Tấm gương một người Thầy

Bây giờ làm nghề dạy học, tôi mới hiểu và thấm thía cái khó nhất của Người Thầy chính là làm sao hun đúc được lòng đam mê môn học - mà mình dạy - cho học sinh, để từ đấy các em tự giác tìm tòi, khai phá những điều mới mẻ qua mỗi giờ học...

Tôi đã có một Người Thầy như thế - Thầy Sỹ kính yêu của tôi!

 

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, tôi muốn viết bài báo ngắn này để kính tặng hương hồn Thầy Sỹ của tôi,nguyên là giáo viên hóa Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh.

 

Vào những năm cuối của thập niên 80, chúng tôi là một lũ học sinh vừa chuyển lên cấp 3 (THPT). Thời đó, chương trình Hóa học của cấp 2 (THCS) chỉ dừng ở mức độ cân bằng một số phương trình phản ứng hóa học vô cơ. Do đó, đến khi lên cấp 3, mặc dù là học sinh của lớp chọn A, nhưng những tiết học môn Hóa học đầu lớp 10 đối với chúng tôi sao mà “dài thế ”, dường như thầy  hiểu điều đó. Kiên trì, từng tiết … từng tiết học, dáng cao gầy và đôi mắt sáng, thầy say sưa giảng bài, với giọng truyền cảm và có sức thu hút học sinh.

 

Thời gian trôi qua, kì thi học sinh giỏi của trường để lựa chọn đội tuyển đã làm cho cả lớp tôi náo loạn cả lên. Đăng kí dự thi môn gì trong các môn tự nhiên: Toán, Lý, Hóa, Sinh là một đề tài chủ yếu sau mỗi tiết học. Đối với tôi, định hướng thi đại học khối A đã khiến tôi đăng kí dự thi Toán, Lý, Hóa và tôi may mắn được chọn dự thi cấp tỉnh hai môn Toán và Hóa. Cho đến khi được chọn vào đội tuyển, thú thực trong tôi chưa có chút cảm tình nào với môn Hóa. Thế rồi Thầy mở “lò dạy thêm” cho hai thằng chúng tôi chuẩn bị dự thi cấp Tỉnh. Tôi và cậu bạn được Thầy “free” (miễn phí) tiền học và tiền cơm trưa liên tục các ngày chủ nhật của hơn hai tháng trước khi thi.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Ngôi nhà tranh ba gian với bộ bàn ghế bành cũ, ba thầy trò chúng tôi chụm đầu lúi húi cùng nhau giải bài tập Hóa. Lúc bấy giờ, tôi có cảm giác Thầy và chúng tôi như những người bạn “học nhóm”. Trước mỗi bài, Thầy luôn tham gia giải với chúng tôi và nhiều bài tôi hoặc anh bạn đưa ra được lời giải trước. Đối với chúng tôi lúc đó cảm thấy phấn khích thực sự vì nhận được lời khen và ánh mắt khích lệ của Thầy sau cặp kính. Tình yêu môn Hóa lớn dần trong tôi từ đó, những bài toán Hóa học cứ lởn vởn trong đầu tôi trên đường đi học và lúc về.

Nhà Thầy cách trường chúng tôi khoảng 6 km, mùa mưa đối với đường đất đỏ là một sự tra tấn khủng khiếp đối với cả người đi bộ và người đi xe đạp. Phương án đi bộ để tranh thủ nhẩm lại kiến thức trên đoạn đường dài đã được tôi lựa chọn và có vẻ khá hiệu quả. Dưới sự dạy bảo của Thầy, chẳng biết từ bao giờ tôi say mê môn Hóa đến lạ kì, mọi hiện tượng hóa học xung quanh đều làm cho tôi tự nêu ra câu hỏi: Cơ chế phản ứng của nó như thế nào? chất gì tác động với chất gì? nếu có xúc tác thì sẽ ra sao v.v... và đi tìm lời giải thích.

Kì thi học sinh giỏi cấp Tỉnh (Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ) kết thúc, hai đứa chúng tôi đến trường và gặp lại Thầy. Chúng tôi chưa kịp báo cáo kết quả làm bài thì Thầy đã nói “Hai đứa không cần phải báo cáo, Thầy tin các em”. Với kết quả làm bài của mình, được giải “khiêu khích” (khuyến khích) đối với học sinh miền núi như chúng tôi đã là oai lắm rồi. Thế nhưng, “Thượng Đế” đã không phụ công sức và niềm đam mê của Thầy trò chúng tôi, cả hai chúng tôi đều đạt giải và tôi “ẵm” được cái giải nhì cấp Tỉnh. Tôi biết Thầy vui lắm nhưng không nói gì ngoài câu: “Chủ nhật này ta lại tiếp tục nhé ”. Cứ như thế, chúng tôi đã được Thầy dạy “miễn phí” cho đến hết năm lớp 12, và năm nào chúng tôi cũng được công nhận là học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Hóa học.

Bây giờ, mặc dù Thầy không còn nữa và tôi đã là một giáo viên dạy Toán nhưng tình yêu và niềm đam mê Hóa học Thầy truyền cho tôi ngày nào vẫn còn nguyên vẹn.      

                                                                                                                                                       

 

                                                                                Đinh Tài

                                                                      Khoa Sư Phạm Tự nhiên

                                                                           Đại học Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Bài viết ngắn trên đây kể lại những kỷ niệm thật cảm động về một tấm gương Người Thầy đã tận tâm tận lực vì học sinh thân yêu. Thầy đã dành thời gian nghỉ ngơi của hầu hết những ngày chủ nhật trong ba năm của chương trình PTTH để dạy thêm cho những học trò trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Với Thầy, không bao giờ nhận tiền dạy thêm, chuyện đó đã đành, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn của giáo viên thời đó (cuối thập niên 80), thầy còn “miễn phí” cả bữa trưa cho học sinh. Phải có tấm lòng yêu nghề và thương yêu học sinh nhiều lắm mới có cách đối xử nặng tình nặng nghĩa như vậy.

Và điều nổi bật ở Thầy còn là niềm say mê môn hóa học và biết cách khơi gợi lòng ham hiểu biết, thích khai phá tìm tòi cái mới của học sinh trong môn học này, từ đấy lòng đam mê môn hóa học đã đến với các em một cách hết sức tự nhiên.

Đấy cũng là “bí quyết” thành công của Người Thầy đã hết lòng, hết sức vì học sinh thân yêu.

Nhân dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 năm nay, mọi người chúng ta xin gửi tấm lòng tri ân của mình tới nhiều thế hệ thầy cô giáo. Đặc biệt, chúng ta hết sức trân trọng và biết ơn sâu sắc những người thầy đã tận tâm tận lực với nghề như tấm gương của Thầy Sỹ trong bài viết trên đây.