Tác động nhiều mặt của báo chí đối với giới trẻ

(Dân trí) -Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, báo chí với nhiều loại hình ngày càng tác động mạnh mẽ tới độc giả, nhất là giới trẻ, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Vậy cần làm gì để phát huy vai trò tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của báo chí?

Thanh thiếu niên thường đọc báo gì?

 

Đến thư viện Nghệ An vào một ngày cuối hè, chúng tôi gặp hai bạn Hồng Phú và Tú Anh, HS trường THCS Lê Mao đang say sưa đọc báo. Tú Anh cho biết: “Em thích đọc Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ vì có nhiều bài viết bổ ích liên quan đến môn Ngữ văn trong nhà trường. Em biết đến cuốn Tạp chí này đã 5 năm nay”. Còn Hồng Phú thì thích báo Mực tím vì phong cách trẻ trung, sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý học sinh của tờ báo.

 

Ông Đào Tam Tỉnh, Giám đốc Thư viện Nghệ An cho biết: Nhiều bạn trẻ rất thích đọc báo. Các bạn thường chọn các loại báo phù hợp với lứa tuổi, sở thích như Hoa học trò, Mực tím, Thiếu niên tiền phong, Thời trang trẻ, Sinh viên Việt Nam, Tiền phong…Các loại tạp chí có nhiều bài liên quan đến các bài học trong nhà trường như Toán học và Tuổi trẻ, Toán tuổi thơ, Vật lý và Tuổi trẻ, Văn học và Tuổi trẻ…cũng rất được các bạn trẻ yêu thích.

 

Hiện nay, báo chí phát triển với tốc độ rất nhanh. Cả nước có 700 tờ báo với nhiều loại hình (báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử) và cả các báo nước ngoài. Ngoài ra, còn rất nhiều các website, trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn, mạng xã hội…. Sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí đã có những tác động to lớn, sâu sắc đối với xã hội nói chung, giới trẻ nói riêng.

 

Tác động tích cực của báo chí đối với giới trẻ

 

Với sự thâm nhập ngày càng sâu rộng, báo chí có những tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới sự phát triển trí tuệ, hình thành nhân sinh quan, thế giới quan, bồi đắp tình cảm nhân văn cho giới trẻ. Tuổi trẻ là tuổi của sự năng động, khao khát thông tin, hiểu biết. Bên cạnh những thông tin từ gia đình, nhà trường, xã hội, báo chí là nguồn thông tin tươi mới, hấp dẫn, hữu ích đối với giới trẻ. Với các trang mạng xã hội, giới trẻ dễ dàng tập hợp trong những cộng đồng mạng không giới hạn bởi khoảng cách địa lý, quốc gia, châu lục.

 

Trong thế giới của báo chí, giới trẻ được sống trong những nhịp đập nóng hổi của thời đại, quốc gia, cộng đồng. Nhờ báo chí, giới trẻ quan tâm hơn và có những phản ứng kịp thời, tích cực trước những sự kiện chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội của thế giới, đất nước và địa phương. Báo chí có sức mạnh tập hợp sự quan tâm của cộng đồng vô cùng to lớn.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Báo chí là phương tiện học tập hữu hiệu của giới trẻ. Với tính chất đa dạng, phong phú, đa chiều, cập nhật của thông tin, giới trẻ có thể tìm thấy ở báo chí nguồn cung cấp tri thức, rèn luyện kĩ năng sống vô tận và quý giá mà không một cuốn sách nào, ông thầy nào có thể đáp ứng. Một số báo, tạp chí chuyên ngành có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động trao đổi, nghiên cứu thông tin khoa học của giới trẻ.

 

Báo chí đã giúp hình thành nên một thế hệ “công dân toàn cầu” (global citizen) ở Việt Nam, với khát vọng hòa nhập, sánh vai cùng thế giới. Với sự phát triển của internet, bất cứ ai cũng có thể lập một blog, hoặc tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Có thể xem blog, mạng xã hội là một dạng báo chí đặc biệt, trong đó mỗi người, mỗi bạn trẻ có thể trở thành một “nhà báo” (nghiệp dư), vừa là chủ thể cung cấp thông tin, vừa có những mối quan hệ tương tác rộng rãi, kịp thời với cộng đồng mạng.

