Tiếng rao khó cấm

(Dân trí) - Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thương xuyên không phải đăng ký kinh doanh, gồm buôn bán rong, bán quà vặt, buôn chuyến, đánh giày, vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc.

Nghị định quy định một số điều cấm các cá nhân này thực hiện các hoạt động thương mại tại các khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, cơ quan nhà nước, cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế là rất đúng.

Đặc biệt, việc nghiêm cấm hành vi đeo bám, nài ép, gây phiền hà cho khách là rất cần thiết để tạo nếp sinh hoạt thương mại văn minh trong xã hội. Tuy nhiên, dư luận cho rằng việc nghiêm cấm rao bán hàng rong từ 22h đến 5h sáng khó có thể thực hiện được.

Số lượng người bán hàng rong về đêm để kiếm kế sinh nhai khá đông ở thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và một số thành phố du lịch khác. Trong khi xã hội chưa có được nhiều cơ hội tốt để người dân tìm được việc làm, bảo đảm được cuộc sống thì buôn bán hàng rong, làm dịch vụ lưu động là điều không thể tránh khỏi.

Đặc biệt, một bộ phận người dân có sinh hoạt, làm việc về đêm nên cũng có nhu cầu ăn uống và được phục vụ vào ban đêm. Chính cái cầu này nảy sinh cái cung trong hoạt động thương mại cá nhân.

Những người sinh hoạt, làm việc ban đêm không thể có đủ tiền để tìm đến các điểm phục vụ đắt tiền, thì hàng rong rất phù hợp với túi tiền của đa số người dân. Người bán hàng rong kiếm sống ban đêm, tất nhiên không thể không cất tiếng rao hoặc tạo các tín hiệu khác để cho khách hàng biết đến.

Một vấn đề khác cũng cần phải để tâm suy xét, tiếng rao đêm của người bán hàng rong, tiếng gõ lóc lóc của người bán phở gõ, tiếng xập xẻng của người đi tẩm quất đêm... không đến nỗi gây ồn ào, mất trật tự trong xã hội.

Chưa kể, tất cả các hoạt động đó hàm chứa nếp sinh hoạt riêng của một nơi chốn, sinh khí của một thành phố đêm, đôi lúc những hoạt động đó có thể là nét riêng hấp dẫn du khách.

Nghị định ban hành còn phải tính đến khả năng thực thi khi đưa vào cuộc sống. Trên thực tế, lực lượng bán hàng rong và làm dịch vụ phục vụ ban đêm khá đông. Họ làm việc để mưu sinh, kiếm từng đồng để sống qua ngày, cấm họ “kiếm sống” sẽ rất khó.

Chính quyền chắc chắn không có đủ lực lượng để kiểm soát thường xuyên, ở tất cả mọi địa điểm trên địa bàn. Luật pháp phải tính đến sự đồng hành với cuộc sống, nếu khiên cưỡng thì sẽ  không điều chỉnh  hiệu quả được khi áp dụng vào thực tế.

Lê Chân Nhân