Phòng ôn thi trở thành…“Thiên đường tình ái”!

(Dân trí) - Lê Văn Đ cho biết: Em thuê phòng trọ cùng với hai bạn, không ngờ hai bạn đó đều có người yêu cũng vào đây ôn thi, thế là cái phòng chung của ba đứa trở thành “Thiên đường tình ái” của hai cặp đó, còn em…

Kỳ thi đại học đang đến rất gần và việc học sinh từ các tỉnh lẻ đổ về các thành phố lớn để dự các lớp ôn thi cấp tốc rất nhiều. Thành phố Huế cũng là một trong những nơi tập trung rất đông học sinh từ các tỉnh miền trung như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…
 
Bên cạnh những học sinh đi ôn thi với mục đích hệ thống hóa kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài, thì cũng có một lượng không ít học sinh đi ôn thi chỉ là đi cho vui, cho có phong trào, và điều quan trọng nữa là không bị ba mẹ kiểm soát, nhắc nhở hằng ngày.
 
Chính điều đó đã tạo điều kiện cho những học sinh này ngày càng sao nhãng việc học hành do không bị ba mẹ nhắc nhở lại không có gì vướng bận công việc phụ gia đình; còn thật ra đối với chúng chỉ cần đỗ tốt nghiệp THPT  là tốt rồi, chứ đâu có dám hy vọng đỗ  Đại học - chuyện đó là xa vời và viển vông.
 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Nhưng có dịp lên thành phố lấy cớ là ôn thi thì sao lại bỏ lỡ cơ hội đi để biết đó biết đây, lại là dịp để đàn đúm bạn bè, nhất là những cặp đã bén mùi yêu đương từ những năm học cuối cấp.

 

Tôi đã chứng kiến tận mắt khá nhiều những cặp đôi thuê phòng sống chung với nhau. Lê Văn Đ một học sinh ở Quảng Bình vào Huế ôn ở với 2 người bạn cùng quê cho biết: em vào ôn thi khối A, hai bạn M và K cũng ôn khối A như em.
 
Từ ngoài quê vào bọn em được một người quen tìm giúp chỗ trọ, lần đầu xa nhà, lại không có nhiều tiền nên bọn em cùng nhau thuê 1 phòng ở cho đỡ tốn kém, nhưng không ngờ người yêu 2 đứa đó cũng vào Huế ôn thi, thế là cái phòng chung của 3 đứa trở thành “Thiên đường tính ái” của 2 thằng bạn, còn em thì phải đi ngủ nhờ phòng của những người bên cạnh.
 
Ngày cũng như đêm 2 đứa nó cứ dính lấy người yêu chẳng chịu học hành gì cả, không những nó mà em cũng chẳng thể học được vì quá ồn ào. Kỳ thi thì ngày một đến gần mà cứ cái đà này chắc em chẳng có chữ nào trong đầu...

 

Bên cạnh phòng của Đ còn có phòng của 2 học sinh nữa cũng vào ôn thi, suốt ngày chỉ đi chơi: họ cố gắng tận dụng cơ hội để đi du lịch vì theo họ thì đây là cơ hội ngàn vàng: hết đi chùa Linh Mụ lại đi Đại Nội Huế rồi lại đi công viên… Họ “bận” tới mức vào Huế đã nửa tháng mà chẳng biết Trung tâm luyện thi ở đâu. 

 

Điều kỳ lạ là phòng này lại ở một cặp nam nữ. Lần đầu thấy, tôi cứ tưởng là các anh chị học Đại học năm thứ ba, năm thứ tư gì đó. Vì hiện nay tình trạng sống thử trong giới sinh viên ngày càng phổ biến, nhưng không ngờ nó lại thâm nhập vào cả những học sinh chỉ vừa tốt  nghiệp THPT và đang chuẩn bị thi Đại học thế này...
 
Không biết ba mẹ các bạn ở quê có biết con mình đang làm gì ở thành phố không mà đặt vào họ biết bao kì vọng, còn họ thì chỉ biết tiêu sài tiền bạc, công sức của ba mẹ; vào thành phố đâu phải để ôn thi mà để có dịp ăn chơi và nếm trải chuyện yêu đương mùi mẫn. Như vậy chẳng phải là sự “đổi đời” đó sao, cần gì phải khổ luyện và hy vọng viển vông vào chuyện đỗ đại học!?
 
Chỉ khổ các ông bố bà mẹ ở quê đặt biết bao hy vọng vào con cái.
 

le.oanh.dhkh@gmail.com

 
LTS Dân trí - Đổ xô về các thành phố lớn để ôn thi “nước rút” trong nhưng ngày cuối cùng trước khi bước vào kỳ thi đại học hầu như là con đường lựa chọn của rất nhiều học sinh các tỉnh lẻ. Nhưng không phải ai về thành phố cũng với mục đích tối hậu là tìm được các “lò luyện thi” đáng tin cậy để ôn thi cho tốt, mà còn không ít người đua theo bạn bè đi để biết đó biết đây và có cơ hội chơi bời tự do, nhất là những cặp “uyên ương” có dịp “sống thử” cùng nhau như bài viết trên đây phản ánh.

 

Đấy là chuyện có thật đã từng xảy ra ở nhiều nơi mà các ông bố bà mẹ ở các vùng nông thôn chưa lường hết và chưa cảnh giác để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bỏ ra một món tiền khá lớn để cho con lên thành phố ôn tập. Nhiều khi kết quả chẳng thấy đâu, còn chuốc thêm thói hư tật xấu và hậu họa khó lường đối với con mình, nhất là con gái dễ nhẹ dạ “nghe theo tiếng gọi của tình yêu”.