Tăng giá sữa là bất hợp lý, cần có biện pháp xử lý quyết liệt

(Dân trí) - Liên quan đến việc quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng về sữa, thì có nhiều vấn đề cần phải bàn nhằm tháo gỡ giải quyết một cách triệt để.

Trong đó có thể kể ra các bất hợp lý mà các cơ quan chức năng chưa làm tròn trách nhiệm như việc tăng giá bất hợp lý, lượng sữa trôi nổi không xác định được nguồn gốc cón rất nhiều, hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa không đúng với cam kết ghi ở nhãn mác, bao bì hoặc công bố thông qua quảng cáo...

Theo số liệu của Viện Vệ sinh Y tế công cộng đưa ra thì trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8/2008, trong 99 mẫu sữa bột bán lẽ trên thị trường được Viện kiểm tra, thì có đến 37/99 mẫu chiếm khoảng 37,4% không đạt về hàm lượng đạm so với việc ghi trên bao bì.

Việc sử dụng các loại sữa không đạt chất lượng sẽ gây tác hại rất lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em. Nếu trẻ em dùng sản phẩm sữa không đạt hàm lượng đạm (tiêu chuẩn Việt Nam) kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ về sau.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nhất là với những bé vẫn trong giai đoạn ăn sữa hoàn toàn, ăn sữa không đủ làm lượng đạm, bé sẽ chậm, thậm chí không lên cân, còi cọc, thiếu máu, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ.

Riêng đối với việc tăng giá sữa bất hợp lý thì khỏi phải bàn, giá sữa Việt Nam hiện cao nhất thế giới và đang có chiều hướng tăng thêm khoảng cách. Theo đánh giá của nhiều cơ quan quản lý thì giá sữa liên tục tăng chủ yếu là do các nhà sản xuất sữa nước ngoài nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam - Đó là tâm lý chuộng và tin tưởng vào hàng ngoại, đặc biệt là không bao giờ tiếc tiền khi chăm sóc cho con cái mình. Thứ hai, lý do mà các doanh nghiệp đưa ra đó là tỷ giá giữa đồng VNĐ đồng và USD biến động...

Tuy nhiên, đó chỉ mới là các nguyên nhân thứ yếu, theo chúng tôi nghĩ để kiểm soát tốt mặt hàng sữa, thì các cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền cho người dân nắm được kiến thức, có sự hiểu biết đúng đắn về các loại sữa do Việt Nam sản xuất không thua kém sữa nước ngoài, tránh trình trạng chuộng hàng ngoại không có căn cứ.

Bên cạnh đó, cần ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh đối với mặt hàng sữa như bãi bỏ tình trạng độc quyền nhập và phân phối sữa trên thị trường Việt Nam của một số nhà nhập khẩu trong nước nhằm hạn chế tình trạng áp đặt giá cao so với thực tế.

Tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các hãng sữa công bố, quảng cáo sai sự thật, có biện pháp xử lý lượng sữa trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường có thể gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Mặt khác, cần có các biện pháp hỗ trợ đối với các nhà sản xuất sữa trong nước, như hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân đầu tư chăn nuôi bò sữa, có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sữa như lãi suất, mặt bằng, thuế suất... trong khuôn khổ thỏa thuận WTO nhằm vực dậy nền sản xuất sữa trong nước, chủ động nguồn hàng, hạn chế sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Nước ta có ngành sản xuất nông nghiệp phát triển khá mạnh, vì lẽ gì không phát triển nhanh được nguồn sữa bò trong nước để đến nỗi kéo dài tình trạng phụ thuộc vào nước ngòai về nguồn sữa.

Ngoài ra, cần xem xét sửa đổi toàn diện Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định 170/2003/NĐ-CP liên quan đến điều chỉnh mặt hàng sữa. Trong đó cần sửa đổi ngay quy định: Trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi biến động, các cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

Bởi vì, việc quy định như vậy, nếu doanh nghiệp muốn tăng giá dưới mức 20% thì sẽ thực hiện dễ dàng, không vi phạm pháp luật và trong trường hợp này cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp.

Theo chúng tôi cần sửa đổi lại quy định trên như sau: Trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 10% trở lên so với giá thị trường trước khi biến động, các cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn giá.

Có  như vậy mới quản lý được giá sữa, ổn  định được thị trường sữa và bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng, nhất là đối với người nghèo và tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam.

Phạm Văn Chung
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

LTS Dân trí-Sữa là mặt hàng bổ dưỡng rất cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và người già hoặc người ốm đau. Rất đáng tiếc là chúng ta chưa làm tốt việc quản lý đối với mặt hàng thiết yếu này, kể cả về giá bán cũng như về chất lượng.

Trước đây, dư luận xã hội đã bất bình vì giá  các lọai sữa bán ở nước ta đều cao hơn các nước trong khu vực, thậm chí có lọai sữa giá cao gấp hai lần ở nước ngòai.

Thông tin sốt dẻo mới đây, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa lại đồng lọat tăng giá từ 7 đến 10%. Điều đó làm cho dư luận tiếp tục nóng lên và  càng bất bình hơn.

Bản chất tốt đẹp của chế độ ta luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, luôn ưu tiên chăm sóc đời sống trẻ em cũng như người già và người đau ốm đều rất cần sữa ăn hằng ngày. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bình ổn giá sữa bằng những biện pháp quyết liệt và đồng bộ, không cho phép các doanh nghiệp đẩy giá sữa lên cao ngất ngưởng như hiện nay.