Tư vấn Pháp luật:

Tài sản không để lại di chúc, chia thừa kế ra sao?

(Dân trí) – Khi bố tôi mất không để lại di chúc, hiện tại mẹ tôi và anh trai cả đang ở ngôi nhà của bố mẹ. Anh trai thứ hai đã được xã cấp cho một lô đất làm nhà nhưng vẫn đòi chia thêm phần đất của bố mẹ. Như vậy là đúng hay sai?

Nếu đúng thì chia thế nào? Xin cảm ơn tòa soạn (manhcuong_ducmy@yahoo.com).

Tài sản không để lại di chúc, chia thừa kế ra sao? - 1

(Ảnh minh họa)

Trả lời:

Theo của điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

Như vậy, mặc dù người anh trai thứ 2 đã được Ủy ban Nhân dân xã cấp cho một lô đất riêng nhưng người anh trai vẫn thuộc hàng thừa kế của bố ông nên có quyền hưởng di sản mà bố ông để lại. Theo thông tin ông trình bày bố ông mất năm 1974, nên cho đến thời điểm hiện tại người anh thứ hai đã hết thời hiệu khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật theo quy định tại điều 645 Bộ luật dân sự, cụ thể: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế".

Tuy nhiên nếu “Sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết”. (Theo quy định tại mục 2.4 phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình).

Như vậy, vì tài sản để lại thuộc quyền sở hữu của bố mẹ ông, bố ông mất đi không để lại di chúc thì phần tài sản của bố ông trong phần tài sản chung của vợ chồng trở thành di sản thừa kế. Nếu bố ông không để lại di chúc; bà mẹ và 6 người con, bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, con nuôi của bố ông (nếu có) thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố ông không có tranh chấp về hàng thừa kế, đều thống nhất di sản của người chết để lại chưa chia được thể hiện bằng văn bản thì phần di sản của bố ông trở thành tài sản chung và được chia theo quy định của pháp luật, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau.

Nếu một trong các đồng thừa kế có tranh chấp, không thống nhất được về di sản để lại, hàng thừa kế…thì không thể yêu cầu chia tài sản chung được và ai quản lý vẫn tiếp tục được quản lý.

Trong trường hợp tất cả các đồng thừa kế đều thống nhất về cách chia tài sản, không có tranh chấp thì họ có thể liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng để tiến hành khai nhận và phân chia di sản thừa kế theo quy định tại điều 49, 50 Luật Công chứng năm 2006.

Luật sư Vũ Hải Lý

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội

Tư vấn tổng đài 04 -1088 phím số 4 -4 hoặc phím 4-5

Điện thoại: 04 3 747 8888 – Fax: 04 3 747 3966

Hot-line: 093 366 8166

Ban Bạn đọc