Chương trình bình chọn “Hãng luật và luật sư tiêu biểu” năm 2012:

Tôn vinh giới luật sư, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

(Dân trí) - Năm 2010, Báo Pháp luật việt Nam phối hợp với các đơn vị hữu quan khác đã tổ chức thành công lần đầu tiên Chương trình bình chọn Danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm”.

Tôn vinh giới luật sư, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Bà Nguyễn Thúy Hiền (Thứ trưởng Bộ Tư pháp) và ông Đào Văn Hội (Trưởng ban tổ chức Chương trình bình chọn Hãng luật và Luật sư tiêu biểu)

Hiện tại Chương trình bình chọn “Hãng luật và Luật sư tiêu biểu năm” 2012 đang ở vào thời điểm sôi động. Nhân dịp này, PV Báo Dân trí đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thúy Hiền,Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hoạt động luật sư.

Thưa Thứ trưởng, xuất phát từ đâu mà Bộ Tư pháp lại cho phép Báo Pháp luật VN thực hiện chương trình bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu?

Những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta như xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế... đều hoặc ít hoặc nhiều có liên quan đến việc xây dựng đội ngũ luật sư đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, vững về đạo đức, vậy nên trước năm 2010, khi báo Pháp luật VN đề xuất ý tưởng bình chọn danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm” thì Bộ Tư pháp ủng hộ ngay.

Trên thế giới, việc bình chọn hãng luật và luật sư của năm của một số báo hoặc tạp chí chuyên luật đã được thực hiện từ lâu, thậm chí có nơi đã thành thông lệ. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì đây là một việc mới và khó. Song, với việc bình chọn thành công hãng luật và luật sư của năm lần đầu tiên vào năm 2010 đã cho kinh nghiệm để tiến hành những chương trình tiếp theo.

Mục đích của việc bình chọn là gì, thưa bà?

Mục đích cụ thể của việc bình chọn đã được thể hiện trong “Đề án bình chọn” và cụ thể hóa ở “Quy chế bình chọn”, bao gồm “ba trong một”, cụ thể là: 1. tôn vinh các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hoạt động có hiệu quả trong các năm bình chọn (thường là 3 năm liên tiếp); 2. góp phần xây dựng những tiêu chí, chuẩn mực về hoạt động nghề nghiệp và đạo đức của luật sư; 3. góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu của hãng luật luật sư tham gia bình chọn. Còn mục đích lâu dài là nhằm góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo vệ quyền còn người, quyền công dân, thực thi công lý.

Chương trình bình chọn Hãng luật và Luật sư tiêu biểu năm 2012 có gì mới so với chương trình bình chọn trước đây?

So với cuộc bình chọn năm 2010, thì Chương trình bình chọn lần này có một số điểm mới chủ yếu sau: Thứ nhất, về tên gọi, cụm từ “của năm” được thay bằng cụm từ “tiêu biểu”, như thế nghe hợp lý hơn và Việt Nam hơn. Thứ hai, về “cơ sở pháp lý” được nâng cao hơn một bước, nếu như lần trước là sự cho phép của Bộ Tư pháp thì nay là là sự cho phép của Chính phủ căn cứ vào Quyết định số 51/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ ba, về số lượng các danh hiệu được bổ sung thêm, ngoài danh hiệu “hãng luật tiêu biểu”, “luật sư tiêu biểu”, “vụ việc tiêu biểu” (trước là của năm) còn thêm các danh hiệu “Luật sư vì cộng đồng”, “Cống hiến cho nghề luật sư” và “Luật sư triển vọng”.  Như vậy, tổng cộng có 6 loại danh hiệu cả thảy.

Lý do gì khiến Ban Tổ chức quyết định tăng thêm các loại danh hiệu, thưa bà?

Sở dĩ Ban Tổ chức quyết định bổ sung thêm các loại danh hiệu là vì: Thứ nhất, giới luật sư là một lực lượng khá đông đảo (ước tính đến nay cả nước đã có khoảng 3.000 tổ chức hành nghề luật sư, trong đó có hơn 2.000 văn phòng luật sư, hơn 800 công ty luật và hơn 100 luật sư đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân) nên số loại danh hiệu tuy không nên quá nhiều, song cũng phải tương ứng để tạo cơ hội nhận giải cho các ứng viên.

Thứ hai, hoạt động luật sư (gồm cả tư vấn và tranh tụng) là một nghề có hiệu ứng xã hội rất lớn, vì vậy cần phải có những danh hiệu có tính chất vì xã hội, vì cộng đồng, hướng tới tương lai để cổ vũ và khuyến khích họ, nhất là đối những địa bàn vùng sâu vùng xa hoặc là đối với những luật sư trẻ.

