TPHCM: Ly kỳ vụ án “đòi lại một phần căn nhà”

(Dân trí) – Mua nhà hợp pháp, 4 bản án “xử đi xử lại” đều thắng nhưng vẫn không được vào nhà ở vì thi hành án bế tắc. Đó là hoàn cảnh “dở khóc dở cười” của một thiếu tá bộ đội biên phòng.

Bốn lần xử không xong

Những ngày qua, thiếu tá Trần Anh Chương, bộ đội biên phòng, ngụ phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM cùng vợ gõ cửa nhiều cơ quan chính quyền, pháp luật và báo chí kêu cứu. Theo hồ sơ, thì một chuyện khó tin nhưng vẫn xảy ra.

Ông Chương mua căn nhà số 44 Cao Thắng, P.17, Q.Phú Nhuận, TP. HCM của cựu chiến binh Vũ Nguyên Lăng và bà Nguyễn Thị Mỹ với giá 2 tỷ đồng.

Ngày 27/10/2006, hợp đồng chuyển nhượng được công chứng. Ông Lăng là chủ hợp pháp, có quyền bán nhà cho ông Chương. Căn nhà ông Chương mua của ông Lăng là hợp pháp, hợp lệ. Vậy mà, khi quyết định chuyển đến nhà mới ở, bà Phan Thị Ngân, người mà ông Lăng cho ở nhờ tầng trệt không chịu giao nhà cho ông Chương vì cho rằng mình được hưởng một nửa căn nhà “do bà đã có thỏa thuận viết tay với ông Lăng rằng khi bán nhà, ông Lăng chia bà một nửa tài sản”. Bà Ngân còn đòi ông Chương phải “chi” 900 triệu đồng thì mới chịu giao nhà. Không đồng ý với “yêu sách” này, ông Chương khởi kiện bà Ngân ra TAND Q.Phú Nhuận nhờ phán xét.
 
TPHCM: Ly kỳ vụ án “đòi lại một phần căn nhà” - 1
Hàng chục bài báo phản ánh sự việc nhưng chưa… đến được UBND TP. HCM

Phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất ngày 30/7/2007, TAND Phú Nhuận tuyên buộc bà Ngân phải trả lại tầng trệt căn nhà số 44 Cao Thắng cho ông Chương. Ngày 28/12/2007, tòa phúc thẩm cũng tuyên y án. Ngày 27/10/2008, quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao buộc hủy bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Bản án sơ thẩm lần 2, TAND Phú Nhuận cũng buộc bà Ngân phải giao tầng trệt của căn nhà số 44 Cao Thắng cho ông Chương. Tiếp đó, bản án phúc thẩm lần 2 tòa cũng tuyên y án sơ thẩm.

Như vậy, sau 4 phiên tòa xét xử, kết quả bản án vẫn không thay đổi. Ông Chương mua nhà hợp pháp của ông Lăng và việc bà Ngân chiếm tầng trệt căn nhà là không có cơ sở. Bà Ngân bị buộc phải trao trả lại tầng trệt căn nhà cho ông Chương.

Không thi hành án vì vướng văn bản trái luật

Ngày 1/10/2009, Chi cục Thi hành án quận Phú Nhuận đã có Quyết định số 05/THA buộc bà Ngân phải giao lại tầng trệt căn nhà 44 Cao Thắng cho ông Chương theo đúng quy định trong bản án có hiệu lực pháp luật. Thế nhưng, ngày 18/12/2009, UBND TP. HCM lại có công văn số 6806/UBND chỉ đạo UBND quận Phú Nhuận hủy bỏ việc bán căn nhà trên của ông Lăng. Đồng thời, văn bản của UBND TP. HCM còn lưu ý cho quận phải xem xét bán căn nhà cho bà Ngân.
 
Tiếp đó, ngày 6/1/2010, UBND quận Phú Nhuận đã ra quyết định 01/QĐ-UBND thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Việc thi hành án vì thế mà phải dừng lại. Như vậy, văn bản hành chính 6806 do ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM ký đã làm vô hiệu hóa 4 bản án của tòa án.
 
Nguyên nhân dẫn đến việc UBND TP. HCM chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hủy bỏ việc mua bán căn nhà số 44 Cao Thắng của ông Lăng là do ông Lăng đã được tạm cấp một mảnh đất tại quận Thủ Đức. Vì theo quy định của Nghị định 61/CP, chỉ cấp nhà cho đối tượng chính sách duy nhất một lần.
 