 

Mặt trái của báo chí đối với giới trẻ

 

Với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, giữa một “biển” thông tin, giới trẻ có thể “lạc lối”, nếu không được định hướng, giáo dục. Tháng 12/2010, một nhóm thiếu niên ở TP Vinh (Nghệ An) bị bắt vì hành vi phá máy ATM để trộm tiền. Nguyên nhân là những em này đã học lỏm phương pháp phá máy ATM để trộm tiền được miêu tả rất tỉ mỉ trên các tờ báo.
 
Tác động nhiều mặt của báo chí đối với giới trẻ - 1

Với thời đại công nghệ thông tin phát triển, bạn có thể đọc tin tức trên các báo mạng một cách dễ dàng (nguồn ảnh: internet)

 

Sự việc cho thấy mặt trái của thông tin báo chí đối với giới trẻ. Bên cạnh những tờ báo nghiêm túc, vẫn tồn tại không ít những tờ báo tìm cách thu hút độc giả bằng những bài báo có nhan đề giật gân, nội dung khai thác những đề tài kích thích sự tò mò, thị hiếu tầm thường, dục vọng thấp kém của con người.

 

Những bạn trẻ không có nền tảng tri thức và nhân cách vững chắc thường bị lôi cuốn bởi những bài báo có tính giải trí rẻ tiền, vô bổ, thậm chí độc hại. Nhà báo Đ.H (báo Pháp luật TP HCM) có lần tâm sự: bài báo công phu, tâm đắc nhất của anh về một đề tài thời sự nóng hổi thì lượng người đọc không đáng kể, trong khi đó, một thông tin dạng “chó cán xe” lại trở thành tin nhiều người đọc nhất.

 

Việc các ngôi sao thể thao, ca nhạc, điện ảnh, người mẫu…xuất hiện với tần số đậm đặc trên các báo khiến giới trẻ dễ bị ngộ nhận đó là những giá trị thời thượng được xã hội tôn vinh, kích thích giới trẻ a dua theo những điều phù phiếm mà sao nhãng, coi nhẹ các giá trị chân chính của cuộc sống.

 

Không ít bạn trẻ bị ảnh hưởng cách sử dụng ngôn ngữ thiếu trong sáng, thiếu chính xác, lạm dụng tiếng nước ngoài trên báo chí.

 

Cần giáo dục văn hoá đọc cho giới trẻ

 

Vai trò, tác động của báo chí, truyền thông đối với thế hệ trẻ là một vấn đề rất lớn, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, chúng ta chưa có những công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc về nhu cầu, thị hiếu thông tin cũng như tác động của thông tin báo chí đối với việc hình thành nhân cách, lối sống của giới trẻ làm cơ sở cho những chính sách quản lý của nhà nước.    

                        

Thông tin báo chí đối với thế hệ trẻ ngày nay theo chúng tôi vừa thừa vừa thiếu. Thừa những thông tin giải trí, giật gân vô bổ, thậm chí độc hại mà thiếu những thông tin nghiêm túc, có tính phát hiện, khai sáng, cảnh báo, có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

 

Báo chí đang phát triển “nóng” nhưng thiếu chiều sâu, thiếu đỉnh cao. Có không ít tờ báo coi nhẹ chức năng thông tin, phản biện xã hội mà lại chú trọng tính chất giải trí, thương mại, chạy theo thị hiếu tầm thường của độc giả. Sự tiếp cận của giới trẻ đối với các loại hình báo chí cũng mất cân đối.
 
Tác động nhiều mặt của báo chí đối với giới trẻ - 2

Thông tin báo chí đối với thế hệ trẻ ngày nay theo chúng tôi vừa thừa vừa thiếu. Thừa những thông tin giải trí, giật gân vô bổ, thậm chí độc hại mà thiếu những thông tin nghiêm túc, có tính phát hiện, khai sáng, cảnh báo, có ý nghĩa xã hội sâu sắc. (nguồn ảnh: internet)

 

Đa số các bạn trẻ tiếp xúc với báo hình, báo mạng mà ít đọc báo in, nhất là các bạn trẻ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các báo, tạp chí chuyên ngành phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu rất ít đến tay học sinh, sinh viên, dù các bạn rất cần. Nhiều bạn là sinh viên khoa Ngữ văn các trường ĐH - CĐ nhưng chưa biết tờ báo Văn nghệ hay Tạp chí Văn học “mặt ngang mũi dọc” ra sao.

