So đũa

Tiếng chị bạn như reo lên trong máy: “Trưa mai thứ bẩy vợ chồng cậu đến ăn cơm nhé, bố chồng mình từ quê lên chơi, mang cho cả mấy thứ đặc sản, chúng mình sẽ làm cho cả nhà bất ngờ!”.

Chúng tôi thân nhau từ lâu, thỉnh thoảng lại tổ chức ăn uống trổ tài nội trợ khiến các đấng mày râu nhiều phen  tâm phục khẩu phục.

Bố chồng của chị bạn tôi là một nhà giáo về hưu, hiểu biết rộng lại rất mực thước nên mỗi lần gặp, chúng tôi thấy rất dễ chịu và học hỏi được nhiều điều. Lần này lên, ông cụ đem lên mấy con cá chép ao và rau tự trồng, chúng tôi tha hồ chế biến thành các món ăn ngon miệng. Cô con gái út của anh chị chủ nhà năm nay đang độ tuổi teen cũng lăng xăng ngó nghiêng ra chiều thích thú và giúp dọn mâm bát.

Phân ngôi chủ khách xong, chị chủ nhà so đũa, đến đôi cuối của mình chị nhìn cô con út nhẹ nhàng bảo:

- Con vào lấy đôi khác cho mẹ, con lấy đũa không so nên bị lệch rồi. 

Cô bé phụng phịu vùng vằng:                                             

- Ôi dào, thế nào chẳng được, mẹ cứ vẽ chuyện.

Chị bạn chững lại bối rối rồi nhanh nhẹn khỏa lấp:

- Thôi để mẹ lấy cho, con cứ ăn đi.

Bữa cơm hôm ấy mặc dù rất ngon và mọi người đều cố tạo nên một bầu không khí vui vẻ, nhưng vẫn cứ hơi gượng gạo thế nào ấy, giống như đang ngon miệng bỗng vấp phải hạt sạn. Đến khi ra bàn uống nước, chị bạn lúng túng xin lỗi bố chồng và chúng tôi:

- Cũng chỉ vì cháu nó là con út nên được chiều quá sinh hư.

Mọi người ai cũng xuề xòa đỡ lời:

- Có gì đâu, cháu nó còn nhỏ, rồi bảo ban cháu dần.

Ông bố chồng chị bạn tôi trầm ngâm:

- Chuyện tuy nhỏ, nhưng nếu không uốn nắn dần sẽ trở thành nết người các anh chị ạ. Thế rồi ông cụ giảng giải:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

- Người Việt Nam ta có thói quen ăn bằng đũa từ lâu đời, đôi đũa như cánh tay nối dài của con người. Khi biết dùng đũa các ngón tay sẽ mềm mại khéo léo hơn. Dần dần đôi đũa đã trở thành biểu tượng để diễn đạt những quan niệm về nhân sinh và nhân tình thế thái, đôi đũa nhỏ bé đã được nâng lên một tầm triết lý. Từ bé mỗi người đã phải học so để biết tìm ra cái ngay thẳng, bằng bặn, dần dần cái việc tưởng chừng như nhỏ nhặt ấy ăn sâu vào tiềm thức rồi trở thành nếp nghĩ và hành xử một cách trung thực, ý tứ, ra đầu ra đũa. Biết chọn lựa trong những cái tưởng như bằng nhau để tìm ra cái nhỉnh hơn, biết kính trên nhường dưới. Đấy các anh chị có nhớ từ bé đã được ông bà, bố mẹ dậy phải so đũa chia cho người cao tuổi trong mâm, cho khách, các cháu bé lại được vót riêng một đôi nhỏ và ngắn hơn. Rồi còn bao nhiêu những ẩn dụ, so sánh đôi đũa với cuộc sống lứa đôi mà các anh chị đã được nghe qua các lời hát ru và học trong nhà trường.Nhìn về phía trời xa như muốn tìm một cái gì trong ký ức, ông cụ hạ giọng:

- Ở tuổi tôi, khi vợ chồng đã người âm người dương lại càng thấm hơn khi “Nghiệm lẽ đời” mà một tác giả đã mượn hình ảnh đôi đũa để giãi bầy những chiêm nghiệm: “ Thẳng ngay, tròn trịa, chắc dày/ Vị đời mặn ngọt đắng cay không rời/ Đến khi một kẻ lìa rồi/ Mới hay sống trọn một đôi dễ gì” (Phạm Xuân Phụng).

Chúng tôi nghe ông cụ nói về đôi đũa Việt Nam mà như nói về con người. Thực ra không phải chúng tôi không biết những điều ấy, nhưng cuộc sống với bao bề bộn toan lo cứ cuốn chúng tôi vào vòng xoáy khắc nghiệt mà sao nhãng việc giáo dục con cái, uốn nắn chúng từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt kia. Có phải vì vậy mà bây giờ nhiều đứa trẻ sống thiếu ý tứ, mất đi cái gốc của gia phong. Một số gia đình khi con cái hư hỏng, giật mình nhìn lại thì đã muộn. Ôi! Cái đạo sống của cha ông ta mới tinh tế và sâu sắc biết bao.

Trần Vân Hạc

LTS Dân trí - Những gia đình có gia giáo xưa kia thường chú ý giáo dục, uốn nắn cho con trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt thường ngày như chuyện kể trong bài viết trên đây.

Nghiệm ra, cách dạy dỗ trẻ em cần có sự tỷ mẩn và kỹ lưỡng như vậy. Cái gì cũng phải có sự khởi đầu từ những việc nhỏ, từ thói quen hằng ngày ăn sâu dần vào tiềm thức trở thành ý thức và nếp sống của con người có giáo dục.

Điều ấy nói lên vị trí đặc biệt quan trọng của giáo dục gia đình mà ngày nay hầu như để lơi lỏng làm mất đi cái gốc gia phong tức là mất đi cái nền tảng đạo lý sống vốn có của dân tộc, dẫn tới tình trạng ngày nay có nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, trở thành nỗi nhục của gia đình và gánh năng cho xã hội.