Thi lại nhưng… cho đỗ hết!

Năm học 2009 - 2010 đã bắt đầu khởi động. Công việc đầu tiên là tổ chức thi lại cho những học sinh chưa đủ tiêu chuẩn lên lớp, nhưng theo sự chỉ đạo của ông Hiệu trưởng thì… thi cứ thi nhưng cố gắng cho lên lớp hết.

Đúng ra việc tổ chức thi lại các môn văn hoá cho những học sinh có học lực yếu ở năm học trước nhằm kiểm tra đánh giá quá trình ôn tập, rèn luyện trong hè của các em để quyết định cho lên lớp hay phải lưu ban.
 
Những tưởng sẽ không có gì phải bàn cãi nữa trong vấn đề này bởi vì đây là việc làm bình thường, không có gì lạ đối với tất cả các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, kể cả bậc Đại học.
 
Nhưng điều bất bình thường xảy ra là ở sự chỉ đạo nghe “lạ tai” của một ông hiệu trưởng ở một trường phổ thông hệ công lập (không tiện nêu rõ tên); ông hiệu trưởng này nói trước toàn thể Hội đồng sư phạm rằng: Vẫn phải tổ chức thi lại cho những học sinh yếu kém nhưng cũng sẽ tạo điều kiện hết sức để các em được… lên lớp hết (!?).

 

Lý do mà ông hiệu trưởng đưa ra là do năm học này số học sinh bị giảm nhiều so với năm trước. Nếu để một số em học sinh ở lại lớp thì số lớp sẽ giảm đi 01 lớp và từ đó giáo viên trường cũng sẽ thừa 02 người. Đấy là bài toán khó cho Ban Giám hiệu trong việc cân đối giờ dạy cũng như những chi phí khác?

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Câu hỏi đặt ra là, nếu như các em có kết quả thi lại tốt thì không nói làm gì. Nhưng nếu vì một lý do nào đó mà các em không làm được bài thì sao? Có phải ý của hiệu trưởng là “bật đèn xanh” để các giáo viên coi và chấm thi: một là “gà” bài cho các em, hai là trong khi chấm bài sẽ “nhẹ tay” hơn?.

 

Nhưng nói gì đi nữa thì những việc làm như trên là không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, khi sự công bằng trong giáo dục bị đảo lộn, đồng nghĩa với việc sẽ sinh ra nhiều hệ luỵ phía sau mà không phải ai cũng hiểu được. Và kiểu thi “cho đậu hết” thì có lẽ chỉ có ở trường này, nếu vậy thì tổ chức thi để làm gì, hay chỉ để… cho vui?

 

Đã có lúc dư luận nghi ngờ về chất lượng dạy học ở các trường phổ thông có vấn đề. Rằng tại sao học sinh lớp 6 mà đọc chưa thông, viết chưa thạo. Rằng học sinh THPT mà không thể nhớ nổi một hằng đẳng thức đáng nhớ, không biết cách tính diện tích một hình tam giác, đó là cái mà người ta thường gọi là “học sinh ngồi nhầm lớp”.
 
Phải chăng là vì do có một số nơi do chạy theo thành tích mà cứ đùn học sinh lên lớp trên đều đều trong khi chẳng quan tâm đến chất lượng học tập của các em như thế nào để có kế hoạch phụ đạo kịp thời nhằm giúp các em nắm được các kiến thức cơ bản của chương trình. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là một điều đáng tiếc cho những quan niệm sai lầm và cần được uốn nắn kịp thời.

 

Trở lại vấn đề nói trên, nếu như giáo viên nào hành động theo chỉ đạo của ông hiệu trưởng là bằng mọi cách cho học sinh thi lại đạt 100% lên lớp, trong khi thực tế không phải như vậy là đã vi phạm nội dung “chống tiêu cực trong thi cử, đạo đức nhà giáo” một trong những nội dung cơ bản của cuộc vận động “hai không” mà Bộ GD - ĐT triển khai trong toàn ngành đã bước sang năm thứ ba.
 
Không  rõ ông hiệu trưởng có biết điều này không mà phát biểu một cách thiếu trách nhiệm như thế. Đó là chưa kể sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong suy nghĩ của học sinh “không học cũng lên lớp” thì hết sức nguy hại. 

 

Về việc ông hiệu trưởng nói rằng, nếu số lớp học giảm kéo theo giáo viên thừa ra buộc ông phải lo lắng là không thoả đáng. Thiết nghĩ, ngôi trường mà ông đang làm lãnh đạo là một trường công lập, nếu có dôi dư giáo viên thật thì đã có các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên điều chuyển giáo viên giữa các trường sao cho hợp lý. Việc ông nói lo lắng như vậy hoá ra chưa thoả đáng và chưa thuyết phục người nghe. Vậy đằng sau chuyện này có gì khuất tất? Xin bạn đọc tự phán xét.

 

Rõ ràng, qua câu chuyện trên đây một lần nữa phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những việc làm trái nguyên tắc trong giáo dục mà đâu đó vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Hy vọng rằng, tình trạng trên sẽ sớm được ngăn chặn khi đang ở dạng manh nha.
 
Làm cho môi trường sư phạm được trong sạch, công bằng là mong muốn không chỉ đối với các bậc phụ huynh có con em đang đi học mà là của toàn xã hội quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà. Để đạt được điều đó, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp quản lý có thẩm quyền đối với các cơ sở giáo dục như trên.

 

Đinh Xuân Tiễn
 Khu phố 3, thị trấn Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình

 

LTS Dân trí - Nội dung chỉ đạo sai trái đối với việc tổ chức thi lại của ông Hiệu trưởng được phản ánh trong bài viết trên đây chỉ là câu chuyện cụ thể của một trường phổ thông. Nhưng nó cho thấy việc chống tiêu cực trong thi cử nói riêng cũng như việc thực hiện cuộc vân động “Hai không” nói chung trong ngành giáo dục không phải đã “thuận buồn xuôi gió” mà còn gặp những trở ngại từ nhận thức của đội ngũ giáo viên, nhất là người có trách nhiệm quản lý (như ông hiệu trưởng nọ) cho đến những biện pháp thực hiện chưa thật sự nghiêm túc.

 

Tình hình đó đòi hỏi tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục, nhất thiết không để xảy ra những hiện tượng tiêu cực trong thi cử, dẫn tới hậu quả “học sinh ngồi nhầm lớp”. Sự chỉ đạo sai trái như trường hợp nêu trong bài viết trên cần được phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với người có trách nhiệm.