Bài 40:

Thanh tra Chính phủ chính thức vào cuộc vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO

(Dân trí) - Sau khi Báo Dân trí thực hiện loạt bài điều tra gần 40 kỳ báo, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/7/2017, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp với các nhà đầu tư và các bên liên quan về việc cổ phần hoá tại công ty HACINCO.

Liên quan đến việc cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), như Báo Điện tử Dân trí đã đưa tin, ngày 04/04/2017 Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 3229/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, UBND TP Hà Nội và Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, UBND TP Hà Nội kiểm tra, xem xét, có biện pháp giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh, kiến nghị của các nhà đầu tư hợp pháp về quá trình cổ phần hoá tại công ty HACINCO.


Vụ cổ phần hoá tại HACINCO đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.

Vụ cổ phần hoá tại HACINCO đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 28/7/2017, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp với các nhà đầu tư và các bên liên quan về việc chuyển đổi HACINCO thành Công ty cổ phần. Cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổ kiểm tra Thanh tra Chính phủ sẽ có sự tham gia của Công ty cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội (đơn vị đại diện cho một số nhà đầu tư hợp pháp đã mua cổ phần tại HACINCO), Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (đơn vị đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho một số nhà đầu tư), Sở Tài chính thành phố Hà Nội, Thanh tra thành phố Hà Nội, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO), Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà (HANDICO).

Diễn biến mới nhất này của vụ việc khiến các nhà đầu tư rất phấn khởi và tràn đầy tin tưởng rằng quá trình cổ phần hóa HACINCO sẽ được hoàn tất theo đúng quy định pháp luật bởi tại cuộc họp này, các nhà đầu có thể trực tiếp bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà họ đã chờ đợi mòn mỏi hơn một thập kỷ qua.

Vậy mấu chốt để giải quyết dứt điểm những nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư trong vụ việc này là gì? Căn cứ pháp lý của vấn đề này là gì?

Bà Nguyễn Thị Chi - một trong số các nhà đầu tư đã mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO cho biết: Chúng tôi là những nhà đầu tư, những doanh nhân mong muốn cống hiến cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, đặc biệt thông qua quá trình trở thành cổ đông của doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa. Nguyện vọng to lớn và duy nhất của chúng tôi trong suốt hơn mười năm ròng rã vừa qua là hoàn tất cổ phần hóa HACINCO theo đúng quy định pháp luật. Chúng tôi có thể chấp nhận những bảo đảm của Nhà nước theo hướng có lợi nhất cho người lao động nhưng chúng tôi khẳng định lại rằng không thể chấp nhận những sai phạm của doanh nghiệp đã xâm phạm đến quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt là sai phạm trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần.

Liên quan đến sai phạm của HACINCO trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần, Luật sư Vũ Hồng Thanh - Trưởng văn phòng Luật sư Thanh Vũ đã từng nhận định: Việc chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần trong quá trình cổ phần hóa HACINCO đã có nhiều sai phạm, vì vậy không thể chấp nhận việc chuyển nợ thành vốn góp trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp này, cụ thể:

Theo hồ sơ vụ việc có thể thấy, quá trình chuyển nợ thành vốn góp của HACINCO được diễn ra như sau: Ngày 17/10/2005, Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận được Công văn số 91/CV-TCKT ngày 06/10/2005 của HACINCO đề nghị chuyển đổi nợ thành vốn góp của một số nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần. Ngày 18/10/2005, Công ty chứng khoán Bảo Việt đề xuất phương án với Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội về việc đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần của HACINCO theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp.


Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ cổ phần hoá tai tiếng tại HACINCO.


Thanh tra Chính phủ chính thức vào cuộc vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO.

Thanh tra Chính phủ chính thức vào cuộc vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO.

Ngày 19/10/2005, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội có Công văn số 598/TTGDHN-BĐG phúc đáp ý kiến của Công ty chứng khoán Bảo Việt, theo đó đề nghị Công ty Chứng khoán Bảo Việt hướng dẫn phương án chuyển nợ vay thành vốn góp cho những nhà đầu tư đồng thời là chủ nợ tham gia đấu giá. Cũng trong ngày 19/10/2005, Công ty chứng khoán Bảo Việt gửi Công văn số 1863/2005/BVSC-GD đến HACINCO cho rằng Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã thống nhất việc nhà đầu tư tham gia giao dịch chuyển nợ thành vốn góp.

