Tình trạng "kiếm ăn" từ người khuyết tật: Vì sao khó xử lý triệt để?

Dân trí

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi lợi dụng người khuyết tật để trục lợi sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, do chưa có chế tài hình sự cụ thể với hành vi này nên việc giải quyết triệt để còn gặp khó khăn.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội phối hợp Công an huyện Gia Lâm vừa triệt phá đường dây chăn dắt, hưởng lợi từ việc người khuyết tật đi bán hàng rong do Trần Đình Minh (36 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) cầm đầu.

Theo công an, ngày 17/6, lực lượng chức năng phát hiện Minh điều khiển xe máy chở 2 người khuyết tật. Do nhận thấy dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác đưa cả 3 người về trụ sở làm việc. Tại đây, những người khuyết tật khai quen Minh từ năm 2019 và được Minh "bao nuôi". Đổi lại, họ phải đi bán hàng rong cho người đàn ông này, nhận "lương" 7-8 triệu đồng/tháng.

Tình trạng kiếm ăn từ người khuyết tật: Vì sao khó xử lý triệt để? - 1

Trần Đình Minh (Ảnh: Nam An).

Lực lượng chức năng đã bàn giao những người này cho Trung tâm công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội quản lý, nuôi dưỡng, đồng thời củng cố hồ sơ xử lý Trần Đình Minh.

Độc giả Dân trí đặt câu hỏi, với những hành vi trên, ông Minh có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, theo Luật Người khuyết tật 2010, người khuyết tật được hiểu là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng, được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Pháp luật quy định người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền như tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn giảm một số khoản đóng góp cho xã hội hay được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ giúp pháp lý… phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật.

Ngoài ra, Điều 14 Luật này còn quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với người khuyết tật như kỳ thị, phân biệt đối xử; xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi phạm pháp hay lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật…

Tình trạng kiếm ăn từ người khuyết tật: Vì sao khó xử lý triệt để? - 2

Việc lợi dụng hình ảnh người khuyết tật để trục lợi là hành vi rất đáng lên án. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có chế tài hình sự đủ mạnh để xử lý hành vi này (Ảnh minh họa: Nguyễn Duy).

Đối chiếu với vụ việc này, ông Thắng đánh giá dựa trên những thông tin hiện có, bản chất của mối quan hệ giữa Minh và 2 người khuyết tật là thỏa thuận trả lương. Theo đó, một bên sử dụng hình ảnh tật nguyền để đi bán hàng trong khi bên còn lại cung cấp phương tiện, nơi ăn chốn ở, lợi dụng hình ảnh tật nguyền của những người đó để trục lợi.

Nếu đây là thỏa thuận giữa những người bình thường thì sẽ không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, với việc một bên là người khuyết tật, hành vi của ông Minh đã vi phạm quy định của Luật Người khuyết tật và sẽ bị xử lý theo Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể, khoản 3, Điều 11 Nghị định này quy định người lợi dụng hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ hình sự, luật sư Thắng cho biết, pháp luật hiện hành chưa có chế tài cụ thể về hình sự đối với hành vi lợi dụng hình ảnh người khuyết tật để trục lợi. Việc áp dụng chế tài hình sự sẽ chỉ được đề cập tới nếu trong quá trình xác minh, cơ quan công an xác định có dấu hiệu của các hành vi đánh đập, ngược đãi hay đe dọa, cưỡng ép người khuyết tật làm việc.

Trong trường hợp có hành vi đánh đập, đe dọa hay cưỡng ép người khuyết tật, có thể xem xét dấu hiệu của các hành vi như hành hạ người khác hay cố ý gây thương tích. Còn nếu chỉ có hành vi chăn dắt, lợi dụng để trục lợi thì khó có căn cứ để xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính.

"Việc lợi dụng hình ảnh người khuyết tật để trục lợi là hành vi rất đáng lên án. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có chế tài hình sự đủ mạnh để xử lý hành vi này. Do đó, để đảm bảo tính răn đe, tránh những sự việc có tính chất tương tự có thể lặp lại, cơ quan chức năng cần quản lý, theo dõi sát sao và xử lý với tần suất liên tục, áp dụng mức phạt cao đối với người vi phạm", luật sư Thắng bình luận.

Hoàng Diệu