TP Huế: Cơ sở nhựa tồn tại hơn 10 năm trong khu dân cư gây bức xúc

(Dân trí) - Cơ sở nhựa Tấn Thành với sự gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn… đang gây bức xúc cho nhiều hộ dân ở tổ 4, phường Phú Bình, TP Huế hơn chục năm nay.

Theo phản ánh của người dân ở tổ 4 phường Phú Bình, cơ sở nhựa trên do ông Lê Quang Tào làm chủ làm chừng được hơn 10 năm. Nhà của ông Tào cũng là nơi tái chế biến, sản xuất nhựa ở sát các nhà dân khác. Hàng ngày, cơ sở trên làm thì gây ra tiếng động lớn làm nhiều người ngủ không được. Đặc biệt mùi nhựa bốc ra quá hôi không ai chịu nổi.

“Có ngày chỗ này làm đến 24/24 gây tiếng ồn, mùi hôi làm nhà tôi bức bối. Mùi nhựa đó mỗi lần thoát ra là rất hôi, tôi và mọi người trong nhà thở đều rất khó chịu. Ở khu này toàn cán bộ trí thức, đảng viên, mọi người đã kiến nghị lên phường ở các cuộc họp dân phố, chi bộ phường.

Tuy nhiên dù đã có bị xử phạt nhưng cơ sở trên vẫn tồn tại. Có 3 người tại tổ này đã bị ung thư phổi và đã chết, không biết có liên quan đến việc xả thải ra không khí của chỗ ông Tào hay không? Đề nghị cấp trên quan tâm, cho di dời ra các khu tiểu thủ công nghiệp. Hoặc phải dừng việc cấp điện 3 pha cho cơ sở này để họ khỏi sản xuất nhựa” - ý kiến một người dân.

 

TP Huế: Cơ sở nhựa tồn tại hơn 10 năm trong khu dân cư gây bức xúc - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng bằng nhựa của ông Tào đã từng bị xử phạt nhưng vẫn tồn tại trong khu dân cư, gây bức xúc cho nhiều người dân ở tổ 4, phường Phú Bình, TP Huế

Ngày 23/8, PV đã làm việc với Trần Văn Phương, Chủ tịch UBND phường Phú Bình về việc này. Ông Phương cho hay, cơ sở nhựa của ông Tào đã tồn tại 15-20 năm nay, phường đã một số lần xử lý theo kiến nghị người dân nhưng do quy định của phường xã  nằm ở mức chế tài nhỏ nên chưa xử lý dứt điểm được.

“Chúng tôi đã nhắc nhở ông Tào không làm ảnh hưởng môi trường xung quanh, không hiểu sao cứ nghe dân nói nhiều về trường hợp này quá. Chúng tôi cũng qua báo kiến nghị cấp trên di dời cơ sở sản xuất của ông Tào ra khỏi địa phương đến nơi khác để đỡ làm ô nhiễm trong dân” - ông Phương trao đổi.

TP Huế: Cơ sở nhựa tồn tại hơn 10 năm trong khu dân cư gây bức xúc - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Phương, Chủ tịch UBND phường Phú Bình đồng tình với quan điểm cấp trên sẽ cần phải di dời cơ sở ông Tào ra khỏi khu dân cư

 Được cán bộ phường dẫn về tại cơ sở ông Tào, chúng tôi đã mục sở thị nơi sản xuất. Có nhiều máy móc cũ kỹ sản xuất nhựa tái chế và nhựa nguyên sinh. Sản phẩm mà cơ sở này làm ra chủ yếu là các móc áo quần, lon nhựa. Đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Việc đăng ký lần đầu vào năm 2001, đăng ký thay đổi lần 2 vào năm 2012.

Ông Tào cho biết, ông đã bị cảnh sát môi trường TP Huế lập biên bản xử phạt 1,2 triệu vào năm 2011. Trước câu hỏi vấn đề tiếng ồn, mùi hôi của ông gây ô nhiễm, làm bức xúc cho nhiều người dân xung quanh theo như phản ánh có đúng không? Thì ông Tào trả lời, cũng có gây ra tiếng ồn… vừa vừa, và mùi hôi cũng không đáng kể vì nếu có mùi hôi tác hại cho người dân thì nhà ông đã bị bệnh trước rồi, nhưng mọi người trong nhà vẫn bình thường (?)

PV hỏi tiếp, nếu thời gian tới có chính sách hay cơ quan chức năng buộc di dời cơ sở sản xuất ra chỗ khác vì gây ô nhiễm thì ông Tào có chấp thuận không? Ông này cho hay nếu di dời thì phải có sự hỗ trợ từ cấp trên thì ông mới làm (?!)…


TP Huế: Cơ sở nhựa tồn tại hơn 10 năm trong khu dân cư gây bức xúc - Ảnh 3.

Nhiều máy móc cũ kỹ tại cơ sở sản xuất nhựa và cũng là nhà ông Lê Quang Tào

TP Huế: Cơ sở nhựa tồn tại hơn 10 năm trong khu dân cư gây bức xúc - Ảnh 4.

Chỉ có 2 nhân viên làm việc tại nhà ông Tào

TP Huế: Cơ sở nhựa tồn tại hơn 10 năm trong khu dân cư gây bức xúc - Ảnh 5.

Người dân phản ánh có lúc cơ sở này hoạt động cả ngày 24/24 nhưng ông Tào lại cho biết chỉ làm từ sáng đến chiều (?)

 Việc 1 cơ sở sản xuất nhựa ngay trong khu dân cư đã và đang bị nhiều người dân phản ánh, bức xúc lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết, thiết nghĩ UBND TP Huế và các cấp liên quan cần có 1 động thái dứt khoát để đưa cơ sở của ông Tào ra khỏi khu dân cư, tránh ảnh hưởng xấu về sức khỏe và môi trường cho người dân.

Đại Dương