Do đó, ngày 4/11/2005, HACINCO đã có Công văn số 101/CV-TCKT về việc đề nghị thanh toán bù trừ đối với người đầu tư cam kết chuyển nợ thành vốn góp gửi Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội và Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt.

Khi tiến hành bán đấu giá cổ phần tại HACINCO, 23 nhà đầu tư đã thanh toán đầy đủ tiền mua cổ phần theo đúng quy định, 01 nhà đầu tư vừa thanh toán tiền ở Trung tâm giao dịch chứng khoán, vừa thanh toán tiền tại HACINCO để mua 200.000 cổ phần, có một số nhà đầu tư không nộp tiền mua cổ phần theo thông báo kết quả đấu giá và đề nghị được chuyển nợ thành vốn góp đối với 1.506.500 cổ phần.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần:“Các doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật những tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá và trong quá trình cổ phần hóa. Trường hợp có vướng mắc hoặc vượt quá thẩm quyền thì doanh nghiệp cổ phần hoá phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết…” và quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 40 Nghị định 187/2004/NĐ-CP: “Hội đồng quản trị các tổng công ty nhà nước có trách nhiệm: chỉ đạo các công ty thành viên: xử lý các vấn đề tài chính…lập phương án cổ phần hoá trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý các tồn tại về tài chính của doanh nghiệp cổ phần hoá theo thẩm quyền” thì trong trường hợp có vướng mắc về vấn đề chuyển nợ thành vốn góp, HACINCO phải báo cáo với cơ quan cấp trên là Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Ban đổi mới phát triển doanh nghiệp thuộc UBND TP Hà Nội giải quyết.

Về nguyên tắc, việc chuyển nợ thành vốn góp ngoài sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và chủ nợ (theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP) còn phải được sự đồng ý của Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội. Ở đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội không có thẩm quyền giải quyết việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần tại HACINCO. Việc HACINCO căn cứ vào hướng dẫn của Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội để tiến hành chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần cho các nhà đầu tư là không đúng quy định pháp luật.

Thanh tra Chính phủ chính thức vào cuộc vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO - 4
Thanh tra Chính phủ chính thức vào cuộc vụ cổ phần hóa tai tiếng tại HACINCO - 5

Công an TP Hà Nội đã chỉ ra những sai phạm cốt lõi và trách nhiệm cá nhân trong vụ cổ phần hoá tại HACINCO.

Công an TP Hà Nội đã chỉ ra những sai phạm cốt lõi và trách nhiệm cá nhân trong vụ cổ phần hoá tại HACINCO.

Thêm vào đó, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển Công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần và điểm e khoản 1.3 mục B Thông tư số 126/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 187/2004/NĐ-CP thì các nhà đầu tư được phép chuyển số dư nợ đang cho doanh nghiệp vay thành vốn góp cổ phần, tuy nhiên việc chuyển dư nợ vay thành vốn góp phải đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước như: Có hợp đồng hoặc khế ước vay; có số dư nợ tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và tại thời điểm đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp; số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần tối đa bằng số dư nợ vay và tiền mua cổ phần phải thanh toán theo kết quả đấu giá.

Thế nhưng, phương án chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không được HACINCO xây dựng trong phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. HACINCO đã tự ý lập hồ sơ đề nghị chuyển nợ đối với những người không có số dư nợ vay hoặc số đề nghị chuyển nợ lớn hơn số tiền dư nợ cho công ty vay để mua cổ phần theo kết quả đấu giá. Hậu quả là 1.506.500 cổ phần tương ứng với số tiền: 15.060.500.000 đồng không đủ điều kiện chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo quy định pháp luật do không có số dư nợ tại Công ty tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp lớn hơn so với số dư nợ vay.

Sai phạm này của HACINCO đã được khẳng định tại rất nhiều văn bản của các cơ quan có thẩm quyền: Công văn số 5494/UBND-CN của UBND thành phố Hà Nội gửi đồng chí Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO ngày 24/11/2006; Báo cáo số 847/BC-STC/TCDN ngày 20/3/2006 của Sở Tài Chính thành phố Hà Nội gửi UBND TP Hà Nội về quá trình cổ phần hóa HACINCO; Báo cáo số 4834/STC-TCDN ngày 16/11/2006 của Sở Tài chính thành phố Hà Nội gửi Bí thư Thành ủy Hà Nội và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội báo cáo việc thực hiện cổ phần HACINCO…và được Công an thành phố Hà Nội kết luận tại Báo cáo số 07CV/CAHN(PC15) ngày 16/01/2007 của Công an thành phố Hà Nội báo cáo về cổ phần hóa tại HACINCO, cụ thể:

