Bạn đọc viết:

Thương quá mùa đông người lính!

Gió hôm nay thổi nhiều hơn cái gió hanh hao của những ngày đông đầu tiên, thấy ran rát! Quàng thêm chiếc khăn len anh tặng ấm hơn, mà trong lòng sao nhức nhối? Nhớ quá, yêu quá và thương quá mùa đông của người lính!

Thương quá mùa đông người lính! - 1
Một chuyến hành quân của lính mới (Ảnh minh hoạ)
Em lang thang dọc theo con đường nơi chúng mình từng đi qua, gió đông thổi lạnh lùng vào nỗi nhớ. Em nhớ lại những câu chuyện anh kể về mùa đông anh đi diễn tập. Năm đó là năm cuối anh học lục quân, những nỗi nhớ như những lát cắt chắp vá của thời gian. Anh kể cho em nghe về những kỷ niệm không thể quên được trong lần diễn tập đó.

Anh lên đường cùng với bao nhiêu là đồ đac tất tần tật phải bỏ trong ba lô “con cóc” nào là quần áo, xà phòng kem đánh răng, chăn màn, gạo, lương khô… được cân đo đong đếm của cấp trên theo khối lượng nặng là 25 kg, cùng với cây súng Aka,

Ngày đầu tiên đi dọc theo bờ sông, chân anh đã mỏi và rộp nước lên, cái gió đông hanh lạnh đó thổi từng đợt buôn buốt.

Đến địa điểm tập kết là lao vào đào hào, theo đúng kích thước độ rộng độ sâu theo quy định, cơm thì phải nấu bằng bếp Hoàng Cầm, mặc dù em nghe được học rồi nhưng không thể hình dung một cách cụ thể về bếp đó! Tất cả được kiểm tra một cách nghiêm ngặt nếu không đạt tiêu chuẩn phải làm lại thậm chí không ra được trường.

Đôi mắt anh nhìn xa xăm hơn, anh nói “em biết không bọn anh phải đi bằng niềm tin, bằng tinh thần thép, bằng ý chí và cả tình yêu” chân anh đã chảy máu không thể lê bước  nhưng  vẫn đi đó là sứ mệnh  của người lính, không bao giờ được bỏ cuộc. Trên đường đi có người không chịu được đã ngất đi, nhưng khi tỉnh lại vẫn tiếp tục hành quân.

Những đêm ở rừng, những lần đang giữa đêm khi mọi người được ngủ trong chăn ấm thì lính bọn anh phải đứng giữa trời lạnh, mưa rừng để đào một cái hố, mà đào xong ngày mai lại lấp đi, nghĩ tủi thân lắm chứ vừa đào nước mắt và nước mưa cứ chảy, thấy mằn mặn!

Rồi khi đã quá mệt vừa đến địa điểm là anh nằm ngủ luôn để cả áo mưa cả ba lô, nằm xuống ngủ mặc kệ trời mưa và rét, bọn anh không thể chống cự được cái mệt đó.

Rồi đi tới những chỗ tưởng như là địa ngục của trần gian, mà chỉ đúng là lính lục quân mới biết mới dám đi, cái chỗ đó là một cái khe núi hai bên là núi chỉ rộng vừa một người đi qua, ở trên thì cao hun hút. Có những lúc trèo lên núi mà tưởng chừng một bước đi một bước lùi, đồng đội thì động viên nhau mà đi!

Anh bảo trong lần diễn tập đó mặc dù mang xà phòng, kem đáng răng nhưng không có nước và cũng không có thời gian. Anh không đánh răng, em cười chê anh bẩn. Anh cười lại bằng một nụ cười tươi rói. “Thì em bảo nước nấu cơm bọn anh phải lấy dưới mãi chân núi chỗ dân không có nước nấu cơm chứ nói gì mà đánh răng rửa mặt!”

Em giận hờn nói anh bẩn thế không cho anh hôn nữa, anh lại cười với ánh mắt như biết lỗi rồi! Thương và yêu người lính biết mấy!

