Phê chuẩn Công ước chống tham nhũng, có tạo nên bước đột phá?

Ngày 30/6/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tham nhũng. Việc phê chuẩn chứng tỏ với thế giới quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Quốc hội nói:

Có thể nói, đó là sự đột phá về hợp tác quốc tế trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tham gia Công ước, chúng ta sẽ có sự hỗ trợ đắc lực của các nước khác trong việc phòng chống tham nhũng.

Các vấn đề liên quan đến tham nhũng không chỉ được giải quyết ở phạm vi nội bộ của Việt Nam mà có sự thông thương với quốc tế. Nhất là các tội phạm kinh tế lớn, liên quan đến nhiều nước và vùng lãnh thổ.

Ngay trước mắt là cuối năm nay, sẽ có cuộc Hội thảo chuyên đề về “Tăng cường hoạt động giám sát để đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả” giữa ba nước Singgapo - Việt Nam - Nhật Bản. Nếu chưa có sự phê chuẩn công ước này thì chưa chắc đã có Hội thảo đó.

Tại sao ta lại mở màn bằng cuộc hội thảo giữa ba nước này mà không phải với các quốc gia khác, thưa ông?

Singgapo là một trong số 4 nước có tội phạm tham nhũng thấp nhất trên Thế giới, còn Nhật Bản là nước đứng đầu trong việc đầu tư vào Việt Nam.

Một thách thức lớn

Tất nhiên về cơ bản, việc tham gia Công ước sẽ có nhiều thuận lợi trong phòng chống tham nhũng, nhưng mỗi nước đều có những đặc thù riêng, nghĩa là có những thuận lợi và khó khăn riêng.Vậy theo ông, ở Việt Nam khó khăn sẽ là những vấn đề gì?

Khi tham gia Công ước, bắt buộc mỗi nước phải "nội lực hoá" để cho cơ chế, chính sách phù hợp với quốc tế, tức là phải có bước chuyển lớn trong cơ chế chính sách.

Chúng ta phải điều chỉnh theo quy ước quốc tế nhưng khó khăn đầu tiên là xuất phát điểm của chúng ta thấp so với họ. Do vậy chúng ta phải chạy, phải đốt cháy giai đoạn để đuổi theo việc sửa đổi luật cho phù hợp với Công ước, việc đó đối với chúng ta bây giờ là một thách thức.

Vì sao lại “là một thách thức”, thưa ông?

Thứ nhất là chi phí cho các hoạt động phòng chống tham nhũng, thay đổi cơ sở hạ tầng theo Công ước rất là tốn kém. Thứ hai quy chế cung cấp thông tin theo quy định của Công ước là hàng năm, phải thông tin bằng văn bản về tình hình tham nhũng ở mỗi nước. Có thể chúng ta sẽ bị quốc tế nghi ngờ rằng có sự bao che, sự “giấu nhẹm”... khi đưa ra các văn bản "trống" về vấn đề tham nhũng.

Chậm phê chuẩn là do quy trình thủ tục

Thưa, Công ước của LHQ về chống tham nhũng được Việt Nam ký từ 2003 nhưng phải sau 6 năm chúng ta mới phê chuẩn Công ước này. Tại sao vậy?

Về nguyên tắc, thủ tục kí kết các công ước quốc tế khá phức tạp. Chúng có 3 cấp độ: Cấp độ 1 là do QH phê chuẩn, cấp độ 2 là do Chủ tịch nước phê chuẩn, cấp độ 3 là do Chính phủ phê duyệt.

Công ước quốc tế về chống tham nhũng theo dự kiến ban đầu ở dạng văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ phê duyệt. Nhưng do có một số điều khoản của Công ước có liên quan đến thẩm quyền của QH.

Tức là có một số điều trái với Luật pháp hiện hành của Việt Nam. Nếu chúng ta tuân thủ đúng quy định quốc tế  đó thì bắt buộc chúng ta phải sửa luật cho phù hợp.

Do có sự phức tạp đó nên phải xin ý kiến của QH,  phải được QH đồng ý. Như vậy việc chậm phê chuẩn đơn thuần là do quy trình kí kết chứ không có nguyên nhân nào khác.

Còn việc không chịu sự ràng buộc và áp dụng trực tiếp đối với một số điều, ví dụ như việc hình sự hoá làm giàu bất hợp pháp. Ông giải thích như thế nào?

Trong các điều luật quốc tế có những điều ước mang tính tùy nghi. Tức là có một số vấn đề chưa phù hợp với tình hình cụ thể  của các nước tham gia thì những nước này được quyền không thực hiện và điều luật này là một trong số đó.

Trước đây, chúng ta khá nghiêm khắc nên  thường "hình sự hoá" đối với một số tội danh. Vừa rồi trong quá trình sửa đổi Luật  Phòng chống tham nhũng, chúng ta đã “hạ chuẩn”, tức là bỏ hình sự hoá một số tội danh.

Từ đó, quốc tế đã đánh giá chúng ta là dân chủ, nhân văn. Tất nhiên, có thể điều đó cũng là một nguy hiểm vì không cẩn thận sẽ cho hiệu quả ngược lại.

Kinh nghiệm cho thấy, những kẻ tham nhũng sợ bị đánh vào tài chính còn hơn cả bị đi tù. Vậy, để ngăn chặn tham nhũng, có thể sử dụng ngay con bài tài chính?

