Quan tâm nhiều hơn đến cách ứng xử của thầy với trò

Nhà trường là nơi giáo dục toàn diện cho học sinh. Người thầy giáo có vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức cũng như định hướng, bồi dưỡng và hình thành nhân cách cho các em.

Vì thế, cách ứng xử của giáo viên đối với mỗi hành vi của học sinh là điều không thể xem thường.

Thực tế hiện nay, trong nhà trường, việc học sinh vi phạm đạo đức là khó tránh khỏi. Trước tình hình đó, nhiều thầy cô, vì một lý do nào đó, đã có những hành động rất phản cảm, đáng chê trách. Sau đây là những câu chuyện có thực, xảy ra trong trường học, mà người viết bài này tận mắt chứng kiến, hoặc đã đọc được trên báo chí. Xin kể ra để mọi người cùng suy ngẫm.

1.Ở một trường THCS nọ, có học sinh thường gây mất trật tự trong giờ học, cụ thể là hay nói chuyện, không làm bài tập, phát ngôn bừa bãi .Kết quả , lớp phải nhận những giờ học loại B, C... Vì quá lo lắng cho thành tích của lớp, mà cô giáo chủ nhiệm, thay vì gặp gỡ, nhắc nhở, động viên, hay có thể liên lạc với gia đình, nhà trường tìm biện pháp giáo dục, cô giáo đã bắt em học sinh đó đứng trước lớp và buộc em phải tự tay tát vào mặt mình liên tục cho đến lúc mặt mũi sưng vù mới thôi.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Cách làm của cô giáo như trên là không thể chấp nhận được vì bất cứ lý do gì. Hậu quả em đã phải bỏ học vì bị xúc phạm danh dự, vì xấu hổ với bạn bè, đặc biệt em đã mất niềm tin với mọi người. Và vô hình chung, cô giáo cũng đã vi phạm đạo đức nhà giáo, một trong 4 nội dung mà Bộ GD-ĐT đã triển khai trong cuộc vận động "Hai không" trong toàn ngành.

2. Có chuyện, học sinh ngày nay thường hay bắt chước cách ăn mặc của các diễn viên Hàn Quốc: Tóc nhuộm vàng choé, tai bấm lỗ, áo quần "bụi bặm"... Và mặc nhiên, những thứ này theo các em đến trường. Vậy là vị hiệu trưởng lại có việc để làm. Đầu tiên, những em này phải tập trung thành hàng ngang, trước sự chứng kiến của hàng ngàn học sinh toàn trường. Thầy tự tay cầm kéo cắt nham nhở những đầu tóc mới nhuộm, xé toạc những chiếc quần nhiều túi mới mua từ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ. Nếu em nào "Lỡ dại" mà phản ứng, ngay lập tức bị "ăn" tát liền.Việc làm này hết sức phản giáo dục, gây nhiều hậu quả xấu. Và dưới con mắt học trò, thầy giáo là những vị "Bạo chúa" đáng sợ hơn là đáng kính (?!)

3. Vừa qua, báo chí đưa tin về việc một trường THPT ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đưa ra những quy định hết sức "Duy ý chí" .Đó là  nhà trường buộc học sinh phải mặc đồng phục khi đến trường. Sẽ không có gì đáng nói, nếu như không có chuyện, có những ngày nhiệt độ dưới 15 độ C, những nữ học sinh phong phanh trong bộ trang phục áo dài mỏng manh. Chưa nói đến việc các em sẽ không còn tâm trí đâu mà tiếp thu kiến thức, trong khi người run cầm cập vì lạnh, mà có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ. Tại sao BGH nhà trường không linh động trong việc này? Có thể cho các em mặc thêm áo khoác ngoài chẳng hạn... Các thầy cô không cảm xúc gì trước khuôn mặt tím tái của học sinh sao(?)

Có người cho rằng, phải làm "mạnh tay" như thế, may ra học sinh mới sợ mà chấp hành tốt nội quy của nhà trường đề ra. Nhưng họ đã quên rằng, lứa tuổi 15-16 tâm sinh lý chưa ổn định. Các em luôn cho mình là "người lớn", luôn muốn khẳng định mình. Nhưng đây cũng là lứa tuổi rất dễ bị tổn thương. Nếu thần kinh bị ức chế quá, sẽ làm nảy sinh những tư tưởng tiêu cực và đây là nguyên nhân cơ bản nhất, dẫn đến những hậu quả đau lòng mà báo chí đã nêu. Có những trường hợp do cảm giác bị cô giáo "trù dập" đã tìm đến cái chết và xem đó là sự giải thoát cho mình. Đây là lời cảnh tỉnh không chỉ cho riêng ai, và nhất là đối với giáo viên - Người hằng ngày vẫn gần gũi với các em học sinh.

Nên chăng, đã đến lúc các thầy cô giáo nên có cái nhìn độ lượng hơn trong cách ứng xử với những học trò của mình. Làm sao vừa động viên, khuyến khích những thành công của các em, vừa uốn nắn những hành vi chưa đúng, giúp các em nhận ra những lỗi của mình và có hướng khắc phục, không chỉ bằng mệnh lệnh cứng nhắc, mà còn bằng những tình cảm yêu thương chân thành, sự cởi mở chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.

Đinh Xuân Tiễn

LTS Dân trí - Lại một năm học mới bắt đầu. Biết bao thầy cô giáo và các em học sinh được trở về với mái trường thân yêu của mình. Cuộc đời học sinh là những năm tháng để lại những kỷ niệm đẹp nhất trong đời người. Từ đấy, các em học được biết bao điều mới mẻ, cảm nhận được rõ rệt nhất tình nghĩa và công ơn dạy dỗ của các thầy cô.

Đừng bao giờ để những tình cảm thiêng liêng ấy bị thương tổn. Đấy cũng là trách nhiệm cao cả của các thầy cô làm nhiệm vụ “trồng người”.

Các thầy cô là người hiểu rõ hơn ai hết về tâm lý và phương pháp giáo dục thích hợp đối với những học sinh “cá biệt”. Hiệu quả giáo dục đối với những học sinh này phụ thuộc rất nhiều vào sức cảm hóa và vai trò gương mẫu của Người Thầy. Nên hết sức tránh những biện pháp giáo dục thô bạo, nhất là dùng bạo lực đối với học trò của mình.

Năm học mới mở ra với nhiều hy vọng vào tấm lòng độ lượng cũng như ý thức trách nhiệm của các thầy cô dành cho học sinh thương yêu của mình.