Phương tiện vào đường cấm Vành đai 3 trên cao: Giảm ùn tắc sẽ bớt vi phạm

PV

(Dân trí) - "Tôi ủng hộ xử phạt mạnh tay, nhưng nên đồng thời có phương án điều phối giao thông phù hợp. Khi đường đã thông, tôi tin không ai dại mà đi vào làn khẩn cấp".

Ghi nhận của phóng viên Dân trí trong khoảng 2 giờ đồng hồ chiều 26/12, Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) xử phạt hàng chục trường hợp ô tô đi vào làn khẩn cấp hoặc xe máy đi vào đường Vành đai 3 trên cao Hàng loạt tài xế bị mất tiền, tước bằng vì dính lỗi đi vào đường cấm.

Không riêng chiều 26/12, đây là vấn đề thường xuyên xảy ra trên đường Vành đai 3 trên cao, đặc biệt vào khung giờ cao điểm hoặc lúc xảy ra tắc đường. Khi đó, nhiều ô tô lợi dụng đoạn đường không có camera giám sát để chạy vào làn khẩn cấp. Tới đoạn có camera hoặc lực lượng chức năng kiểm soát, các tài xế thường "tạt đầu", chèn ép các phương tiện khác để quay lại làn di chuyển của mình. Không ít trường hợp xung đột, va chạm đã xảy ra vì những hành động này.

Phương tiện vào đường cấm Vành đai 3 trên cao: Giảm ùn tắc sẽ bớt vi phạm - 1

Ngoài ô tô vi phạm, nhiều trường hợp xe máy cố tình đi lên đường cấm Vành đai 3 trên cao (Ảnh: Trần Thanh).

Nguy hiểm hơn, nhiều người lái xe máy cũng bất chấp sự an toàn, chạy xe lên đường trên cao (cấm xe máy) để tránh tắc đường. Hôm 22/12 vừa qua, một vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khi anh T. (36 tuổi, quê Bắc Giang) chạy xe máy lên đường Vành đai 3 trên cao và va chạm với một sơ mi rơ moóc bị hỏng đỗ ven đường. Hậu quả, tài xế xe máy tử vong tại chỗ.

Trước sự nguy hiểm của những hành vi trên, nhiều độc giả ủng hộ việc CSGT quyết liệt, mạnh tay xử lý các trường hợp đi vào đường cấm đoạn Vành đai 3 trên cao.

Bình luận dưới bài viết của Dân trí, chủ tài khoản Mnio bày tỏ sự bức xúc: "Không thanh minh, phân trần. Phải phạt thật nặng mới sợ. Tôi đi Vành đai 3 không bao giờ không gặp ô tô chạy vào làn khẩn cấp. Đừng trông chờ vào ý thức, và cũng đừng ra quân vài hôm rồi lại đâu hoàn đấy".

"Sẽ có nhiều lý do mà những người này đưa ra để biện hộ cho hành vi vi phạm của mình. CSGT chỉ cần xử lý thật nghiêm là khắc tình trạng này sẽ giảm", người dùng có nickname TenMienNgon bình luận.

Cũng ủng hộ giải quyết mạnh tay thực trạng nêu trên, độc giả Le Binh viết: "Nên thường xuyên ra quân xử lý các trường hợp vi phạm, xử lý thật nghiêm. Đây là những trường hợp cố tình vi phạm, nhất là các trường hợp xe máy đi vào đường cấm rất nguy hiểm cho họ và các phương tiện khác. Vấn đề xảy ra nhiều vào giờ cao điểm sáng".

"Nhiệt liệt ủng hộ lực lượng CSGT, mong chiến dịch diễn ra liên tục để chấn chỉnh việc vi phạm trên đường Vành đai 3. Mong cơ quan chức năng tăng mức hình phạt lên cao nữa giống như nồng độ cồn để họ biết sợ. Những trường hợp thanh minh, kêu chưa hiểu rõ luật thì cần xem xét các yếu tố như: Thứ nhất, họ có bị mắt kém không, có biết chữ không, vì khi cố tình đi lên đường đó thì ngay đầu đường có biển báo to, rõ, ghi rất cụ thể sao không đọc và Thứ hai, nếu không biết chữ thì cần xem xét lại việc cấp bằng lái xe cho họ, xem có vấn đề tiêu cực trong cấp bằng không?", độc giả Phương Hải bình luận hóm hỉnh.

