Anh, cựu tiền đạo Đội tuyển Anh là Wayne Rooney từng chịu án phạt 100 giờ lao động công ích và treo giấy phép lái xe 2 năm do lái xe trong tình trạng nồng độ cồn cao gấp 3 lần cho phép. Mức phạt này không chỉ đánh vào tài chính mà còn chạm tới lòng tự ái, danh dự của mỗi cá nhân và khiến mỗi người phải tự chấn chỉnh ý thức để giữ hình ảnh cho bản thân.

Bên dưới bài viết, nhiều độc giả cũng bày tỏ sự ủng hộ với việc không nên áp dụng chế tài hình sự như đề xuất của đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Anh Tạ Đức Khánh viết: "Tôi tán thành ý kiến trên. Xã hội ta đang dần tiến đến mục tiêu trở thành một nước phát triển, vì vậy những chế tài cần thích nghi dần với sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia phát triển từ bây giờ. Còn nếu chỉ đơn giản làm theo đề nghị chuyển thành xử lý hình sự người vi phạm nồng độ cồn trên mức kịch khung thì lại ảnh hưởng đến tính nguyên tắc về quan hệ các bộ luật và tổ chức hoạt động của các tòa dân sự, hành chính và hình sự.

Đơn giản là kịch khung nhưng với người trẻ, già, hay người có thể trạng khác nhau như kiểu "hạng gà", hạng "ruồi" hay hạng "muỗi" như trong thi đấu thể thao thì phải làm sao? Hay là lại phụ thuộc vào cảm tính của người thực thi pháp luật?

Bởi vậy, nên tiếp tục hoàn thiện thể chế trong tố tụng và tòa án ngay từ bây giờ và thường xuyên kẻo quá muộn. Còn không sẽ tốn kém tiền bạc và công sức rất nhiều như kiểu phải chi hàng tỷ đồng cho "chấn hưng văn hóa" như một đề xuất gần đây".

Đồng quan điểm, người dùng Hưng Phạm Ngọc viết: "Nghe vô lý quá đáng. Nếu đã không muốn người dân uống rượu, bia khi lái xe thì tốt và hiệu quả nhất là cấm sản xuất, nhập khẩu và bán rượu bia luôn đi".

Tương tự, chủ tài khoản To Pho cũng cho rằng không nên áp dụng các chế tài hình sự như hiện nay đối với người chỉ vi phạm nồng độ cồn đơn thuần. Người này viết: "Không thể xử lý hành vi lái xe khi có nồng độ cồn cao được chỉ vì suy đoán khả năng phạm tội. Nếu với cách suy đoán này thì hành vi mang dao, hóa chất, vượt đèn đỏ, phóng quá tốc độ, lạng lách, đánh võng.... đều có thể xử lý hình sự vì khả năng phạm tội nghiêm trọng của nó. Việc lái xe khi có nồng độ cồn cao thì đã xử lý vi phạm tùy theo mức nồng độ cồn, nhưng chưa có hậu quả xảy ra thì không thể "võ đoán" để xử lý hình sự được".

Còn theo độc giả Hoàng Linh, người này không đồng tình với đề xuất của đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Độc giả nhìn nhận pháp luật hiện hành đã điều chỉnh hành vi và quy định rõ ràng, tách bạch về các chế tài hành chính và hình sự đối với người lái xe khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm.

Việc xử lý hình sự theo đề xuất trên sẽ làm đảo lộn, rối loạn trật tự của hệ thống pháp luật vốn đang được vận hành ổn định như hiện tại. "Đúng là tối kiến, không biết vị này đã nghiên cứu rõ ràng các quy định của pháp luật về việc điều chỉnh hành vi và chế tài hành chính, hình sự đối với người vi phạm nồng độ cồn theo Luật Giao thông đường bộ, Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự 2015 hay chưa. Còn theo tôi, chế tài hành chính và hình sự đã được phân tách rõ ràng, phân cấp mức độ xử lý cụ thể dựa trên mức độ, tính chất và hậu quả mà hành vi để lại. Bởi vậy, không có lý do gì để phải làm xáo trộn, rối tung những quy định vốn đang vận hành ổn định như hiện nay.

Nói thêm về các chế tài hành chính, như chúng ta đều biết, mức phạt áp dụng đối với người vi phạm nồng độ cồn kịch khung là 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng. Nghĩa là, người uống 5 cốc bia có thể áp dụng mức phạt đầu khung, còn uống 30 cốc bia sẽ áp dụng mức phạt kịch khung, mức phạt về kinh tế khi đó là hoàn toàn khác nhau, sao có thể nói là đều áp dụng mức phạt như nhau?

Chưa kể tới hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện, tôi tin rằng nếu các cơ quan chức năng làm chuẩn, đây mới là điều các chủ phương tiện sợ nhất bởi họ khi đó sẽ bị mất đi phương tiện, hay xa hơn là mất đi chiếc "cần câu cơm" hàng ngày, gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt. Nếu làm nghiêm và đánh vào vấn đề này, tôi tin sẽ rất nhiều tài xế lo sợ mà phải thay đổi nhận thức của bản thân", độc giả này phân tích.

Hoàng Diệu (Tổng hợp)