Tăng Viện phí và những “nụ cười tủm tỉm”

Ngay sau khi thông tin Viện phí sẽ tăng từ 7 đến 10 lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng và khi cơ quan chức năng khẳng định việc tăng viện phí là “tất yếu, cần thiết” thì dư luận xã hội tỏ rõ sự không đồng tình.

Rất nhiều thông tin phản biện về sự kiện “nóng” này được đăng tải trên báo chí. Có thể xem đó là những tiếng nói đại diện cho sự lo lắng của mọi tầng lớp nhân dân trước “dịch vụ sống-chết” của mỗi con người trong xã hội, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo còn khốn khó đang mới mon men đến được dịch vụ này. Đồng thời từ đó một số thông tin về mặt tiêu cực của ngành Y mới thực sự được nói tới một cách thẳng thắn công khai trên báo chí, chứ không chỉ “ai cũng biết mà chả ai nói ra” với những “luật viện phí bất thành văn” đang tồn tại trong các bệnh viện, đến nỗi việc tuân thủ những “ luật”  này đã trở thành “một thói quen” được thuộc lòng, không theo thì lại thấy áy náy bất an, của mọi người dân khi phải đến bệnh viện (tôi đồ rằng sự tăng hay không tăng viện phí kỳ này của cơ quan chức năng cũng khó mà thay đổi được “thói quen” đó). 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

“…Tôi thành thật xin lỗi các thầy thuốc tốt, chân chính, hết lòng vì người bệnh vẫn không thiếu trong các bệnh viện, trạm xá hiện nay... nhưng không thể phủ nhận một điều, hình như từ rất lâu rồi, những tiếng kêu ca, lo lắng của người dân mỗi khi gia đình có người thân phải vào bệnh viện ngày càng dày thêm. Và cũng ngày càng ít đi trong các bệnh viện hai chữ "từ mẫu". Thay vào đó là hai chữ mà người dân nào cũng phải ghi nhớ sâu sắc đầu tiên - "tiền đâu?". Hay chữ "từ mẫu" chỉ tỉ lệ thuận với độ dày của phong bì, thì mũi kim tiêm của cô y tá, cho đến thái độ thăm khám, chẩn đoán bệnh của bác sĩ cũng mới êm ái, ân cần hơn…” (Tăng viện phí và "tụt nhân tâm" –TuanVNnet). Lại có những thông tin cho biết “bảng lương của các bác sỹ, y tá” của một bệnh viện lớn của Thủ đô khiến mọi người cũng phải cùng các y bác sỹ “tủm tỉm cười” ! Các y bác sỹ “tủm tỉm cười” là phải vì họ đâu có trông chờ gì vào số lương “còm” đó của nhà nước để mua ô-tô, nhà cửa, đóng tiền bạc triệu, bạc tỷ cho các con học hành ở các trường “lớn” trong nước và du học ở nước ngoài ! (Cũng lạ, hình như điều này không chỉ đúng cho y bác sỹ ngành Y mà lại quá đúng cho các ngành khác nữa chứ, đặc biệt là các thày cô giáo ngành Giáo dục-Đào tạo - ai cũng “tủm tỉm cười”- điều khỏi phải dẫn chứng !) . Thế thì ai “nuôi” các y bác sỹ, các thày cô giáo ? Xét cho cùng, cả nổi cả chìm đều vẫn từ dân mà thôi !

Vậy, điều gì đang xảy ra trong xã hội ta hiện nay?

Trước những “nụ cười tủm tỉm” của công viên chức Nhà nước khi nói đến “lương” của mình, tôi nhớ một bạn đọc của Dân trí, trước quá nhiều những tệ nạn tham ô lãng phí  vô lương tâm đang diễn ra trong xã hội, đã từng đề xuất phải mở trường để cấp bằng chữ “Tâm” - chữ vẫn được cha ông ta thờ phụng mà giờ đã trở thành “mốt” của những người chơi chữ, và hình như đã nhàm chán với nhiều người, có còn chăng chỉ còn ở các “ông Đồ” xưa - những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ !  Một số nhà trí thức (có học) và chính khách thì nói rằng những “nụ cười tủm tỉm” đó xuất phát từ “lỗi hệ thống” (?).

Cấp bằng chữ “Tâm”, sao lại không ? Còn “lỗi hệ thống” thì hình như nó ít nhiều liên quan đến “nền kinh tế thị trường”, hay nói thẳng ra là chữ “Tâm” đã được thay bằng chữ “Tiền” - điều mà những người dân ít học (và cả người học nhiều nữa chứ !) hiểu về cụm từ “kinh tế thị trường”. Câu châm ngôn “Tiền là Tiên là Phật” chả ra đời từ  “kinh tế thị trường” sao ?  Đúng là dân ta chưa quen với kinh tế thị trường và “bàn tay vô hình Adam Smith”, lỗi đâu phải ở họ . Chúng ta đã từ nền kinh tế bao cấp đi ra, nhà nước và người dân đều mới làm quen với cái gọi là “kinh tế thị trường”. Có điều, chữ “Tiền” lại được nhanh chóng hiểu ra và tràn ngập các lĩnh vực cuộc sống, mà đôi khi nghĩ tới ta phải rùng mình vì cái mà ta gọi là mặt trái của nó. Rất may, nền kinh tế của chúng ta không đơn giản chỉ là “nền kinh tế thị trường” mà là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. “Định hướng XHCN” là gì nếu không phải là hai chữ “vì dân” ? Phải chăng cái đang xảy ra ở xã hội chúng ta hiện nay là sự không hiểu nhau giữa người dân và các nhà quản lý. Các nhà quản lý thì bảo phải tuân theo các qui luật của kinh tế thị trường (mà người dân hiểu là chữ “Tiền”), còn người dân thì nói rằng phải vì dân (vì chữ “Tâm”). Sự bất hiểu nhau này sẽ chẳng bao giờ có hồi kết nếu ta quên mất cụm từ “định hướng XHCN” , và nếu trong “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” những chính sách như tăng viện phí, học phí chẳng hạn, không được đem ra trưng cầu ý dân toàn diện công khai. Bởi không cần nhiều chữ, chúng ta hiểu rằng  “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” là do dân và vì dân, hay chí ít, căn bản nó phải như thế dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hãy biến những cái “cười tủm tỉm” thành những tiếng “cười sảng khoái” trong “tâm” của mỗi người dân Việt trên chặng đường tiến lên phía trước !     

                                                                             Thư Ngân
Vương Thừa Vũ, Hà Nội

LTS Dân trí -Quá trình xây dựng nền kinh thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là quá trình xây dựng và từng bước hòan thiện hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Trong giai đọan quá độ, có những chính sách đề ra chưa xuất phát đầy đủ từ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, cho nên không tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của đông đảo người dân. Vì vậy người dân có những cách phản ứng khác nhau; sự phản ứng nhẹ nhàng nhưng không kém phần thâm thúy là…cái “cười tủm tỉm” !

Điều đó nhắc nhở các cấp quản lý nên lắng nghe ý kiến người dân. Trước khi đưa ra một chủ trương mới, chính sách mới như tăng viện phí, học phí hay giá điện… nên hỏi ý kiến người dân một cách công khai, dân chủ. Nếu đa số người dân chưa đồng tình thì nên xem xét lại hoặc hoãn việc thực hiện chủ trương, chính sách đó cho đến khi điều kiện xã hội cho phép.

Chúng ta đổi mới cơ chế quản lý nhưng mục tiêu vì dân thì không bao giờ thay đổi dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.