Hà Nội:

Thanh tra Chính phủ chỉ đạo làm rõ vụ đập phá tài sản ở xã Cổ Nhuế

(Dân trí) - Liên quan đến vụ cưỡng chế có dấu hiệu trái pháp luật xảy ra ở xã Cổ Nhuế tháng 10/2013, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Từ Liêm, TP Hà Nội kiểm tra, giải quyết sớm các nội dung bà Trần Thị Đông nêu trong đơn tố cáo.

Văn bản Thanh tra Chính phủ chỉ đạo UBND huyện Từ Liêm giải quyết đơn tố cáo của bà Trần Thị Đông
Văn bản Thanh tra Chính phủ chỉ đạo UBND huyện Từ Liêm giải quyết đơn tố cáo của bà Trần Thị Đông
 
Văn bản số 5216/TDTW đề ngày 9/12/2013 của Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước gửi UBND huyện Từ Liêm, TP Hà Nội nêu rõ: “Bà Trần Thị Đông, trú tại thôn Trù 2, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước trình bày nội dung: Tố cáo ông Chu Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế và ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế đã ban hành các quyết định cưỡng chế, phá dỡ nhà cửa, trái với quy định của pháp luật làm thiệt hại kinh tế cho gia đình bà.

Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước chuyển nội dung đơn của bà đến UBND huyện Từ Liêm để chỉ đạo các cơ quan chức năng thẩm tra, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, trả lời công dân theo quy định pháp luật”.

Trước đó, ngày 15/10/2013, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã ban hành văn bản số 4197/TDTW gửi Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, yêu cầu chỉ đạo kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền và trả lời công dân về vụ cưỡng chế xảy ra tại xã Cổ Nhuế vào tháng 10/2013. Tuy nhiên, cho đến nay gia đình bà Trần Thị Đông chưa nhận được bất cứ hồi âm nào của huyện Từ Liêm và các cơ quan chức năng huyện Từ Liêm.

Như thông tin đã đưa, trong đơn tố cáo và kêu cứu gửi đến báo Dân trí, bà Trần Thị Đông, trú tại thôn Trù 2, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội phản ánh: Ngày 11/10/2013, gia đình bà Đông bị cưỡng chế phá nhà theo Quyết định số 5069/QĐ-CC ngày 17/9/2013 của UBND huyện Từ Liêm. Quyết định cưỡng chế số 5069/QĐ-CC đã viện dẫn Quyết định số 952/QĐ-KPHQ ngày 31/5/2013 của Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế. Tuy nhiên, cho đến nay gia đình bà Đông không được biết, không được xã Cổ Nhuế giao bất kỳ quyết định hoặc văn bản nào.
 
Bà Đông đề nghị điều tra, khởi tố vụ án hủy hoại tài sản tại xã Cổ Nhuế
Bà Đông đề nghị điều tra, khởi tố vụ án hủy hoại tài sản tại xã Cổ Nhuế

Thửa đất 140m2 tại thôn Trù 2, xã Cổ Nhuế được gia đình bà Trần Thị Đông sử dụng ổn định từ trước năm 2000, sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Bình thửa đất và quyền sở hữu nhà. Trước đó, ông Nguyễn Văn Bình nhận chuyển nhượng của bà Hà Thị Quý ở thôn Ấp Hạ, xã Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (thửa đất này gia đình bà Quý quản lý, sử dụng, xây nhà và sinh sống tại đây từ năm 1987).

Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình bà Đông chuyển về sinh sống liên tục tại đây và đã đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Trù 2, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Hiện nay, gia đình bà Đông vẫn đang sử dụng ổn định, không tranh chấp, phù hợp quy hoạch và hàng năm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Như vậy, nhà đất của gia đình bà Đông là đất có nguồn gốc rõ ràng, thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình bà Đông, không phải đất do UBND xã Cổ Nhuế quản lý.

Từ khi sử dụng, gia đình bà Đông luôn sử dụng đúng khuôn viên đất được chuyển nhượng. Ngôi nhà cấp 4 trên đất được chủ cũ xây dựng từ trước 15/10/1993, gia đình bà Đông không hề xây mới hay cơi nới, không có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng. Theo quy định Luật đất đai năm 2003, gia đình bà Trần Thị Đông có đầy đủ đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Theo phản ánh của bà Trần Thị Đông, từ năm 2006 đến nay, ông Chu Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế đã nhiều lần ra các văn bản trái pháp luật, đe dọa phá nhà công dân. Cụ thể, Quyết định số 431/QĐ-KPHQ ngày 31/5/2006 của Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra; Quyết định số 443/QĐ-CT ngày 12/06/2006 của Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế về việc cưỡng chế thi hành quyết định khắc phục hậu quả về xây dựng; Quyết định số 967/QĐ-KPHQ ngày 04/06/2013 của Chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Các quyết định này đều có nội dung không đúng nên đã bị gia đình bà Đông tố cáo với các cơ quan có thẩm quyền. Nhận thấy các Quyết định trên trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngày 20/8/2013, UBND xã Cổ Nhuế mời gia đình bà Đông lên làm việc và bàn giao cho bà Đông Quyết định số 1067/QĐ-UBND ngày 13/8/2013 của UBND xã Cổ Nhuế về việc thu hồi toàn bộ các quyết định sai trái đã bị công dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo. Sau khi trao Quyết số 1067/QĐ-UBND, Thanh tra xã yêu cầu gia đình bà Đông rút đơn khiếu nại.
 