Các cơ quan tham mưu cho lãnh đạo thành phố cho rằng, ông Lăng đã được cấp đất ở quận Thủ Đức xây nhà cho thuê nhưng khai báo gian dối để tiếp tục có căn nhà 44 Cao Thắng theo Nghị định 61/CP. Vì vậy, phải thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Lăng đối với căn nhà này và việc mua bán căn nhà giữa ông Lăng với ông Chương hay bất cứ ai cũng đều bị vô hiệu.
 
Tuy nhiên, UBND quận Thủ Đức đã có văn bản xác nhận mảnh đất của ông Lăng thuộc quyền quản lý của công ty vật tư xây dựng Công trình 624, chưa chuyển giao cho quận Thủ Đức. Vì vậy, không thể nói ông Lăng được “tạm cấp” mảnh đất này là đã hưởng chính sách nhà, đất theo quy định của Nghị định 61/CP. Ông Lăng không gian dối để 2 lần hưởng lợi nhà ở từ Nghị định này.
 
TPHCM: Ly kỳ vụ án “đòi lại một phần căn nhà” - 2
Ông Chương rất mong muốn được sở hữu căn nhà hợp pháp

Về chỉ đạo của UBND TP. HCM “ưu tiên” bán căn nhà số 44 Cao Thắng cho bà Ngân cũng không ổn. Bởi, ngày 4/7/2008, Thanh tra quận Phú Nhuận có kết luận: “Việc xem xét giải quyết bán nhà cho bà Ngân là không có cơ sở. Thứ nhất, bà Ngân nhập hộ khẩu và nhà số 44 Cao Thắng không có ý kiến của cơ quan quản lý nhà thời điểm đó. Thứ hai, bà Ngân không có hợp đồng thuê nhà dài hạn với Nhà nước (vì căn nhà số 44 Cao Thắng thuộc sở hữu Nhà nước trước khi chuyển giao cho ông Lăng)”. Bà Ngân không phải là công chức Nhà nước. Vợ chồng bà từng “vào tù ra tội” vì kinh doanh, chứa chấp mại dâm. Trong vụ án tranh chấp này, bà Ngân nhiều lần gian dối bằng cách làm giả giấy tờ sang nhượng, giả mạo chữ ký… Do vậy, bà Ngân không thuộc đối tượng được xét mua nhà theo Nghị định 61/CP.

“Điệp khúc” kháng nghị đến bao giờ?

Ngày 17/10/2010, một lần nữa, VKSNDTC lại ra quyết định kháng nghị số 165, đề nghị tòa dân sự TANDTC xử giám đốc thẩm theo hướng hủy 2 bản án xử lần 3, 4 với lý do có sự “nhập nhằng” trong việc mua nhà theo Nghị định 61/CP của ông Lăng.

Đến lúc này, ông Chương chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Vợ chồng ông cầm đơn đi gõ cửa khắp nơi. Hàng chục bài báo của các cơ quan thông tấn, hàng chục bài phân tích pháp lý, quan điểm của luật gia, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Trung ương và TPHCM gửi đến UBND TP. HCM. Tuy nhiên, cái mà ông Chương và các cơ quan nên trên nhận được là sự im lặng đến lạnh lùng của UBND TP. HCM.

Ngày 10/9/2010, ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (phụ trách bộ phận ở TPHCM) có thư gửi đến lãnh đạo Đảng, HĐND, UBND TP. HCM. Ông Đằng nêu rõ quan điểm: “Việc Phó Chủ tịch thường trực thành phố ban hành công văn ngăn cản thi hành bản án là việc làm hoàn toàn không đúng, đi ngược lại bản án”.

Với việc 4 bản án đều tuyên: “buộc bà Ngân phải giao nhà cho ông Chương” nhưng UBND TP. HCM lại chỉ đạo cho UBND quận Phú Nhuận thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà của ông Lăng là trái với Luật tố tụng Dân sự. Điều 19 Bộ luật này quy định: “Bản án của Tòa đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được mọi công dân, cơ quan… tôn trọng”.

Theo Luật tố tụng Dân sự, thẩm quyền kháng nghị bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm, Tái thẩm bản án đã có hiệu lực thuộc về Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC. Luật tổ chức HĐND và UBND cũng không cho phép UBND các cấp xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật…

Một bộ đội biên phòng như ông Chương, vừa thực hiện nhiệm vụ giữ vững biên cương cho tổ quốc, vừa phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi nhờ xem xét lại quyền lợi hợp pháp của mình. Biết đến bao giờ cái “điệp khúc” kháng nghị mới kết thúc và người có quyền lợi hợp pháp như ông Chương mới được nhận lẽ công bằng?!.

Công Quang