Thứ ba, cứ khoảng 3 năm mới có một lần bình chọn, nếu các danh hiệu qua bó hẹp thì “sân chơi” sẽ  mất vui và mục đích của “cuộc chơi” cũng khó đạt được trọn vẹn.
Tôn vinh giới luật sư, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Việc lựa chọn danh hiệu "Hãng luật và luật sư tiêu biểu" nhằm tôn vinh các tổ chức hành nghề luật, và các luật sư có hoạt động hiệu quả, tuân thủ pháp luật...

Chương trình bình chọn lần này, về cơ sở pháp lý, đó là sự cho phép của Chính phủ. Như vậy, phải chăng là việc bình chọn đã được “Nhà nước hóa”?

Cũng cần nói rõ rằng, tuy tuân theo Quy chế của Thủ tướng Chính phủ, song việc bình chọn vẫn là hoạt động xã hội-nghề nghiệp, mang tính chất “phi chính thống”. Hằng năm, cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư là Bộ Tư pháp, cũng như quản lý nội bộ là Liên đoàn Luật sư Việt Nam vẫn tiến hành tổng kết công tác và có những hình thức khen thưởng dành cho các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có thành tích, căn cứ vào quy định của Nhà nước, cũng như quy chế khen thưởng của Liên đoàn luật sư.

Như vậy, về một phương diện nào đó, có thể xem chương trình bình chọn như một “kênh” khen thưởng bổ sung, song hành với các “kênh” chính thống. Điều này cũng phù hợp với hoạt động luật sư là một nghề tự do, và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế: các báo, tạp chí chuyên luật có uy tín ở nước ngoài cũng thường tổ chức việc bình chọn hãng luật và luật sư của năm.

Chính vì nguyên tắc tự nguyện tham gia, mà có thể xem chương trình bình chọn như một “cuộc chơi”, theo đó Ban tổ chức do Báo Pháp luật VN chủ trì, chỉ là người bày sân chơi, Hội đồng bình chọn là người “cầm trịch” luật chơi. Còn Bộ Tư pháp, cơ quản chủ quản của báo Pháp luật VN, đồng thời là cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động luật sư chỉ cho phép vào tạo điều kiện để Báo thực hiện tốt chương trình bình chọn, như Đề án đã trình.

Tiến độ chương trình bình chọn đã thực hiện đến đâu rồi, bao giờ thì công bố kết quả?

Ban đầu, Ban Tổ chức dự kiến sẽ công bố kết quả vào ngày 19/5 - ngày kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng nay lui lại vào ngày 28/8 - ngày kỷ niệm thành lập ngành Tư pháp Việt Nam. Sở dĩ có sự thay đổi lịch trình là do có nhiều tổ chức hành nghề luật sư, luật sư trong cả nước mong muốn có thêm thời gian để họ hoàn thiện hồ sơ. Vả lại, Ban Tổ chức, Ban Thư ký, Hội đồng bình chọn cũng cần có thời gian để hoàn thành một khối lượng lớn công việc, bao gồm từ tập hợp, xem xét, đánh giá hồ sơ cho đến việc thực hiện thẩm định cần thiết khác.

Để chương trình bình chọn năm 2012 đạt kết quả tốt, nhân dịp này, chúng tôi rất mong các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư nhiệt tình tham gia bằng cách hoàn thiện và gửi ngay hồ sơ về Ban Tổ chức, và cũng mong các phương tiện truyền thông ủng hộ bằng cách góp phần tuyên truyền, cổ vũ cho chương trình.
 
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
 
Trong lần công bố danh hiệu “Hãng luật và Luật sư của năm” năm 2010, tổ chức trọng thể vào tối ngày 4/5 tại khách sạn Deawoo (Hà Nội), với sự có mặt của Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và nhiều quan chức nhà nước khác, 10 tổ chức hành nghề luật sư đã được trao danh hiệu “Hãng luật của năm” là: Công ty Luật TNHH Invest Consult, Công ty Luật hợp danh YKVN, Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam - Vilaf Hồng Đức, Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie Việt Nam, Công ty Luật TNHH SmiC, Văn phòng luật sư Đức Quang, Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Liên danh - Vision & Associate, Văn phòng luật sư Bizlink, Công ty Luật hợp danh Nghiêm và Chính, Công ty Luật hợp danh Luật Việt.
 
Đồng thời, 5 luật sư đã được trao danh hiệu “Luật sư của năm” là: Phạm Thành Long, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Trâm, Lê Thành Kính và Đỗ Trọng Hải...
 
Vũ Văn Tiến (thực hiện)