Bà Đông cho rằng Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Từ Liêm
Bà Đông cho rằng Quyết định cưỡng chế của UBND huyện Từ Liêm
ban hành dựa trên văn bản không đúng sự thật của xã Cổ Nhuế

Ngay sau đó, ông Chu Văn Đoàn đã ký ký và ban hành Quyết định số 952/QĐ-KPHQ ngày 31/5/2013, về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”. Quyết định này thậm chí còn ký ngược thời gian, có trước cả Quyết định số 967 đã bị hủy bỏ.

Khi ban hành Quyết định 952/QĐ-KPHQ, UBND xã Cổ Nhuế không giao quyết định này cho gia đình bà Đông theo quy định pháp luật để công dân biết và thực hiện. Theo quy định, hành vi này của ông Đoàn đã vi phạm khoản 3 Điều 12 Luật xử lý vi phạm Hành chính quy định những hành vi bị nghiêm cấm: “3. Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính”.

Điều đặc biệt là Quyết định 952/QĐ-KPHQ được ban hành từ ngày 31/5/2013, sau đó mới ban hành Quyết định 967/QĐ-KPHQ ngày 4/6/2013. Quyết định số 967 ban hành sau Quyết định 952 về cùng một nội dung khắc phục hậu quả, vì vậy Quyết định 967 sẽ có giá trị thay thế Quyết định số 952. Tuy nhiên, chỉ đến khi công dân có đơn khiếu nại UBND xã Cổ Nhuế mới xem xét lại, thấy Quyết định số 967 là sai phạm và vội vã ra Quyết định thu hồi để hủy bỏ.

Chứng kiến những dấu hiệu “bất thường” này, dư luận đang câu hỏi, phải chăng ông Chủ tịch xã không hiểu luật nên cố tình làm liều hay cố ý khinh thường pháp luật của Nhà nước vì những mục đích khác? Từ đó mới có chuyện ông Chu Văn Đoàn âm thầm trình quyết định số 952 trái pháp luật để huyện Từ Liêm ban hành Quyết định cưỡng chế số 5069/QĐ-CC ngày 17/9/2013 để phá nhà của gia đình bà Đông, trong khi gia đình bà Đông không có vi phạm gì?.

Ngoài ông Chủ tịch Chu Văn Đoàn, bà Đông còn tố cáo ông Nguyễn Tiến Hùng - Phó chủ tịch UBND xã Cổ Nhuế đã nhiều lần vu khống gia đình bà Đông vi phạm, nhưng không đưa ra lý do thuyết phục. Theo phản ánh của bà Đông, ông Nguyễn Tiến Hùng nhiều lần tự lập, tự ký các biên bản vu khống gia đình bà Đông vi phạm, chỉ đạo phá hoại tài sản, xâm phạm chỗ ở hợp pháp của công dân.

Cụ thể, Biên bản số 90/BB-VPHC ngày 30/5/2013, sau đó được ông Hùng tự sửa tay thành 30/6/2013, cho rằng nhà bà Đông xây dựng thêm nhà cấp 4 chiều dài 6,1m, chiều rộng 5,5m diện tích 33,55m2. Phần chữ ký của gia đình bà Đông đề vắng mặt, trong khi chính ông Hùng tự lập tự ký không hề thông báo gì cho công dân. Sau đó, ông Hùng tiếp tục chỉ đạo nhân viên dán ở cổng nhà bà Đông.

Tại buổi cưỡng chế ngày 11/10/2013, ông Nguyễn Tiến Hùng cũng là người trực tiếp chỉ đạo việc cưỡng chế, phá hủy tài sản của gia đình bà Đông. Trong khi cưỡng chế phá nhà của công dân, UBND xã Cổ Nhuế không có quyết định thu hồi đất, không có phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư. Sau khi cưỡng chế xong, lãnh đạo UBND xã chỉ đạo lực lượng tiến hành rào chắn khu đất, không cho gia đình bà Đông về quản lý tài sản vừa bị đập phá. Vì vụ cưỡng chế có dấu hiệu bất thường của UBND xã Cổ Nhuế, gia đình bà Đông với hàng chục con người đã bị đẩy vào cảnh màn trời, chiếu đất, không nơi nương tựa

Để bảo vệ quyền và lợi ích đang bị xâm hại, gia đình bà Trần Thị Đông đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật của lãnh đạo UBND xã Cổ Nhuế, hủy toàn bộ các văn bản được lập trái pháp luật, không đúng sự thật xâm phạm quyền và lợi ích của công dân; Đề nghị Cơ quan CSĐT tiến hành điều tra, xem xét khởi tố vụ án hủy hoại tài sản (Điều 143 BLHS), xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124 BLHS), lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 BLHS), lạm dụng quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282 BLHS).

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

 Ngọc Cương