 

Cô Lô Thị Công, Tổ trưởng tổ xã hội trường THPT Dân tộc nội trú Tương Dương (Nghệ An) cho biết: “Do điều kiện khó khăn, số sách báo ở thư viện nhà trường cũng rất hạn chế, học sinh không có điều kiện đọc thêm sách báo. Nhà trường có phòng máy tính nhưng chưa nối mạng internet. Một số em biết đến internet qua một số tiệm net ở thị trấn”.

Hiện nay, hầu hết thư viện ở các trường phổ thông chỉ phục vụ giáo viên, học sinh rất ít được tiếp cận với sách báo ở thư viện. Vì vậy, thiết nghĩ để phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng và giới trẻ nói riêng, vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”. Nghĩa là sự đầu tư về tài chính, vật chất đúng mức là điều kiện cần để phát triển văn hoá đọc.

 

Điều quan trọng là nhà trường, người lớn chưa có sự định hướng đúng mức về văn hoá đọc, trong đó có đọc báo chí, đối với giới trẻ. Hầu như các em đến với báo chí một cách tự phát, tự nhiên, thiếu sự chọn lọc. Ví dụ như một chương trình truyền hình cả nhà cùng xem, trong đó có những nội dung không phù hợp với trẻ em. Bố mẹ, thầy cô hầu như không đọc sách báo nên cũng không biết hướng dẫn con em, học trò nên đọc sách báo gì, đọc như thế nào, cái gì trên sách vở, báo chí là hay, hay như thế nào, là dở, vì sao lại dở…

 

Hiện nay, chúng ta đang có chủ trương giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, sinh viên; thiết nghĩ, cần xem kĩ năng đọc như một nội dung cần ưu tiên giảng dạy, giáo dục. Không nhất thiết phải có những giáo trình, hay trở thành một môn học riêng bài bản, mà chỉ cần một số tiết ngoại khoá, hay lồng ghép khéo léo trong các bài học, các giờ sinh hoạt hay hoạt động của nhà trường, của tổ chức đoàn, đội. Nắm được kĩ năng đọc sách báo, các bạn trẻ có một công cụ lợi hại để học tập, rèn luyện, phát triển.

Muốn vậy, cần tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, nâng cao tính chuyên nghiệp của báo chí và phát huy vai trò của nhà trường, gia đình trong việc giáo dục văn hoá đọc cho thế hệ trẻ.

 

                                    Trần Quang Đại

                                           (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí - Sự nhìn nhận của tác giả bài viết trên đây đối với báo chí, cả mặt tích cực  và tiêu cực, là một sự đánh giá khá toàn diện, phản ánh đúng tình hình báo chí đang diễn ra và lưu ý tác dụng “hai mặt” của báo chí đối với xã hội, nhất là đối với giới trẻ.

Những năm gần đây, sự phát triển nhảy vọt của mạng Internet và các phương tiện in ấn, nghe nhìn kéo theo sự “bùng phát” của nhiều loại hình báo chí và thông tin, nhất là các nguồn thông tin trên mạng. Giới trẻ ở nông thôn còn ít được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú này, còn thanh thiếu niên ở các thành phố thì có điều kiện nhanh nhạy đón bắt những nguồn thông tin hằng ngày trên báo chí, đặc biệt là  trên mạng. Vì vậy báo chí có ảnh hưởng rất lớn đối với giới trẻ, cho nên việc định hướng thông tin sao cho có ý nghĩa giáo dục, nâng cao hiểu biết nhiều mặt cũng như góp phần trau dồi đạo đức, nhân cách  và tuyên truyền cho lối sống lành mạnh của giới trẻ phải trở mục tiêu cần được coi trọng thường xuyên đối với mọi loại hình báo chí, nhất là những tờ báo có đối tượng chính là thanh thiếu niên.

Đi đôi với việc nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của mỗi tờ báo, hiệu quả đọc báo còn phụ thuộc vào ý thức biết khai thác những thông tin phù hợp với từng loại đối tượng. Nhà trường cũng như gia đình có vai trò quan trọng giúp đỡ con em mình tìm đọc những tờ báo có nguồn thông tin bổ ích và phù hợp với lứa tuổi.