Thư ngỏ gửi ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin

(Dân trí) - Từ Tokyo, Nhật Bản, ông Nguyễn Minh Tuấn đã gửi một bức thư tâm huyết tới Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lê Doãn Hợp với mong muốn được cùng chia sẻ với những trăn trở và mong muốn của ông Bộ trưởng về vấn đề phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam. Dân trí xin giới thiệu tới bạn đọc bức tâm thư này.

Thưa ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lê Doãn Hợp!

 

Tôi là Nguyễn Minh Tuấn, hiện là giảng viên Khoa tiếng Việt, trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Nhật Bản.

 

Gần đây, tôi đọc báo chí trong nước, thấy ông Bộ trưởng nêu nhiều ý kiến rất đáng chú ý về vấn đề phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam ta. Ông Bộ trưởng mới lên nhậm chức, đã nêu lên ngay nhiều vấn đề về phát triển văn hóa, cũng như ông tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân nêu về phát triển giáo dục nước nhà, thật là đáng quý.

 

Ông Bộ trưởng nêu 7 trọng điểm lớn nhất để bảo vệ và phát triển văn hóa, và nêu 4 công trình văn hóa cần được xây dựng. Đó là: 1-Xây dựng Bảo tàng lịch sử quốc gia. 2-Xây dựng Trung tâm triển lãm quốc gia. 3-Xây dựng Trường quay quốc gia. 4-Xây dựng Làng văn hóa các dân tộc.

 

Ông Bộ trưởng nêu: “Làm văn hóa một cách khôn ngoan, có trọng tâm là cách làm kinh tế  có hiệu quả nhất”.

 

Các ý kiến của ông Bộ trưởng đều hay, có giá trị và tôi với lăng kính của một công dân Việt Nam đang sống và làm việc ở một quốc gia khác rất muốn được đóng góp thêm những ý kiến về vấn đề xây dựng nền văn hoá của Việt Nam.

 

Thưa ông Bộ trưởng, đúng là có những vấn đề văn hóa hoàn toàn không thể tính bằng tiền được. Chính vì ở nước ta hiện nay nhiều người hay quy văn hóa ra tiền, nên nhiều cơ sở văn hóa đã cho thuê địa điểm để bán bia hơi, thịt chó… làm cho văn hóa không còn là văn hóa nữa.

 

Có những công trình không cần bỏ ra nhiều tiền lắm để làm, nhưng giá trị văn hóa thì thật là vô song. Năm 1427, sau khi Lê Lợi lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Minh, Nguyễn Trãi đã viết bản Bình Ngô Đại Cáo. Không thể tính bằng tiền giá trị của bản Bình Ngô Đại Cáo này, bởi vì giá trị của nó là vô giá. Bởi vì bản Bình Ngô Đại Cáo đã nâng cao lòng tự hào dân tộc của nhân dân ta, cho đến tận bây giờ, và mãi mãi về sau.

 

Năm 1945, Bác Hồ viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập, cũng có giá trị vô giá, vì nó cũng đã nâng cao lòng tự hào dân tộc, mà không tiền bạc nào có thể đong đếm được.

 

Ngược lại, khi có những vị quan tham đứng trên diễn đàn nói chống tham nhũng, nói tự do, dân chủ, viện dẫn tư tưởng Bác Hồ, viện dẫn Nghị quyết của Đảng, nhưng việc làm lại ngược lại, tham những, bao che cho cấp dưới, đàn áp trù dập người nói thẳng, thì những việc làm đó đã hủy hoại các giá trị văn hóa, đạo đức dân tộc mà cũng không có tiền bạc nào đo đếm được.

 

Thưa ông Bộ trưởng, trong Hội nghị APEC vừa rồi, các vị nguyên thủ quốc gia của ta và nước ngoài đã mặc bộ quần áo Quốc phục - thấy báo chí gọi như thế, tôi thấy thật là đẹp, thật là tự hào. Đó chính là văn hóa. Nhưng tiếc rằng chỉ thấy bộ quần áo Quốc phục ấy xuất hiện vào dịp có khách nước ngoài đó thôi, còn vào các dịp lễ hội, Quốc khánh, thì hầu như rất hiếm thấy có vị lãnh đạo nào mặc những bộ Quốc phục đó nữa. Vậy có nên  vào các ngày lễ lớn của Dân tộc nên có những bộ Quốc phục mà các vị lãnh đạo của ta sẽ mặc để tôn thêm truyền thống văn hoá của dân tộc không? Đó là những điều mà chúng ta cũng nên làm.

 

Thưa ông Bộ trưởng, khi một đứa trẻ vào thăm Làng văn hóa các dân tộc, mà ông Bộ trưởng có ý định sẽ cho xây dựng, đôi mắt của đứa trẻ đó sáng lên long lanh vì lòng tự hào về các giá trị văn hóa được trưng bày, đứa trẻ đó cảm thấy thật tự hào là người Việt Nam, thì điều đó có giá trị hơn rất nhiều vấn đề thu được từ tiền bán vé vào cửa hay tiền thu được từ bán độ lưu niệm.

 

Bên cạnh 4 công trình lớn mà ông Bộ trưởng mong muốn xây dựng, xin ông Bộ trưởng cho chỉ đạo, để lập một dự án xây dựng “Phong cách ứng xử lịch sự, văn hóa với dân của các nhân viên Nhà nước từ trung ương đến địa phương”. Nhiều nhân viên Nhà nước của ta lâu nay đã quên lời Bác Hồ dạy, là “Cán bộ là đày tớ của dân”. Nhiều người đã thực hiện ngược lại lời dạy đó của Bác Hồ. Họ hách dịch với dân, ăn nói chỏng lỏn, quát tháo, xếch mé, không còn đâu hình ảnh một “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.

 

Trong cả nước hãy dấy lên một phong trào chống tệ cửa quyền, hách dịch, vô lễ với dân, như phòng trào chống mê tín, dị đoan, chống văn hóa đồi trụy trước kia nước ta đã làm. Mỗi một cơ quan nhà nước, đoàn thể, từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quốc phòng, công an, tòa án, kiểm sát, thanh tra, kiểm tra, các bộ, các ngành, các đoàn thể, đến các địa phương đều phải tự xây dựng quy chế, chuẩn mực ứng xử văn hóa, coi đó như một tiêu chuẩn không thể thiếu. Không mất nhiều tiền, nhưng nếu làm được, thì sẽ là vô giá.

 

Không phải là chúng ta không nói nhiều đến vấn đề này mà quan trọng là đã nói, đã có quy chế nhưng chẳng có mấy ai thực hiện. Bộ Văn hóa - Thông tin cần phải là cơ quan đi đầu trong việc này.

 

Xây dựng văn hoá chúng ta không đo đếm bằng tiền mà bằng những giá trị mà văn hoá mang lại cho một quốc gia, một dân tộc. Cái đó mới thực là vô giá.

 

Có những lời tâm huyết để mong được đóng góp cùng với trăn trở và mong muốn của ông.

 

Xin cảm ơn ông Bộ trưởng đã chú ý đến bức thư ngỏ này.

 

Xin kính chúc ông Bộ trưởng mạnh khỏe.

 

Tokyo, Ngày 4 tháng 12 năm 2006

 

Nguyễn Minh Tuấn