Thông tin thêm về tình huống pháp lý trong vụ kiện giao kết công nghệ

Hải Hà

(Dân trí) - Lãnh đạo Công ty CMC khẳng định chưa nhận được bất cứ thông báo hoặc thông tin nào từ cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc Bản án Phúc thẩm đang được giải quyết tại thủ tục Giám đốc thẩm.

Sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết: "Tình huống pháp lý hay trong vụ kiện giao kết công nghệ", phản ánh đơn gửi tới báo của Công ty Hải Âu cho biết đã bỏ ra trên 800 triệu đồng thuê Công ty TNHH giải pháp phần mềm CMC cung cấp phần mềm nhưng không dùng được. Ngày 16/8, Tập đoàn Công nghệ CMC đã có công văn số 127/2023/CV-CMC do Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn công nghệ CMC Hồ Thanh Tùng ký, gửi tới báo Dân trí phản hồi thông tin bài viết.

Đơn vị này cho biết, nội dung tranh chấp giữa Công ty CP Tập đoàn Hải Âu (gọi tắt là Công ty Hải Âu) và Công ty TNHH giải pháp phần mềm CMC (đã được chuyển chủ thể thực hiện hợp đồng sang Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và giải pháp CMC - gọi tắt là Công ty CMC, một công ty thuộc Tập đoàn Công nghệ CMC) là tranh chấp kinh doanh thương mại giữa hai pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam về nội dung thực hiện Hợp đồng Cung cấp bản quyền phần mềm và dịch vụ triển khai phần mềm hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp SAP BUSINESS ONE số 20180830/ERP-HACMC ngày 30/8/2018.

Hợp đồng này đã được các bên ký kết và thực hiện trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng và đảm bảo lợi ích của cả hai bên.

Theo nội dung Hợp đồng, Công ty CMC đã hoàn thành các giai đoạn của dự án với sự phối hợp của Công ty Hải Âu được thể hiện bằng các Biên bản nghiệm thu giai đoạn theo quy định của Hợp đồng, Biên bản nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng giữa hai bên và Công ty CMC đã bước vào giai đoạn hỗ trợ vận hành và bảo trì dự án.

Công ty Hải Âu đã thực hiện thanh toán các công việc hoàn thành với tổng số tiền là 649.701.000 đồng. Số tiền còn phải trả cho CMC là 153.211.500 đồng.

Trong quá trình Công ty CMC hỗ trợ vận hành và bảo trì dự án, phía Hải Âu đã có những phản ánh, đề xuất không được Công ty CMC chấp nhận dẫn đến phát sinh tranh chấp. Quá trình giải quyết tranh chấp giữa hai bên đã được thực hiện qua 02 cấp Tòa án theo trình tự Sơ thẩm và Phúc thẩm. Các bản án đã được tuyên và có hiệu lực pháp luật gồm:

Bản án sơ thẩm số 44/2022/KDTM-ST ngày 29/9/2022 về tranh chấp Hợp đồng cung cấp bản quyền phần mềm;

Bản án Phúc thẩm số 94/2023/KDTM-PT ngày 15/9/2023 về tranh chấp Hợp đồng cung cấp bản quyền phần mềm. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án, có giá trị thi hành ngay.

Theo đó, các cấp Tòa án đã căn cứ vào các quy định của Hợp đồng, diễn biến và quá trình thực hiện dự án của các bên, các tài liệu chứng cứ do các bên xuất trình, các lời khai tại các buổi hòa giải, lời khai tại phiên tòa để đánh giá và nhận định xét xử.

Bản án Phúc thẩm đã có hiệu lực được Tòa án tuyên vào ngày 19/5/2023 với nội dung "Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty CP Tập đoàn Hải Âu đối với bị đơn Công ty TNHH Tổng công ty Công nghệ và giải pháp CMC về việc yêu cầu chấm dứt việc thực hiện hợp đồng cung cấp bản quyền phần mềm và dịch vụ triển khai phần mềm hệ thống thông tin quản lý doanh nghiệp SAP Business One số 20180830/ERP-HACMC ngày 30/8/2018 và 04 (bốn) phụ lục hợp đồng kèm theo và không chấp nhận yêu cầu bồi thường các khoản tiền do chấm dứt hợp đồng…".

Công văn cũng cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Công nghệ CMC nói chung và Công ty TNHH Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC nói riêng chưa nhận được bất cứ thông báo hoặc thông tin nào từ cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc Bản án Phúc thẩm đang được giải quyết tại thủ tục Giám đốc thẩm.