Chống mê tín dị đoan:

Sao người dân dễ tin chuyện hoang đường?

(Dân trí) - Thỉnh thoảng, dư luận lại một phen “nổi sóng” vì những vụ việc liên quan đến tin đồn về một vị thuốc chữa bách bệnh, một bậc “cao nhân” có khả năng siêu phàm, một cái giếng cho nước thần...

Và dòng người lại chen chúc, đổ xô đến, gây nên những cảnh tượng hỗn loạn khiến chính quyền địa phương một phen “tơi tả”…

 

Đổ xô đi tìm “thần dược”

 

Báo VietNamnet cách đây ít lâu đưa tin: “Một chiếc giếng bình thường cạnh sông Cu Đê (thôn Trường Định xã Hoà Liên, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) bỗng trở thành giếng “thánh” khiến hàng trăm người từ các nơi ùn ùn đổ về lấy nước chữa bệnh!”.

 

Bài báo viết: “Thậm chí, nhiều người tin rằng, nước “thánh” phải lấy vào đúng Ngọ hoặc lúc nửa đêm mới linh nghiệm nên dù đến sớm thì họ vẫn chấp nhận đội nắng ngồi chờ”. Nhiều người dân tranh thủ buôn bán các thứ đồ dùng đựng nước, người ta mua lễ vật, hương hoa, vàng mã bày biện, đốt, cúng vái khắp nơi.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Người dân tứ xứ kéo đến ngày một đông khiến làng quê ồn ào, náo động cả đêm, xuất hiện những hành vi lừa đảo, những kẻ đầu gấu cũng có mặt tại chỗ đó hoạt động…Vì người tranh chấp múc quá đông, nước giếng ngả màu đen như bùn, và xét nghiệm của cơ quan y tế cho biết thứ “nước thánh” ấy đã bị nhiễm phân lâu ngày!

 

Vụ việc nghiêm trọng đến mức chính quyền địa phương phải cắt đường đến khu vực giếng, bịt miệng giếng. Sự kiện “nước thánh” vừa lắng dịu, lại nổi lên chuyện có thai nhờ “đấng bề trên” giúp đỡ. Nhiều thiếu phụ sau khi được uống “nước thánh”, thấy bụng có to lên, nhưng hơn chín tháng vẫn chưa sinh, đi siêu âm (dù “thầy” dặn tuyệt đối không được siêu âm”) thì chỉ thấy một cục đen đen như cục u, có người lại thấy chỉ mỡ và nước.

 

Cách đây chưa lâu, dư luận lại rộ lên việc ăn cóc chữa ung thư. Một số người ăn thấy đỡ, nhưng cũng có những người ăn vào bệnh nặng hơn, dẫn đến tử vong. Trong khi các nhà khoa học khuyến cáo không nên ăn cóc thì phong trào “ăn cóc” vẫn tiếp diễn. Nhiều người khẳng định một cách chắc chắn về tác dụng chữa ung thư của gan, mật cóc, mặc dù không có căn cứ khoa học nào cả.

 

Ở Hưng Nguyên, Nghệ An, nghe tin có vị thầy thuốc đông y có thể chữa bách bệnh, thế là dòng người ùn ùn kéo đến để xin thuốc. Có ngày lên đến cả nghìn người, đến mức vị thầy thuốc chỉ dành thời gian cho một bệnh nhân khoảng…vài giây.

 

Đi tìm nguyên nhân và giải pháp

 

Thứ nhất: những sự việc nói trên là lời cảnh báo về tình trạng mê tín dị đoan đang rất nặng nề trong xã hội chúng ta. Đã có nhiều sự việc tương tự, ban đầu từ những lời đồn thổi, người dân kéo đến rất đông, đến khi cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện ra âm mưu lừa đảo.

 

Gần đây có xu hướng đề cao, tôn sùng đời sống tâm linh. Nhưng không có nghĩa là hướng người dân về phía u mê tăm tối, yếu hèn, tin tưởng mê muội vào những chuyện hoang đường. Đời sống tâm linh tích cực sẽ khiến con người mạnh mẽ, tự tin hơn, xã hội tốt đẹp hơn. Quá dễ dãi tin tưởng vào những chuyện nhảm nhí là một tín hiệu cho thấy “dân trí”, “dân khí” có vấn đề.

 

Thứ hai: sự việc người dân khắp nơi kéo đến xin thuốc từ những thông tin hết sức vu vơ cũng phản ánh thực trạng các cơ sở y tế của chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của người dân.

 

Bên cạnh một số bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo mà y học hiện đại chưa có cách điều trị hữu hiệu cho nên người ta đi tìm thuốc theo kiểu “có bệnh vái tứ phương” cầu may. Cũng có nhiều người bệnh vì nghèo không đủ tiền trang trải viện phí và tiền thuốc men nên đi xin thuốc “thánh” với hi vọng bằng một chi phí thấp nhất cộng với phép màu là có thể lành bệnh.

 

Mặt khác, một số người mắc bệnh thông thường, có đủ tiền để chữa bệnh theo phương pháp của  y học hiện đại nhưng vì mê tín nên vẫn đến xin “thuốc thánh”. Điều này rất đáng để các cấp chính quyền, đoàn thể và ngành y tế suy nghĩ. Chúng ta cần phải có những giải pháp để mọi người dân khi ốm đau đều được chữa bệnh, chăm sóc, nâng cao niềm tin của người dân vào ngành y tế, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng người bệnh nghèo không được chữa trị đúng mức.

 

Ở góc độ xã hội, có người lí giải nguyên nhân của hiện tượng trên một phần xuất phát từ tâm lý đám đông của người Việt. Người Việt có tâm lý “làng đi thì đi theo làng”, “theo phong trào”, ít suy xét trước khi hành động, không dám ứng xử kiểu “đơn thương độc mã”.

 

Vì vậy cần có những giải pháp để nâng cao dân trí, phổ biến tri thức khoa học. Nghiêm trị những kẻ lừa đảo, hành nghề mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cuộc vận động xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chú trọng công tác xã hội từ thiện, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể thôn xóm.                               

 

                        

         Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

 

LTS Dân trí - Niềm tin của con người luốn là “điểm tựa” quan trọng để người ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để đi tới đích mong muốn, nhưng niềm tin không có căn cứ, mang màu sắc mê tín dị đoan, thì có thể dẫn tới những hậu họa khó lường, thậm chí nguy hại đến tính mạng.

 

Nếu mọi người dân được nâng cao tầm hiểu biết và mạng lưới y tế cơ sở hoạt động tốt cũng như công tác tuyên truyền của các ngành văn hóa, truyền thông được đẩy mạnh để phản bác kịp thời những tin đồn nhảm thì chắc chắn đẩy lùi được “tâm lý theo số đông” dễ cả tin vu vơ vào những “thần dược” và “phép màu” chữa bệnh của những “siêu nhân”!