Đây là kiểu “lạt mềm buộc chặt”. Hiện không chỉ ở ta mà nhiều nước đang có một quan niệm sống kiểu tôi sẵn sàng đi tù còn tài sản con tôi được hưởng hết.

Vì vậy, để ngăn chặn thì nên đặt vấn đề ngược lại, tôi không bỏ tù anh nhưng tôi thu hết tài sản của anh, anh trắng tay. Như vậy thì anh tham nhũng làm gì nếu cuối cùng tiền, tài sản của anh sẽ bị tịch thu hết, mất hết.

Cần phải vén “tấm màn bí mật”

Góp ý cho dự án Luật Tiếp cận thông tin, ông cho rằng để chống tham nhũng có hiệu quả, cần hạn chế thông tin mật. Phải chăng “thông tin mật” là kẽ hở của  cơ chế để kẻ tham nhũng lợi dụng?

Tham nhũng ở ta chưa giảm vì chúng ta chưa tìm ra những kẻ phạm tội để xử lý thoả đáng. Vấn đề nguy hại là không bao che nhưng chúng ta đang có xu hướng... “bất lực”!

Theo đánh giá của tôi thì việc đóng dấu mật tràn lan hiện nay tại các cơ quan công quyền là một hình thức che đậy tham nhũng, là hình thức “lấp liếm” rất nguy hiểm.

Sắp tới chúng tôi sẽ có hội thảo trao đổi về quyền tiếp cận thông tin, nghĩa là làm sao để có thể vén "tấm màn bí mật", tôi sẽ nhấn mạnh việc đó.

Có dư luận cho rằng: việc phòng chống tham nhũng của chúng ta đang chùng xuống. Ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Đúng là gần đây có rất nhiều đánh giá là nó đang chùng xuống. Nhưng vấn đề là việc xử lý tham nhũng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật phải có những chứng cứ rõ ràng chứ không thể nói suông.

Có tội đến đâu xử lý đến đó. Báo chí có rất nhiều công trong việc phát hiện tham nhũng nhưng việc xử lý thì phải có trình tự và chứng cứ phải thuyết phục.

Ví dụ: Ở một công trình, dư luận nói tham nhũng rất lớn. Nếu thất thoát lớn thì chắc chắn chất lượng công trình sẽ kém nhưng khi kiểm tra, các nhà đầu tư đều cho kết luận công trình làm đúng kĩ thuật. Như vậy thì chưa thể đủ chứng cứ để có thể xử lý được.

Vấn đề chống tham nhũng là cực kì khó vì tham nhũng như một tấm màn bí mật, kín đáo chứ không phô trương rõ ràng. Ví dụ người đưa hối lộ, để được việc, họ không “hé răng” hay có tư tưởng đi tố cáo.

Người nhận hối lộ thì chắc chắn không bao giờ "vạch áo cho người xem lưng". Việc điều tra rất quyết liệt nhưng vấn đề là không tìm thấy đầy đủ chứng cứ buộc tội nên đành phải chịu. Đó là một thực tế.

Cần triển khai nhanh chóng và quyết liệt

Ngày xưa, Vua Minh Mạng có một triết lý chống tham nhũng rất hay là “phải từ nóc”...?

Đó là điều khá đau đầu đối với các nhà lãnh đạo. Theo tôi, các vị ấy rất quan tâm đến vấn đề này nhưng việc phát hiện, đấu tranh xử lý những người có vị trí cao hơi khó vì chưa có bằng chứng xác định người đó tham nhũng.

Có ý kiến cho rằng chúng ta mới xử lý mấy ông "tép riu" thôi nhưng thực tế cho đến nay, cấp cao hơn thứ trưởng vẫn chưa tìm ra chứng cứ để buộc tội một ai cả.

Thế nhưng thực tế cho thấy, việc tham nhũng tai hại nhất, “ăn” bẫm nhất có khi lại là cái anh cấp thấp. Chúng ta chỉ quy kết người trên cao mà quên rằng những kẻ ở dưới, trực tiếp tham gia vào việc tham nhũng mới là kẻ “rút tiền”.

Nếu việc tham nhũng có tổ chức, mang tính tập thể thì sẽ có "chia chác" trên dưới nhưng vấn đề là nếu tham nhũng từ kẻ dưới trực tiếp làm việc đó thì chưa chắc người ở cấp cao đã được gì.

Nghĩa là chúng ta cần đặt vấn đề ngược lại? Từ dưới lên trên?

Đúng thế. Trong tham nhũng quan hệ trực tiếp là rõ nhất, còn làm việc kiểu từ trên chỉ đạo thì ít. Những kẻ trực tiếp thì luôn đặt vấn đề lợi ích sát sườn của họ lên trên hết và tham nhũng chưa giảm cũng từ đó.

Trở lại với việc phê chuẩn Công ước. Nếu có điều gì đó băn khoăn, ông sẽ nói gì?

Chúng ta đã kí kết nhiều công ước quốc tế nhưng có tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, kí xong bỏ đó. Tôi mong việc phê chuẩn Công ước này không dẫm vào “vết xe đổ” đó.

Chúng ta cần phải triển khai ngay lập tức, nhanh chóng và quyết liệt. Và phải làm đến đầu, đến đũa, không phụ lòng mong mỏi của nhân dân và cũng để chứng tỏ cho thế giới thấy quyết tâm của chúng ta trong công cuộc đầy cam go này.

Xin cám ơn ông!

Hà Vân (thực hiện)