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Công an TP nhận xét trong quá trình cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2 đã có 5 sai phạm chính như sau:

1 /Thực hiện chế độ bán cổ phần ưu đãi…

2/ Thực hiện chuyển nợ thành vốn góp sai quy định…

3/ Việc tổ chức Đại hội cổ đông…

4/ Sai phạm của các cơ quan chức năng…

5/ Vi phạm của ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2…”


Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức xác nhận lại danh sách cổ đông mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO bao gồm 23 nhà đầu tư thanh toán đầy đủ tiền mua theo quy định.

Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức xác nhận lại danh sách cổ đông mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO bao gồm 23 nhà đầu tư thanh toán đầy đủ tiền mua theo quy định.

Trên thực tế, tại Công văn số 401/2006/BVSC-GD ngày 9/3/2006 gửi Chi cục tài chính doanh nghiệp của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt về việc chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần tại HACINCO, đơn vị này cũng đã xác định rõ phạm vi nhiệm vụ của mình và chỉ ra sai phạm của HACINCO khi khẳng định: “…Công ty HACINCO phải tự chịu trách nhiệm pháp lý đối với các hồ sơ nợ đến hạn phải trả tại thời điểm cổ phần hóa để được xem xét chấp thuận chuyển nợ thành vốn góp cổ phần thích hợp theo quy định…”. Như vậy, các khoản nợ được phép chuyển nợ ở đây không chỉ cần được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền mà còn cần đảm bảo hai tiêu chí: Mộtlà, khoản nợ phải có trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Hai là, khoản nợ phải đến hạn phải trả.

Ngoài ra, sau khi những sai phạm trong quá trình chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần của HACINCO được các cơ quan chuyên môn cũng như Công an thành phố Hà Nội kết luận, căn cứ vào chỉ đạo của Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội việc xác nhận danh sách cổ đông tại HACINCO.

Ngày 9/4/2007, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã ban hành Công văn 368/TTGDCK-BĐG để thay thế nội dung Danh sách người sở hữu chứng khoán được Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành ngày 23/11/2005.

Nếu như Danh sách người sở hữu chứng khoán ngày 23/11/2005 được lập xác định có 58 cổ đông sở hữu chứng khoán của HACINCO với tổng số tiền: 37.026.600.000 đồng (bao gồm cả những nhà đầu tư thực hiện chuyển nợ thành vốn góp sai quy định) thì tại Công văn số 368/TTGDHN-BĐG, Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã chính thức xác nhận lại danh sách cổ đông mua cổ phần hợp pháp tại HACINCO bao gồm 23 nhà đầu tư thanh toán đầy đủ tiền mua theo quy định với số tiền thanh toán là: 19.959.600.000 đồng và một nhà đầu tư thanh toán một phần tiền mua cổ phần theo quy định với số tiền là: 1.111.111.111 đồng.

Như vậy, theo danh sách xác lập lại của Trung tâm giao dịch chứng khoán thì các nhà đầu tư hợp pháp tại HACINCO chỉ bao gồm 24 nhà đầu tư với tổng số tiền mua cổ phần thanh toán đúng quy định là: 21.070.711.111 đồng. Do đó, các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần trái quy định pháp luật không được công nhận là cổ đông tại HACINCO.

Như vậy, rõ ràng việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần của một số nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa HACINCO đã không tuân thủ quy định của pháp luật nên những sai phạm này không thể được chấp nhận. Việc chấp thuận những sai phạm này của doanh nghiệp không chỉ xâm phạm quyền lợi của các nhà đầu tư hợp pháp mà còn vi phạm quy định pháp luật và có thể gây ra những hệ lụy khôn lường đối với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước của Đảng và Chính phủ ta.

Những sai phạm của doanh nghiệp đã rất rõ ràng. Mấu chốt vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa HACINCO nằm ở việc chấp nhận hay không chấp nhận sai phạm trong việc chuyển nợ thành vốn góp cũng rất rõ ràng. Thanh tra Chính phủ và các đơn vị có liên quan sẽ giải quyết dứt điểm các kiến nghị của các nhà đầu tư hợp pháp như thế nào? Phương án cuối cùng được đưa ra có đảm bảo được nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư, có đảm bảo công bằng và bảo vệ được quyền - lợi ích hợp pháp của họ?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế