Sao cứ lặp lại những cái chết thương tâm?

Ngày 27/9 vừa qua, tại TPHCM, lại vừa xảy ra một vụ trẻ em bị tử vong do điện rò rỉ từ cột điện. Như vậy là chưa đầy một tháng, ở thành phố này đã xảy ra hai cái chết thương tâm như vậy đối với trẻ em.

Đấy là em Trần Trung Huy, 10 tuổi, học lớp 5 trường tiểu học Lam Sơn quận 6 TP Hồ Chí Minh. Em đá bóng trong hẻm bị va vào cột điện có rò rỉ điện nên bị giật và tử vong.

Cũng trong ngày 27/9, em La Văn Hậu, 11 tuổi, học sinh lớp 4 tại xã Hòa Long thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đã bị điện giât chết vì nắm vào rào kẽm gai bị lọt điện.

Trước đây, các báo ra ngày 22/9 đều đưa tin 2 sự việc đau lòng. Đấy là cái chết thương tâm của 2 học sinh tiểu học vì lý do muôn thuở: thiếu ý thức trách nhiệm của người lớn. Em Nguyễn Bảo Việt (7 tuổi, học sinh lớp 2, TP Kon Tum) trên đường đi học về ngã xuống hố nước sâu đang thi công dang dở và bị chết đuối. Thông tin này cho thấy sự tắc trách của đơn vị thi công đã không che chắn nên mới xảy ra tai nạn.      

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com

Còn em Trương Minh Đoan, học sinh lớp 1A4, Trường tiểu học Châu Hưng, Cà Mau, bị điện giật chết khi đi ngang qua khu vực gần trụ điện. Nguyên nhân được xác định là do cây cột mắc dẫn điện vào nhà bị xiêu, gia đình em Đoan đã dùng dây thép cột vào trụ điện, chằng xuống đất để chống đỡ. Do quá trình sử dụng lâu ngày, dây điện bị bong tróc, truyền điện vào dây thép và dẫn điện xuống đất. Điều đó cho thấy bố mẹ em Đoan đã rất chủ quan và không ý thức được sự nguy hiểm của hiện tượng rò rỉ điện, nhất là vào mùa mưa,  nên mới dùng dây thép cột vào trụ điện.       

Trước đó chưa lâu xảy ra cái chết thương tâm của em Cồ Quốc Duy, học sinh lớp 8 Trường THCS Lý Phong, Q5, TPHCM, do bị rò điện từ cột đèn chiếu sáng của Công ty chiếu sang công cộng. Sau cái chết của em Duy, dư luận xã hội đã lên tiếng mạnh mẽ, gia đình em Duy đã khởi kiện, và đã có 2 vị giám đốc liên quan bị xử lý cách chức, thuyên chuyển công tác. Những tưởng từ nay sẽ không còn những cái chết đau lòng tương tự, thế nhưng, tiếng nói của dư luận chỉ như “đá ném ao bèo”, gây lên được chút sóng rồi thôi, rồi những cái chết thương tâm tương tự vẫn cứ thế tiếp diễn.     

Những cái chết oan uổng của bao nhiêu trẻ em vì điện giật hoặc sa hố sâu ngập nước đang thi công hoặc hố ga không có nắp… cho thấy sự vô tâm và thiếu ý thức trách nhiệm của người lớn, nhất là những người làm những công việc có liên quan ở ngành điện, thi công các công trình trên mặt đường…       

Thiết nghĩ cần có một chiến dịch tuyên truyền giáo dục dưới nhiều thức về vấn đề này. Đừng lầm tưởng rằng ai cũng có thói quen đọc báo, xem ti vi, ai cũng quan tâm những vấn đề thời sự, cũng hiểu biết và cớ ý thức trách nhiệm xây dựng môi trường sống an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. 
 
Phạm Được (Đà Nẵng)

LTS Dân trí - Những cái chết thương tâm của trẻ em do bị điện giật hoặc sa hố thi công dở dang, hay hố ga mất nắp đã được báo chí lên tiếng cảnh báo rất nhiều lần, nhưng tiếc rằng tình trạng đó vẫn diễn ra, lặp đi lặp lại những tình huống tương tự. Chưa đầy một tháng qua, ở TP Hồ Chí Minh đã xảy ra hai vụ trẻ em bị điện giật chết đều do cùng nguyên nhân: điện bị rò rỉ từ cột điện.

Điều đó cho thấy những người có trách quản lý ngành điện cũng như ngành giao thông một số địa phương chưa nghiêm túc rút kinh nghiệm, vẫn để xảy ra tình trạng rò rỉ điện từ cột điện hoặc những đường dây tải điện; vẫn còn để tồn tại những hố thi công dở dang mà thiếu sự che chắn cần thiết, hoặc những hố ga mất nắp trên đường đi, gây nguy hiểm cho mọi người, nhất là trẻ em.

Trách nhiệm dẫn tới những cái chết thương tâm vì những nguyên nhân nói trên cần được điều tra và xác định rõ ràng danh tính của người gây ra để xử lý nghiêm minh, làm gương cho những người tiếp tục công việc này, không để tái diễn những sự cố đáng tiếc và thương tâm như vậy.