Thi Tốt nghiệp THPT năm 2010

Thí sinh hãy bình tĩnh và tự tin làm bài

Hôm nay đã bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2010, từ ngày 2 đến ngày 4, tháng 6 . Công tác chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng này ở tất cả địa phương về cơ bản đã hoàn tất tương đối tốt.

Theo Bộ GD &ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, Bộ có một số thay đổi, điều chỉnh về quy chế thi Tốt nghiệp THPT, theo hướng có lợi cho  thí sinh.

Về đề thi, ở phần riêng dành cho từng chương trình chuẩn và nâng cao, thí sinh được lựa chọn một trong hai phần, không phải bắt buộc như năm trước, học chương trình nào thì làm đề theo chương trình đó. Về điều kiện phúc khảo, thay vì chênh nhau đến 2 điểm giữa điểm thi với điểm trung bình bộ môn, thì nay khoảng cách chênh chỉ còn 1 điểm là được. Thí sinh có quyền phúc khảo nhiều môn, nếu thấy cần thiết. Điểm phúc khảo được thay đổi, khi giữa điểm chấm của hai giám khảo lần trước, chênh với điểm chấm phúc khảo là nửa điểm đối với các môn (trừ môn Ngữ văn), còn môn Ngữ văn chênh đến 1 điểm, vì đặc thù của bộ môn. Nhiều hội đồng thi ở nơi xa xôi, đi lại khó khăn, được Bộ GD & ĐT cho phép thành lập hội đồng thi độc lập, không cần phải thi theo cụm như các năm trước. Những nơi, việc dạy học môn

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

ngoại ngữ còn gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện thực hiện chương trình ngoại ngữ 7 năm, thì được thi môn thay thế là môn vật lý. Theo thông tin từ Bộ GD &ĐT, toàn quốc có trên 3 vạn thí sinh được thi môn thay thế. Thuận lợi khác, đối với thí sinh dự thi Tốt nghiệp THPT năm nay, theo quan sát, đánh giá của chúng tôi, đó là các trường chuẩn bị, hướng dẫn ôn tập thi cho học sinh rất chủ động, chu đáo trong mấy tháng qua. Hơn nữa, sau một năm thi tốt nghiệp theo chương trình phân ban, năm 2009, các thầy cô giáo, nhà trường đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và ôn tập, hệ thống kiến thức, kỹ năng cho học trò của mình. Nhìn vào những thuận lợi trên, nhiều người hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2010 này sẽ rất thành công, với kết quả, tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp của cả nước, 64 tỉnh, thành đạt khá cao, vượt hơn năm trước từ 10 đến 20%. 

Tuy nhiên, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, học sinh lớp 12, về mặt khách quan cũng phải chịu không ít áp lực, khó khăn. Trước hết là điều kiện thời tiết ba miền nóng bức một cách khác thường, trong khi đó tình trạng cắt, cúp điện khá dày, do thiếu điện, khiến việc học tập, ôn tập của các em, ở thời gian qua, ít nhiều bị ảnh hưởng, tác động không tốt. Tình trạng loạn sách, tài liệu hướng dẫn ôn tập thi Tốt nghiệp diễn ra chưa từng có trên thị trường năm nay, làm nhiễu loạn tâm thế, cách ôn tập thi của nhiều em, nhất là các em học tập mức trung bình và yếu. Về mặt chương trình, kiến thức, so với các năm trước đây, thì năm nay, Bộ GD & ĐT yêu cầu học sinh ôn tập nhiều hơn, rộng hơn và mức độ khó, tư duy cao hơn. Chẳng hạn như môn Lịch sử, năm nay, học sinh dường như phải học hết sách, không giới hạn, không bỏ bài nào, không chỉ rõ trọng tâm, tăng cường loại câu hỏi phân tích, so sánh, khát quát, dòng chảy lịch sử Việt Nam được kéo dài từ năm 1919 đến năm 2000.  Hướng ra đề thi tốt nghiệp năm nay của Bộ, tuy bám sát chương trình, thuộc kiến thức cơ bản, chủ yếu ở lớp 12, mức độ không khó, nhưng lại ra dạng học sinh phải biết vận dụng, tư duy, có học chắc mới làm tốt, chống lối học vẹt, học thuộc lòng thông thường. Quả thực, đây cũng trở ngại lớn cho những thí sinh học mức trung bình yếu, học sinh ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu đạt điểm trung bình trong kỳ thi tốt nghiệp THPT  không phải cao so với trình độ nói chung. Hy vọng, hơn 1,1 triệu thí sinh dự thi Tốt nghiệp sẽ vượt qua mọi trở ngại, gặt hái được kết quả tốt nhất. Đây là bước ngoặt quan trọng để các em đi tiếp con đường học vấn, nghề nghiệp ngày mai. 

 

                                               Đỗ Tấn Ngọc

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh-Quảng Ngãi            

 

LTS Dân trí - Trong bất cứ kỳ thi nào, bên cạnh những thuận lợi cũng có những khó khăn. Điều quan trọng nhất ở mỗi thí sinh là sự bình tĩnh và tự tin trước mọi tình huống để làm bài hết sức mình, đừng để mắc những sai sót không đáng có. Trước hết cần đọc kỹ đầu bài để hiểu rõ yêu cầu của bài thi; câu hỏi nào dễ thì làm trước, đấy cũng là cách tạo ra sự bình tĩnh và tự tin để làm những câu tiếp theo.

Các em đừng vội chán nản khi bài thi đầu tiên làm chưa tốt, chưa đúng như mong muốn. Hãy phấn đấu đến cùng để thể hiện hết sức mình. Khi đã làm hết sức rồi thì không có điều gì đáng áy náy và ân hận.

Chúc các em tự tin và làm được bài đúng với khả năng của mình.