Qua mùa mưa lũ, thầy có thể dạy trò nhiều điều bổ ích

(Dân trí) - Ngành giáo dục đang khởi xướng phương pháp “giáo dục tích hợp”.Trong mùa thiên tai, thiết nghĩ có thể tích hợp giáo dục nhiều điều bổ ích cho các em học sinh.

Trong mùa mưa lũ, nhà trường và ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề, cuộc sống của HS bị đảo lộn. Đây là dịp để GV (giáo viên) giúp HS khắc sâu kiến thức về nguyên nhân, hậu quả của thiên tai, cũng như các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả.           

Dĩ nhiên, những bài học này đã có trong chương trình, nhưng trong mùa mưa lũ, các em sẽ có điều kiện liên hệ với thực tiễn, với tất cả sự phong phú, sinh động của nó. Sau này lớn lên, chính các em là chủ nhân của đất nước, các em sẽ có những hành động để bảo vệ thiên nhiên, phòng chống thiên tai.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nguyên nhân của thiên tai ngày càng dữ dội là do biến đổi khí hậu, mà nguyên nhân của biến đổi khí hậu là do con người giữ vai trò tác nhân chính yếu. Các ngành công nghiệp làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm tăng hiệu ứng nhà kính, Trái Đất ngày càng nóng lên. Hàng loạt cánh rừng nguyên sinh bị huỷ diệt khiến cho rừng không còn khả năng giữ nước, điều tiết lũ. Các công trình dân dụng đang bồi lấp dần các con sông, kênh mương, làm quá trình thoát nước bị ngăn cản, gây ngập lụt. Hạn hán ngày càng khốc liệt, và mưa lũ cũng ngày càng dữ dội.

Sự phát triển thiếu kiểm soát của thuỷ điện cũng là nguyên nhân tạo ra hiểm hoạ lũ lụt. Việc xây dựng các nhà máy thuỷ điện đã huỷ hoại rất nhiều rừng, các con đập thuỷ điện là những túi “bom nước”, và việc xả lũ vào lúc mưa lớn nhiều ngày càng làm cho lũ lụt thêm khủng khiếp.

Những kiến thức đó không phải ở đâu xa lạ, mà HS có thể chứng kiến, kiểm chứng trong thực tiễn. Từng đoàn xe gỗ chạy rầm rập trên quốc lộ, sự giàu có quá mức của những đầu nậu gỗ, lâm tặc, những nhà máy xả ra sông những dòng nước đen ngòm hay những ống khói nhà máy phun khói đen mù mịt lên trời…

Những dòng sông cạn khô, chết dần, những loài động vật trước đây rất nhiều nay đã được đưa vào sách đỏ…Rồi phong trào săn hổ nấu cao, diệt gấu lấy mật, những nhà hàng đặc sản thịt thú rừng mọc lên nhản nhản. Sự ra đời của một đội quân săn bắt thú rừng theo kiểu tận diệt tàn khốc như dùng thuốc chuột để diệt cả đàn khỉ.

Mối liên hệ giữa huỷ diệt môi trường và chất lượng sống tưởng chừng xa vời, không ngờ lại quá gần trong thực tiễn. Tính ích kỉ, lòng tham, tầm nhìn thiển cận, thiếu thân thiện với thiên nhiên, lối sống hưởng thụ theo kiểu trọc phú là nguyên nhân gây ra thảm hoạ. Chính con người đã làm thiên nhiên nổi giận.           

Về phương diện chính trị - đạo đức, những hành động của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong cơn hoạn nạn là bài học sâu sắc cho HS về tinh thần trách nhiệm, tình cảm nhân ái, nghĩa hiệp, đạo lí thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách của dân tộc. Qua những câu chuyện, những tình huống cụ thể, sinh động, GV nên khơi gợi cho HS suy nghĩ, thảo luận, từ đó khắc sâu nhận thức, bồi dưỡng về tình cảm cho các em.

Qua đợt thiên tai, HS sẽ học được rất nhiều điều về kĩ năng sống. Trước hết là kĩ năng bơi lội, vốn là ưu thế nổi trội của một dân tộc nhiều sông nước như Việt Nam, nhưng ngày nay đang dần mai một do lối sống hiện đại.

Ngoài ra, đây là dịp để người dân học tập những kinh nghiệm chống thiên tai của cha ông, đồng thời sáng tạo ra nhiều phương pháp, cách thức mới. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học suy nghĩ, tìm tòi các giải pháp chống thiên tai, hay giúp người dân sống chung với thiên tai.

Danh ngôn có câu: “Mọi lí thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi” (Goethe), trong thiên tai, bão lũ, vô số kinh nghiệm, mẹo mực, sáng kiến được người dân vận dụng, đã tạo ra hiệu quả bất ngờ. Từ cây chuối, chiếc can nhựa và vài tấm ván có thể kết thành chiếc bè cứu được cả gia đình, nếu thêm tấm bạt nữa đã thành cái nhà di động. Từ kinh nghiệm đơn giản như bịt miệng giếng để có nước sạch dùng sau lũ, dùng chiếc chậu nhôm làm bếp nấu ăn hay cách làm bè rau muống cho đến những phương tiện hiện đại như hố xí tự hoại nổi…Ưu thế của người Việt là thông minh, giỏi ứng biến, giàu sức sáng tạo, trong cái khó ló cái khôn.      

Tuy nhiên về lâu dài, trong hoàn cảnh thiên tai ngày càng khốc liệt, nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ, có sự đầu tư ở tầm chiến lược.

Khắc sâu những điều ấy, HS sẽ có ý thức sâu sắc về trách nhiệm, tính cấp thiết của hành động bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng khát vọng học tập, chiếm lĩnh tri thức để xây dựng đất nước.

                                      Trần Quang Đại

                                          (Hà Tĩnh)

 

LTS Dân trí -Tác giả bài viết nói trên đề xuất một ý tưởng mới về nội dung “giáo dục tích hợp” qua mùa mưa lũ, một thiên tai nặng nề mà đa số người dân ở Miền Trung vừa phải trải qua.

Châm ngôn có câu “trăm nghe không bằng một thấy”. Qua thiên tai nặng nề diễn ra qua mùa mưa lũ vừa xảy ra, các em học sinh ở Miền Trung được nhìn tận mắt nhiều điều. Chỉ cần thầy giáo phân tích cho các em hiểu sâu vê những nguyên nhân sâu xa gây ra tai họa thảm khốc đó là do chính con người can thiệp thô bạo vào sự cân bằng vốn có của hệ sinh thái thiên nhiên gây ra sự hủy hoại nặng nề đối với môi trường sống. Đấy là bài học thật sâu sắc về nội dung giáo dục môi trường. Rồi nhiều bài học khác mà nội dung bài viết trên đây đã nêu ra.

Các cấp quản lý giáo dục nên quan tâm xem xét đề xuất này để có thêm nội dung “giáo dung tích hợp” có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng như nâng cao tinh thần tương thân tương ái khi gặp hoạn nạn.