ĐBSCL:

Thủ đoạn lừa mua đổ giả cổ hoành hành, người dân miền Tây khốn đốn

(Dân trí) - Để lừa người dân mua đồ cổ giả, các đối tượng xưng là công nhân cầu, đường… rồi gạ bán các món đồ cổ giả với giá từ 5 - 15 triệu đồng. Với chiêu này nhiều người dân miền Tây đã mắc lừa và vô tình mang nợ cả chục triều vì tội mê “đồ cổ”.

Tiền mất… vì “đồ cổ”

Anh Lý Văn Nhung - Ấp Giá Tiêu, xã Hưng Lợi, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu kể lại câu chuyện mình bị mắc lừa mua đồ cổ giả: “Sự việc xảy ra cách nay khoảng 1 tháng. Khi đó có mấy thanh niên mặc quần áo lắm lem bùn đất, tự xưng là công nhân xáng cạp. Mấy thanh niên này chìa ra một cái bao cho tôi xem thì bên trong có chứa cái bình hồ lô bát tiên, một bình rượu loại nhỏ và một con gà, tất cả đều bằng đồng và rạ bán cho tôi với giá 15 triệu đồng. Khi tôi hỏi về nguồn gốc, nhóm thanh niên này cho biết trong khi múc đất phát hiện cái khạp chứa các món đồ này nên mang đi bán kiếm tiền xài… Ngoài ra, nhóm thanh niên này còn thề thốt là đồ nhặt được chứ không phải đồ ăn trộm. Tôi thấy chúng nó giống dân công nhân múc đất thật nên tôi mua và vài ngày sau thì mới biết mình bị lừa mùa đồ cổ giả.

Nhiều người dân ở miền Tây bị lừa mua đồ giả cổ.

Cùng cảnh ngộ như ông Nhung, ông Nguyễn Thanh T. (ấp Thắng Lợi, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) buồn bã kể lại sự việc. Theo ông T. cách đây khoảng 3 tháng, khi ông T. đi mua bán cừ tràm ở vùng Kinh 5, (Hỏa Lựu, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang), ông gặp 2 thanh niên mặc đồ công nhân dính bùn đất và tự xưng là công nhân xáng cạp vừa múc đất phát hiện bộ đồ cổ gồm 1 bình hồ lô và 2 con cóc ngậm đồng tiền. Sau khi hai thanh niên cho ông T. xem “đồ cổ” hai thanh niên bịa chuyện ông chủ ở ngoài Bắc bảo gửi về sẽ được thưởng 16 triệu đồng nhưng vì không có tiền gửi bưu điện và sợ gửi thất lạc nên gạ bán cho anh T. với giá 15 triệu đồng. Do tin hai thanh niên là công nhân xáng cạp nên anh T. đã mượn thêm tiền của một người anh cho đủ số tiền 15 triệu đồng để mua bộ “đồ cổ”. Sau khi mua, anh T. cho một số người quen hiểu biết về đồ cổ xem và ai cũng bảo các món đồ anh T. đang sở hữu là đồ giả, giá các món đồ chỉ có giá trị trên dưới 1 triệu đồng. Lúc này anh T. mới té ngửa vì biết mình đã bị lừa.

Từ trước tết Bính Thân đến nay, nhiều người dân miền Tây bị lừa mua các món đồ giả cổ này
Từ trước tết Bính Thân đến nay, nhiều người dân miền Tây bị lừa mua các món đồ giả cổ này

Chuyện giả danh công nhân xáng cạp, làm đường… để lừa bán đồ cổ giả cho người dân không chỉ diễn ra ở một số miền quê khu vực ĐBSCL mà ngay cả trung tâm quận nhất TP Cần Thơ, các đối tượng này cũng đã ra tay. Nạn nhân trong vụ này là ông Phạm Văn C. - sống tại khu vực 5, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Theo ông C. kể lại, khoảng trước Tết Bính Thân 2016 khi ông đang ngồi uống cà phê gần trụ sở UBND phường An Bình thì có 2 thanh niên mặc đồ công nhân cấp thoát nước, quần áo lắm lem bùn đất đến gặp ông C. với vẻ lén lút. Hai thanh niên này nói nhỏ với ông C. trong lúc đào cống nước đã phát hiện bộ đồ đồng cổ. Nói xong hai thanh niên đưa bộ đồ cổ cho ông C. xem, gồm: 1 bình hồ lô bát tiên, 2 con cóc ngậm đồng tiền và 1 tượng Phật Di Lặc. Sau loạt chuyện ly kỳ về việc nhặt được món đồ cổ quý, hai thanh niên than kẹt tiền nên đồng ý bán bộ đồ cổ với giá 15 triệu đồng.

