Bình Định:

Thi công quốc lộ 19 ì ạch, dân khốn khổ vì không có lối đi

Doãn Công

(Dân trí) - Nhiều tháng qua, nhiều hộ dân xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) khốn khổ vì không có lối đi, nhà ở bụi mù mịt, buôn bán ế ẩm do mặt đường quốc lộ 19 đang thi công cao hơn nền nhà 1-4m.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, dọc quốc lộ 19, đoạn qua các thôn Tả Giang 1, Tả Giang 2 (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, Bình Định), trước nhà nhiều hộ dân, mặt đường đào sâu khoảng 1m, khiến việc đi lại rất khó khăn. Đặc biệt, trong số đó có nhiều nhà dân chưa có lối đi lên quốc lộ.

Thi công quốc lộ 19 ì ạch, dân khốn khổ vì không có lối đi - 1

Nhà dân lọt thỏm so với mặt đường quốc lộ 19 qua tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Ông Lê Văn Kính (74 tuổi, thôn Tả Giang 1, xã Tây Giang) cho biết, người dân rất ủng hộ làm đường, nhưng quá trình thi công chậm trễ, kéo dài khiến việc đi lại rất bất tiện. Cuộc sống gia đình ông và nhiều hộ dân khác bị đảo lộn vì bụi "tra tấn", chưa kể nhà ngập nước khi trời mưa.

Thi công quốc lộ 19 ì ạch, dân khốn khổ vì không có lối đi (Video: Doãn Công).

"Cứ tưởng chỉ mở rộng thêm đường nên gia đình rất vui vẻ nhận tiền đền bù. Ai ngờ mặt đường nâng cao dần lên hơn cả mét so với nền nhà. Nhà tôi hiện giống như ở dưới hầm sâu. Thêm vào đó, việc thi công rất chậm trễ, nguy cơ mất an toàn", ông Kính nói.

Thi công quốc lộ 19 ì ạch, dân khốn khổ vì không có lối đi - 2

Cuộc sống người dân khốn khổ vì bụi bẩn, nhà cửa bị nứt do ảnh hưởng từ quá trình thi công quốc lộ 19 (Ảnh: Doãn Công).

Ông Kính cho biết thêm, mỗi khi máy lu tráng nền đường hoạt động, nhà cửa rung lắc, tường bị nứt, trần chống nóng cũng bị bung ra.

Ngoài ra, nhiều người dân thôn Tả Giang 2 đang rất hoang mang vì có 7 hộ phải giải tỏa trắng do mặt đường cao hơn nền nhà đến 4m.

Thi công quốc lộ 19 ì ạch, dân khốn khổ vì không có lối đi - 3

Một số hộ dân ở đoạn gần cầu Ba La còn không có lối cho xe ra vào nhà nên hàng quán kinh doanh ế ẩm hoặc đóng cửa (Ảnh: Doãn Công).

Bà Phạm Thị Đủng (62 tuổi, thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang) lâu nay mưu sinh với nghề bán bánh xèo tại nhà ngay bên đường quốc lộ 19. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, quán bánh xèo của bà Đủng gần như đóng cửa vì không có lối để khách ra, vào quán, bụi thì mù mịt.

Bà Đủng chia sẻ, chồng bà mất khi 2 người con gái mới chỉ 6 và 4 tuổi. Vất vả cả đời, nâng cấp chỗ ở mấy lần, bà mới có được căn nhà đổ trụ bê tông vững chãi. Những tưởng cuộc sống sẽ yên ổn đến hết đời thế nhưng nay bà đang lo không biết phải di dời chỗ ở đến nơi nào.

Thi công quốc lộ 19 ì ạch, dân khốn khổ vì không có lối đi - 4

Người dân che bạt ni lông để ngăn bụi "tấn công" vào nhà (Ảnh: Doãn Công).

"Ban đầu chỉ nghe mở rộng đường, thế rồi đùng một cái, 7 hộ dân chúng tôi phải di dời vì mặt đường cao hơn nền nhà đến 4m. Họ nói sẽ đền bù tiền nhưng không nói bao nhiêu và người dân phải tự tìm chỗ ở, chứ không bố trí tái định cư", bà Đủng nói, gương mặt đầy nét âu lo.

Vợ chồng anh Lê Hồng Phúc (thôn Tả Giang 2) trước đây mở quán bán cà phê tại nhà nhưng nay phải đóng cửa quán vì lối ra, vào nhà khó khăn nên ế khách. 

Thi công quốc lộ 19 ì ạch, dân khốn khổ vì không có lối đi - 5

7 hộ dân ở thôn Tả Giang 2 hoang mang do phải di dời vì mặt đường quốc lộ nâng cao hơn nền nhà 4m (Ảnh: Doãn Công).

"Nếu buộc phải di dời thì phải thực hiện sớm, bồi thường thỏa đáng, tôi sẵn sàng đi. Còn để kéo dài thế này, người dân rất hoang mang, việc buôn bán bị ảnh hưởng, lại thêm khổ vì bụi, tiếng ồn", anh Phúc nói.

Ông Lê Minh Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (thuộc Bộ GTVT) cho biết, vừa qua, ban này đã họp với UBND huyện để thống nhất, điều chỉnh lại phương án thi công theo kiến nghị của người dân đã ký đồng thuận.

Thi công quốc lộ 19 ì ạch, dân khốn khổ vì không có lối đi - 6

Cuộc sống người dân bị đảo lộn trong quá trình thi công quốc lộ 19 (Ảnh: Doãn Công).

Riêng với 7 hộ dân phải di dời, ông Nam cho biết thêm, sau khi UBND huyện thống nhất phương án đền bù và người dân đồng ý, Ban sẽ tổ chức chi trả tiền để bà con ổn định cuộc sống.

Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: "Trách nhiệm cắm mốc là của Ban Quản lý dự án 2, còn giải phóng mặt bằng là huyện làm. Trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ cho đo đạc, áp giá đền bù tính theo quy định của nhà nước. Huyện đang làm, tuy nhiên vì dự án này không bố trí tái định cư ngay từ đầu nên giờ sẽ đền bù theo giá thị trường để bà con tự mua đất, xây dựng nhà ở mới".

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 có tổng mức đầu tư khoảng 155,8 triệu USD (khoảng hơn 3.600 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 150 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia khoảng 2,1 triệu USD cho thiết kế kỹ thuật và 3,7 triệu USD vốn đối ứng trong nước.

Sau khi dự án hoàn thành, phương tiện có thể lưu thông trên quốc lộ 19 với vận tốc 80km/h. Dự án tổ chức thi công từ cuối tháng 8/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.