Xoay quanh “sự cố đáp án môn Sử”:

Thà muộn còn hơn không bao giờ!

(Dân trí) - Chiều ngày 17/7/2012, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khi trả lời với báo chí, đã khẳng định: “Sẽ không chỉnh sửa nữa”, “đáp án môn Sử đã chuẩn rồi và không cần chỉnh sửa gì nữa”!

Thà muộn còn hơn không bao giờ!

Là những giáo viên dạy Sử ở bậc học THPT, chúng tôi xin gửi đến lãnh đạo Bộ tiếng nói chung nhất, phổ biến nhất rằng: hình như Bộ đang né tránh công luận và không quan tâm đến tiếng nói của đông đảo thí sinh, phụ huynh, giáo viên môn Sử trên cả nước? Rất nhiều thí sinh đã thi đại học môn Sử năm nay, kể cả nhiều em học sinh giỏi thật sự băn khoăn, lo lắng về kết quả môn Sử của mình sắp tới với “thông báo cuối cùng” của Bộ GD&ĐT.

Nếu các cơ quan chức năng hữu quan của Bộ chịu khó truy cập internet, chịu khó nghe ngóng thông tin (đâu có thiếu) và cố gắng thử “vi hành” vì quyền lợi của thí sinh, vì nỗi niềm của các bậc phụ huynh và nỗi lo của số đông giáo viên Sử, có lẽ… Rất tiếc đó chỉ là giả sử, mà lịch sử thì không nên dùng trạng từ “nếu”!

Vì quyền lợi của đa số thí sinh, vì Lịch sử vẫn luôn là một bộ môn khoa học đòi hỏi sự chính xác, đa số giáo viên dạy Sử chúng tôi vẫn tái khẳng định: đáp án môn Sử lần 2 của Bộ vẫn không chuẩn và rất nhiều thí sinh vẫn bị mất điểm vì đáp án đó.

Từ khoa cử thời phong kiến đến thi tuyển sinh thời nay, việc phải sửa đổi đáp án đến lần thứ 2 đâu đã có tiền lệ. Và chúng tôi vẫn khó tin là Bộ sẽ công bố đáp án môn Sử lần thứ 3, dẫu biết rằng “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi…” ! Xét về quy chế chấm thi, đáp án (hay hướng dẫn chấm) là văn bản mang tính pháp lệnh đối với cán bộ chấm thi, chấm chệch đáp án thì rất nguy, dù “đáp án cuối cùng” đó có thể chưa chuẩn, thậm chí vẫn còn nhiều sai sót.

Đến thời điểm này, một số trường đại học đã và đang chấm khẩn trương (thậm chí có Hội đồng chấm thi còn chấm cả buổi tối từ 19h30), nhiều Hội đồng chấm thi đã hoàn thành việc chấm bài môn Lịch Sử. Chúng tôi thiết nghĩ, Ban đề thi của Bộ dù “đã nghiên cứu rất kỹ” (theo lời của Thứ trưởng Bùi Văn Ga) nhưng chỉ với số ít các chuyên gia và chỉ rất ít với các giáo viên dạy Sử.

Chúng tôi vẫn khẳng định: đa số giáo viên dạy Sử ở bậc THPT trên toàn quốc không tán thành với lời khẳng định của Thứ trưởng về đáp án lần 2 của Bộ là “chuẩn rồi và không cần chỉnh gì nữa”!

Theo thông tin mà chúng tôi nhận được của số đông giáo viên dạy Sử cốt cán của các trường chuyên, vấn đề “sự cố đáp án môn Sử” sẽ được họ trao đổi một cách thẳng thắn, tranh luận một cách cởi mở, góp ý một cách chân thành với Bộ GD&ĐT trong Hội nghị tập huấn giáo viên cốt cán trường chuyên tại Đà Lạt từ ngày 30/7 đến 4/8/2012 săp tới.

Dù rằng, đến thời điểm đó thì mọi việc liên quan đến môn Sử coi như “việc đã rồi”, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm và nhiều thí sinh đều được đón nhận và phải chấp nhận kết quả môn Sử có thể với nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn không giống nhau.

Trong vài năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã sớm công bố đáp án của các môn thi đại học, cao đẳng ngay sau khi kết thúc buổi thi. Chúng tôi thiết nghĩ đó là sự đổi mới rất quan trọng của Bộ và cũng là tín hiệu vui giúp thí sinh, giáo viên và các phương tiện truyền thông ghi nhận và phản biện kịp thời những mặt “ưu” và “khuyết” về đáp án của các môn thi nói chung và môn Sử nói riêng.

Chân lý tuyệt đối là không có gì “tuyệt đối”. Trong thi cử xưa nay, sự thiếu sót, sơ suất có thể xảy ra. Môn Lịch Sử những năm gần đây cũng là môn thi trong nhiều hình thức thi, cấp độ thi vẫn hay xảy ra những “sự cố” kèm theo những “tranh cãi” không nên có. Hệ luỵ cuối cùng phải gánh chịu chính là thí sinh đã thi và tâm lý, tư tưởng của những học sinh đang sắp thi môn Sử.

Đến thời điểm này, một số tờ báo đã đưa tin về kết quả rất thấp về môn Sử khi môn Sử đã chấm xong. Chúng tôi không bất ngờ về kết quả này khi “sự cố đáp án môn Sử” chỉ “nóng” với công luận và đã “lạnh” với Bộ GD&ĐT. Rất nhiều giáo viên môn Địa và học sinh than thở với chúng tôi rằng, năm nay chính “vấn đề biển Đông” của môn Địa đã “cứu” “ vấn đề đáp án môn Sử” về điểm số đại học khối C năm nay! Không biết nên vui hay buồn!

Những giáo viên dạy Sử chúng tôi một lần nữa mong Bộ và những cơ quan liên quan luôn biết lắng nghe và mau thấu hiểu những trao đổi và góp ý rất thiện chí của công luận, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật và kịp thời sửa đổi những sai sót về đề thi, đáp án trong các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học.

Xin đừng để môn Sử, đề Sử và đáp án môn Sử trở thành một đề tài “sốt dẻo” trên các phương tiện truyền thông sau một kỳ thi. Đừng vì môn Sử mà dư luận có một cái nhìn “méo mó” về lịch sử và hãy đặt vị trí môn Sử là một môn học bình đẳng như tất cả các môn khoa học khác. Thà muộn còn hơn không bao giờ!

Hạnh Đức