Tình huống pháp lý vụ nam sinh tử vong dưới hồ sau khi bị đuổi đánh

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, ngoài dấu hiệu tội Gây rối trật tự công cộng, công an sẽ làm rõ hành vi liên quan tới hậu quả chết người của nhóm thanh niên và có thể xem xét áp dụng thêm một trong 3 tội danh theo luật

Như Dân trí thông tin, khuya 28/12, Trần Quốc T. (17 tuổi, ở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) va chạm giao thông với một nhóm thanh niên trên đường Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) và bị đuổi đánh. Bỏ chạy tới khu vực hồ Ba Mẫu thuộc phường Nam Hà, T. nhảy xuống nhằm tránh sự truy đuổi của đối thủ. Tới khuya 30/12, thi thể nam sinh được phát hiện dưới hồ.

Theo Công an TP Hà Tĩnh, nhóm thanh niên mâu thuẫn với T. có khoảng 16 người, sinh năm từ 2006 đến 2008. Lực lượng chức năng đã triệu tập 2 người trong nhóm để xác minh làm rõ vụ việc.

Từ vụ việc trên, độc giả Dân trí đặt câu hỏi, những vấn đề nào cần làm rõ để xem xét trách nhiệm pháp lý của nhóm thanh niên đuổi đánh T.? Trường hợp vụ việc có dấu hiệu hình sự, tội danh nào có thể được xem xét áp dụng?

Tình huống pháp lý vụ nam sinh tử vong dưới hồ sau khi bị đuổi đánh - 1

Hiện trường vụ việc (Ảnh: Văn Nguyễn).

Những vấn đề cần làm rõ

Theo dõi sự việc, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, từ những thông tin công an cung cấp, chưa thể đánh giá chính xác trách nhiệm các cá nhân liên quan. Cơ quan chức năng sẽ cần tiếp tục lấy lời khai, thu thập chứng cứ hiện trường cũng như tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ khác nhằm củng cố chứng cứ, làm "tròn" hồ sơ và tìm ra bản chất sự việc.

Với kinh nghiệm tham gia nhiều vụ án hình sự trong vai trò kiểm sát viên, ông Thắng chỉ ra một số vấn đề pháp lý cần làm rõ như sau:

Thứ nhất, cần làm rõ về thời gian, không gian xảy ra sự việc cũng như tương quan về lực lượng giữa nhóm của nạn nhân T. và nhóm thanh niên đuổi đánh;

Thứ hai, cần làm rõ về tính chất, mức độ hành vi của nhóm thanh niên đuổi đánh cũng như ý chí chủ quan, động cơ và mục đích khi thực hiện hành vi rượt đánh T. là gì;

Thứ ba, ở thời điểm T. nhảy xuống hồ, cần làm rõ nạn nhân sau đó có kêu cứu hay không? Trong điều kiện đêm tối, nhóm thanh niên có biết sự việc không? Nếu có, nhóm này phản ứng ra sao, bỏ về luôn hay chờ T. không nổi lên nữa thì mới bỏ về?

Tình huống pháp lý vụ nam sinh tử vong dưới hồ sau khi bị đuổi đánh - 2

Luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Từ ba vấn đề cơ bản nêu trên, luật sư nhìn nhận tùy thuộc các kết quả xác minh khác nhau sẽ đưa vụ việc diễn ra theo các chiều hướng khác nhau. Trường hợp vụ việc có yếu tố hình sự, 4 tội danh được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 có thể được xem xét áp dụng.

Những tình huống pháp lý có thể xảy ra

"Trong vụ việc trên, có 2 khách thể bị xâm phạm cần được làm rõ, đó là trật tự công cộng và sức khỏe, tính mạng của nạn nhân T. Đối với khách thể thứ nhất, những dữ liệu hiện có cho thấy hành vi thể hiện khá rõ nét dấu hiệu của tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Nếu thu thập đủ chứng cứ chứng minh dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra có quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi của cả nhóm thanh niên rượt đánh T. cũng như những người đi cùng nạn nhân.

Đối với khách thể thứ 2, cần xem xét một cách khách quan, toàn diện đối với các hành vi nhằm xử lý đúng người, đúng tội, tránh oan sai hay bỏ lọt tội phạm. Việc đánh giá cần dựa trên ý chí chủ quan, tính chất, mức độ của hành vi cũng như các diễn biến có thể xảy ra đối với sự việc trên", luật sư bình luận.

Theo vị nguyên kiểm sát viên, đối với hậu quả làm chết người, cần chia thành các tình huống pháp lý như sau:

Thứ nhất, nếu nhóm thanh niên truy đuổi thể hiện sự hung hăng, quyết liệt, quyết tâm truy đuổi tới cùng, dồn nạn nhân vào thế đường cùng, bắt buộc phải nhảy xuống hồ trong điều kiện đêm lạnh để bỏ trốn, sau đó tiếp tục đứng trên bờ truy sát, đe dọa, không cho nạn nhân cơ hội lên bờ tới khi không còn dấu hiệu sinh tồn mới bỏ đi, đây là hành vi có thể bị xem xét dấu hiệu tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Bên cạnh đó, nếu hành vi chưa đủ tính chất quyết liệt nhưng nhóm thanh niên biết rõ T. không biết bơi mà vẫn truy đuổi, buộc nam thanh niên nhảy xuống hồ dẫn đến chết đuối, đây cũng là trường hợp có thể xem xét áp dụng tội Giết người.

Thứ hai, nếu việc truy đuổi không thể hiện tính chất quyết liệt, không thực hiện tới cùng còn việc nạn nhân nhảy xuống hồ là sự kiện bất ngờ, nằm ngoài ý thức chủ quan của nhóm thanh niên truy đuổi, cần làm rõ phản ứng, thái độ của nhóm thanh niên sau khi xảy ra sự kiện trên ra sao.

Theo đó, nếu sau khi nhảy xuống, T. kêu cứu nhưng nhóm học sinh chỉ đứng nhìn hoặc bỏ về ngay sau đó, dẫn đến xảy ra hậu quả chết người, cơ quan chức năng có thể xem xét dấu hiệu của tội Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015. Trường hợp người không cứu giúp là người trực tiếp, vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm, mức phạt có thể áp dụng là 1-5 năm tù.

Nếu T. không kêu cứu, còn nhóm học sinh sau khi biết sự việc đã quay về luôn, không tiếp tục thực hiện hành vi truy đuổi, vẫn có thể xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi truy đuổi và hậu quả chết người cũng như xem xét dấu hiệu tội Vô ý làm chết người theo Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, ngoài tội Gây rối trật tự công cộng có thể áp dụng đối với hành vi xâm phạm an ninh trật tự xã hội, cơ quan chức năng có thể xem xét thêm một trong 3 tội danh trong vụ việc trên. Tuy nhiên, việc xem xét các tội danh (nếu có) đối với hậu quả chết người cần hết sức khách quan, tỉ mỉ, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Hoàng Diệu