Có hôm tiểu đội anh đi bắn, cử một đồng chí ở nhà nấu cơm vì anh đó bị đau chân nên cử ở lại, khi quá trưa rồi bọn anh về thì chưa có cơm ăn vì anh đó mệt quá mà ngủ quên, cả tiểu đội giận lắm nhưng rồi cũng nhịn đói mà đi trong tình đồng đội, anh ấy bảo anh ấy ân hận lắm vì để cả tiểu đội vì anh ấy mà nhịn đói.

Năm đó bọn anh được nhà trường cấp thịt hộp nhưng không thể ăn được, anh ăn một ít rồi đi dọc đường gặp người dân là cho họ, cho họ họ vui một còn anh vui một trăm vì nhẹ đi bao nhiêu, không phải ăn thịt hộp sợ lắm em ah!

Đi dọc đường bọn anh còn hái rau dại ăn để thay nước, không được mang tiền đi theo chỉ huy mà biết là bị kỉ luật ngay, trong người anh có chiếc điện thoại anh đổi điện thoại để chỉ lấy năm chai bia. Em trêu anh lính mà cũng làm không nguyên tắc, anh bảo: thì  biết chứ nhưng tại lúc đó khát lắm! 

Tắm thì anh bảo tắm ngoài trời mà vừa tắm vừa di chuyển không thì con vắt nó ăn thịt mình mất, bọn anh ngủ phải đào đất mới để nằm vì đất mới vắt không thể hút máu mình được. Ở trong rừng chỉ nhìn thấy cây và cây, màu xanh của núi rừng cùng màu xanh của áo người lính, cảm giác bao la quá còn mình nhỏ bé quá!

Giữa cái rét của miền bắc của miền sơn cước, bọn anh phải bơi qua sông nó cũng là một phần trong lần diễn tập. Chia mỗi tiểu đội mỗi nhóm ba người, bơi thì phải cùng nhau, đó là tinh thần đồng đội đoàn kết. Đang bơi giữa sông thì bạn anh bị chuột rút thật là nguy hiểm nhưng bằng tất cả sự nỗi lực nhóm anh cũng bơi được sang bên kia của sông! Anh khoe với em là anh được bằng giỏi về môn bơi, đó cũng là niềm tự hào của người con miền sông nước.

Sau những ngày diễn tập về trường cả trường anh lo sốt người lên vì việc ăn thịt hộp làm cả khóa anh đau bụng, bên quân y làm việc hết công suất mấy ngày đó.

Có những chuyện buồn phát khóc cũng có kỉ niệm vui đáng nhớ mà chỉ co những người lính bọn anh mới có anh bảo đó là “độc quyền”. Đó là những hình phạt của người lính nếu đánh nhau thì phạt đứng ôm nhau giữa mọi người cho đến khi không thể ghét nhau nữa mới thôi.

Đi trồng rau mà bị quên hay làm mất cuốc xẻng là cả tiểu đội phải vác cái cuốc đó đi giữa sân trường, anh nào mà hút thuốc giáo vụ bắt được là bắt thổi từ trong phòng ra ngoài sân…

“Trải qua bao khó khăn gian khổ làm cho anh trưởng thành hơn, biết quý và trân trọng những điều mình đang làm, tình đống chí, đồng đội càng thân thiết hơn, anh luôn thầm cảm ơn em vì luôn là điểm tựa cho tình yêu và cuộc sống của anh”. Không để anh nói hết câu em ôm anh thật chặt vì không cần phải nói đâu anh em hiểu mà, là con của lính em hiểu mẹ đã làm gì và giờ em cũng sẽ làm điều đó như mẹ!

Giờ anh đã làm sĩ quan công việc của một người chỉ huy càng khó khăn và áp lực hơn nhiều. Lại một mùa đông xa nhau, em đã quen với nhưng cơn gió heo may. Lòng thì không  quen với nỗi nhớ và xa anh! Nhưng em luôn tự hào và hạnh phúc khi người yêu mình là bộ đội, mang trên mình màu áo xanh.

Em đã đi hết con đường đầy kỷ niệm của hai ta, nhưng nỗi nhớ mong thì cứ mãi đong đầy. Em gửi vào gió những ngọn lửa ấm áp mang tới anh để mùa đông không lạnh giá, và mong anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ! Để anh luôn vững tay súng, yên tâm nơi quê nhà, nơi đây có một người luôn nhớ mong anh!

Hoàng Thị Yến