Chiếc bình hồ lô bát tiên mà ông Phạm Văn C. - mua được từ hai thanh niên giả dạng công nhân cấp thoát nước với giá 15 triệu đồng
Chiếc bình hồ lô bát tiên mà ông Phạm Văn C. - mua được từ hai thanh niên giả dạng công nhân cấp thoát nước với giá 15 triệu đồng

Ngắm nghía món đồ cổ, cộng với vẻ bề ngoài của hai thanh niên rất giống công nhân cấp thoát nước đang làm công trình nên ông C. đã nhanh chân chạy hỏi người thân thêm tiền vì số tiền lương hưu của ông không đủ 15 triệu đồng. Sau khi tậu được món đồ cổ quý, ông C. mời một số người bạn đến xem và các bạn ông đều cho rằng ông đã bị hai thanh niên lừa bán đồ cổ giả.

Chỉ là đồ giả cổ…

Mới đây, 18/4 trong lúc PV Dân trí đến Bảo tàng TP Cần Thơ liên hệ công việc thì bất ngờ gặp hai thanh niên một người ôm cái bình hồ lô bát tiên, thanh niên còn lại cầm hai con sư tử bằng đồng và một tượng phật. PV lần theo hỏi chuyện, một thanh niên tên Hiếu cho biết là công nhân sang lắp mặt bằng ở quận Cái Răng (TP Cần Thơ) xe cuốc vừa cuốc được các món đồ. Tuy nhiên khi PV cố hỏi vị trí bới các món đồ thì Hiếu không nói được mà chỉ nói: “nếu ai mua các món đồ này giá 220 triệu thì em bán làm quen?”

Từ những hình ảnh và món đồ mà các nạn nhân mua được, PV mang tới cho một số chuyên gia sưu tầm đồ cổ ở TP Cần Thơ xem. Nhiều nhà sưu tầm, nghiên cứu cổ vật xem qua họ đều cho biết đây chỉ là các món đồ giả cổ. Anh Tài - một tay chuyên bán đồ giả cổ trên đường Cách mạng tháng 8 (quận Ninh Kiều TP Cần Thơ) cho biết: “Các món đồ giả cổ như bình hồ lô bát tiên trước đây tôi bán nhiều lắm nhưng bây giờ chẳng ai mua, giá trị mỗi cái từ 1 -2 triệu đồng”.

Theo Hiếu (áo xanh) các món đồ cổ này do Hiếu cùng các công nhân khác nhặt được từ công trình sang lắp nền nhà cho một ông chủ đất ở quận Cái Răng nhưng khi PV cố hỏi vị trí tìm được bộ đồ cổ thì Hiếu nói không biết địa chỉ?
Theo Hiếu (áo xanh) các món đồ cổ này do Hiếu cùng các công nhân khác "nhặt" được từ công trình sang lắp nền nhà cho một ông chủ đất ở quận Cái Răng nhưng khi PV cố hỏi vị trí tìm được bộ "đồ cổ" thì Hiếu nói không biết địa chỉ?

Trước tình trạng nhiều người dân bị các đối tượng lừa bán các món đồ giả cổ (người bán nói là đồ cổ - PV) trao đổi với PV Dân trí ông Ngô Minh Trung - Phó Trưởng phòng quản lý Văn hóa thuộc Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho biết: “Việc trao đổi mua bán của người dân liên quan đến các món đồ cổ mà không chứng minh được quyền sở hữu, không thực hiện đúng theo quy định pháp luật là vi phạm pháp luật. Do vậy, khi người dân phát hiện cổ vật cũng như có người đến giới thiệu mời mua (mà không có giấy tờ chứng minh hợp pháp) thì người dân nên báo cho chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật mà người dân không phải mất tiền. Đặc biệt, khi người dân nghi ngờ các đối tượng mời bán có hành vi lừa đảo để trục lợi hoặc làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị thì người dân báo cho cơ quan công an địa phương để kịp thời xử lý”.

Ngoài ra, trước thực trạng có nhiều đối tượng giả danh công nhân xáng cạp, đào cống… đi bán đồ giả cổ cho người dân, ông Trung cũng cho biết, Phòng Văn hóa sẽ đề nghị cơ quan công an thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hành