Bạn đọc viết:

Tận diệt chim trời - lợi trước mắt, hại lâu dài

(Dân trí) - Cứ đến mùa mưa lũ, người dân nhiều nơi trên địa bàn Hà Tĩnh lại đua nhau đi bắt chim. Với quan niệm “chim trời cá biển”, lại nhân lúc nông nhàn, người dân đua nhau đi săn bắt thứ “lộc trời” kéo dài khoảng vài tháng ...

Lợi trước mắt

 

Nhân dân từ Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn,..đến Kỳ Anh, Thạch Hà…,phong trào bắt chim rộ lên khắp nơi. Phương tiện bắt chim rất phong phú, từ bẫy nhựa, vây lưới đuổi bắt, dùng súng hơi…

 

Nhưng hiện nay phương pháp phổ biến nhất là quây lưới ngoài đồng, dùng loa phát tiếng chim để dụ chúng vào lưới. Phương pháp này đánh bắt được rất nhiều chim, có khi một mẻ lưới trong đêm bắt được hàng trăm con chim các loại, nên có tính chất tận diệt. Đủ các loại chim từ cò, vạc, cói, diệc, gà nước, bồ nông, gà nước, gà lôi…được bày bán la liệt, công khai trên các tuyến đường, các chợ từ quê đến phố, người mua kẻ bán tấp nập. Người bán được tiền, người mua được món khoái khẩu, không ai bận tâm nghĩ về nguy cơ biến mất của các loài chim.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Với quan niệm “chim trời cá biển”, lại nhân lúc nông nhàn, người dân đua nhau đi săn bắt thứ “lộc trời” mỗi năm chỉ có một dịp, kéo dài khoảng vài tháng này. Người dân chỉ nghĩ đơn giản “trời sinh voi, sinh cỏ”, đánh bắt lứa chim này, năm sau lại sinh ra lứa khác.

 

Mặt khác, số tiền từ việc bán chim đem lại không hề nhỏ, có gia đình thu được tiền triệu mỗi ngày. Người mua chim cũng tranh thủ mùa mưa, mua ít “đặc sản” về thưởng thức. Thậm chí có dám cưới cả trăm mâm vào mùa mưa, mâm nào cũng có món thịt chim trời. Ai cũng quan tâm đến lợi ích trước mắt, còn chuyện bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái xem ra hãy còn xa vời.

 

Hại lâu dài

 

Theo số liệu của Liên hợp quốc (năm 2010), có 1.227 loài chim, chiếm 12,4% trong tổng số 9.865 loài chim di cư trên thế giới, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

 

Với đà săn bắt tận diệt như hiện nay, nguy cơ tuyệt chủng của không ít loài chim không còn là chuyện xa vời. Nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá sẽ biến mất vĩnh viễn, nguy cơ mất cân bằng sinh thái sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường đối với chính người nông dân như nạn sâu bọ, cào cào, châu chấu… 
 
Tận diệt chim trời - lợi trước mắt, hại lâu dài - 1

Những chú cói mồi đã được khâu mắt (ảnh: Hoàng Lam)

 

Về mặt xã hội và nhân văn, việc săn bắt chim hoang dã tràn lan như hiện nay đang từng ngày từng giờ xói mòi ý thức bảo vệ môi trường, tình yêu thiên nhiên của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Nó cũng trái ngược với truyền thống nhân ái, sống hài hoà với thiên nhiên của người Việt. Hà Tĩnh là quê hương của giáo sư Võ Quý, nhà khoa học đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết để nghiên cứu bảo vệ các loài chim và được nhận giải thưởng khoa học quốc tế.

 

Cần chung tay bảo vệ loài chim

 

Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản để bảo vệ các loài động vật hoang dã.  Ngày 29/5/1996, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 359/TTg “Về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã” nêu rõ: “…mỗi đất nước, mỗi dân tộc và mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển”.

 

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, UNBD các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc săn bắt trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, các loại chim cảnh bắt từ tự nhiên, đặc biệt là các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng; ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, tàng trữ bất hợp pháp động vật hoang dã, quý hiếm ở các chợ nội địa, chợ đường biên, các trục giao thông, bến cảng, sân bay và các tụ điểm khác; kiểm tra, thu giữ các loại súng quân dụng, súng hơi và các phương tiện dùng để săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã. Tuy nhiên, tình hình săn bắt, buôn bán động vật hoang dã ngày càng diễn biến phức tạp.

 

Mặc dù tình hình săn bắt chim hoang dã trên địa bàn đang rất “nóng” và đã diễn ra nhiều năm, song vẫn chưa thấy có động thái tích cực nào của các cơ quan chức năng, nhất là của ngành tài nguyên và môi trường.

 

Thiết nghĩ, để bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung, các loài chim nói riêng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, sự chung tay của cộng đồng. Song song với việc thể chế hoá các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, cần nâng cao ý thức của người dân, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các nhà trường.

 

                                                            Văn Sĩ Đại

 

LTS Dân trí - Hiện tượng săn bắt các loài chim thú hoang dã không chỉ diễn ra ở Hà Tĩnh mà còn khá phổ biến ở nhiều địa phương. Các cơ quan chức năng hầu như chỉ quan tâm ngăn cấm và bắt nhiều vụ săn bắt các loài thú lớn, còn đối với các loài chim dù là việc săn bắn diễn ra phổ biến hơn nhưng không ngăn cấm kiên quyết.

 

Các loài chim thú nói chung là những mắt xích quan trọng của thế giới tự nhiên, có mối quan hệ hữu cơ trong sự tồn tại cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên. Cho nên Liên hợp quốc cũng như Chính phủ ta đã có chủ trương và chính sách bảo vệ các loài động vật hoang dã cũng là bảo vệ đa dạng sinh học của môi trường thiên nhiên. Mọi người cần thấy đó là chủ trương đúng đắn để tự giác thực hiện và vận động người khác cùng tham gia. Chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng nên quan tâm xử lý nghiêm những trường họp vi phạm.