Phương tiện vào đường cấm Vành đai 3 trên cao: Giảm ùn tắc sẽ bớt vi phạm - 2

Theo ghi nhận của PV, trong khoảng 2 giờ đồng hồ, cảnh sát đã phát hiện và xử lý hàng loạt trường hợp đi xe máy lên đường Vành đai 3 trên cao, ô tô đi vào làn khẩn cấp của tuyến đường này (ảnh: Trần Thanh).

"Ủng hộ CSGT xử phạt đúng quy định, không khoan nhượng bất cứ ai, lý do gì. Bao nhiêu tai nạn xảy ra chết người lúc đó phân bua làm sao, chắc nói tại hên xui", "Mong làm mạnh, làm thật, lâu dài", "Rất nhiều xe khách và xe biển xanh đi vào làn khẩn cấp, vậy phải làm thường xuyên, không có kiểu chiến dịch"... nhiều độc giả bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ lực lượng CSGT.

Cũng ủng hộ việc cơ quan chức năng mạnh tay xử phạt, song theo độc giả Mai Trang, việc áp dụng chế tài cần đi kèm biện pháp giải quyết bởi thực tế cho thấy đoạn đường này thường xuyên quá tải, liên tục ùn tắc. Cơ quan chức năng nếu có biện pháp hạn chế tắc đường thì sẽ giải quyết được thực trạng các phương tiện vi phạm, đi vào đường cấm như trên.

"Đã là vi phạm phải xử lý nghiêm! Tuy nhiên, với thực trạng Vành đai 3 quá tải thường xuyên, liên tục ùn tắc, phải chủ động xem xét, nghiên cứu thực tế tổ chức thực hiện giao thông sao cho hợp lý và cần có các giải pháp cụ thể để giải quyết triệt để vấn đề trên", chị bình luận.

Tương tự, độc giả Hoàng Linh viết: "Vành đai 3 thường xuyên quá tải, việc phương tiện chạy vào làn khẩn cấp ở đường trên cao không phải trường hợp hiếm. Cá biệt, những dịp lễ tết hoặc những ngày có mật độ phương tiện cao (8/3, 20/10, 24/12...), không chỉ làn di chuyển thông thường mà làn khẩn cấp cũng kẹt cứng. Khi đó, nhỡ có vấn đề gì xảy ra, xe cứu hỏa hay xe cứu thương làm sao có thể tiếp ứng kịp thời?.

Tôi ủng hộ xử phạt mạnh tay, nhưng đó chỉ là giải pháp phần ngọn. Về phần gốc, nên có phương án điều phối giao thông phù hợp, quy định thời gian lưu thông cụ thể đối với các phương tiện để giảm tải tắc đường. Khi đường đã thông, tôi tin không ai dại mà đi vào làn khẩn cấp hết cả".

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định "Đường cao tốc" là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.

Đối với đường Vành đai 3 trên cao đoạn từ cầu Thanh Trì đến cầu Thăng Long, đoạn đường có ký hiệu CT.20 còn tại đầu đường và các điểm nhập làn có biển báo số IE.452 theo Quy chuẩn quốc gia số 41/2019/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Biển này có tác dụng chỉ dẫn bắt đầu đường cao tốc, có tên đường, chữ Expressway (đường cao tốc) và tốc độ di chuyển cho phép. Do đó, Vành đai 3 trên cao có thể được coi là đường cao tốc, đối chiếu các quy định của pháp luật.

Theo khoản 5, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người điều khiển ô tô điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc sẽ bị áp dụng mức phạt tiền 4-6 triệu đồng cùng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Đối với xe máy, theo điểm b, khoản 6, Điều 6 Nghị định này, mức phạt đối với hành vi điều khiển xe đi vào đường cao tốc (trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) là phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.

Hoàng Diệu