Bạn đọc viết:

“Phát sốt” vì tắc đường

(Dân trí) - Tôi thực sự muốn chia sẻ với các bạn vì tôi đang rất bức xúc. Hầu như ngày nào cũng vậy, tôi phải vật lộn trong dòng giao thông ùn tắc trên quãng đường chưa đầy 8km từ nhà đến cơ quan.

“Phát sốt” vì tắc đường - 1
Muốn giao thông Hà Nội được “giảm tải” thì chúng ta phải chú trọng
đến vấn đề đầu tư hạ tầng như tàu điện ngầm, đường sắt, cầu vượt…

Đây không phải là một chủ đề mới mẻ, nhưng tôi thực sự muốn chia sẻ với các bạn vì tôi đang rất bức xúc. Hầu như ngày nào cũng vậy, tôi phải vật lộn trong dòng giao thông ùn tắc trên quãng đường chưa đầy 8km từ nhà đến cơ quan. Bước ra khỏi nhà là tôi phải nghĩ xem: nên đi lối nào cho “thuận lợi”?

Có nhiều hôm thấy thật vui khi đi được gần nửa quãng đường mà vẫn thông thoáng, rồi bỗng chốc mắt tôi tối sầm lại khi nhìn thấy phía trước mọi người đang đứng khựng lại cùng những hàng xe…Đèn đỏ ư, không phải, lại tắc rồi! và tôi không còn cách nào, cũng phải hòa vào dòng đám đông đó với với một bầu không khí ngột ngạt, ô nhiễm…

Có nhiều lần, thân gái như tôi cũng phải lanh lẹ chuyển đi hướng khác để tìm đường đi, nhưng tránh “vỏ dưa gặp vỏ dừa”, lại vẫn cảnh tượng tương tự trước mắt. Chỉ còn cách là thu xếp việc gia đình đi làm sớm, rất sớm (tuy nhiên điều này không phải dễ với một bà mẹ trẻ), hay nếu đi muộn hơn thì nên tính xem con đường nào có vỉa hè rộng để có thể đi trong trường hợp ùn tắc. Tôi ghét phải leo lên vỉa hè với dòng người nhộn nhạo chen chúc, không có một chút văn hóa giao thông… nhưng nếu không trèo lên vỉa hè, tôi sẽ phải hít khói xe lâu hơn, và có thể sẽ bị muộn giờ làm.

Có lúc tôi đấu tranh tư tưởng, trèo lên vỉa hè hay ở lại lòng đường chờ lưu thông? Gần đây nhất, tôi đã nỗ lực giành cho mình một chỗ trên vỉa hè (đường Trần Duy Hưng) vào lúc cao điểm buổi sáng, nhưng không ngờ gặp sự cố. Tôi bị tụt xuống một cái ổ gà to do mấy ngày nay mưa suốt, nước mưa phủ lên mặt đường, che khuất ổ gà, nên tôi không nhận ra. Một bài học cho tôi hay phản ánh sự thiếu kinh nghiệm trong “chiến đấu” với tắc đường?

Mọi người tranh giành nhau để được đi trước: xe máy lẫn sang đường ô tô, ô tô giành đường xe máy, còi gầm rú inh ỏi, tiếng cãi vã…, ai giỏi len lỏi thì sẽ sớm thoát khỏi ùn tắc, bất biết người khác thế nào. Nhiều lúc tôi tự hỏi mình: liệu mình có quá lạc hậu khi không cố gắng chen chúc, leo lên vỉa hè để “thoát thân”?

Tôi nghĩ đến Nhật Bản, nơi đang hứng chịu thảm họa động đất kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của hơn chục nghìn người. Những ngày này, người dân Nhật Bản đang sát cánh bên nhau vượt qua khó khăn, họ vẫn giữ được một ý thức đáng khâm phục: Hãy nhìn họ xếp hàng ở quầy thực phẩm trong khi nhân viên cố gắng phân phát đều lượng thức ăn và nước uống có hạn, xếp hàng đón xe buýt. Đặc biệt, không có sự hỗn loạn, trộm cắp như thường thấy ở một số nơi khác sau các thiên tai động đất, bão lũ và sóng thần.

Ở đây, tôi không muốn đưa ra sự so sánh nào, tôi chỉ thấy thực sự khâm phục người Nhật cho tinh thần sắt đá và ý thức của họ. Hàng ngày nhìn các trang báo, tôi thắt lòng khi thấy con số nạn nhân sóng thần gia tăng. Cầu mong những ngày đen tối này trôi nhanh để trả lại yên bình cho xứ sở hoa anh đào, “Be Strong Japan”!

Tôi yêu Hà Nội, tôi yêu những con đường thân quen nơi đây hàng ngày tôi đi qua, tôi không muốn bị ám ảnh bởi cái cảm giác “gần mà xa”. Tôi sợ phải giật thót trên đường đi làm bởi tiếng còi xe hay chiêu đánh võng của một số anh hùng xa lộ sát ngay bên mình. Nhiều lúc tôi thèm được một phút thư thái (hát một chút) trên đường về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng mà không phải nghĩ nhiều về giao thông…mong muốn thật giản đơn…

Trong bối cảnh khi mà hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển và tốc độ đô thị hóa nhanh, mong mọi người có ý thức hơn khi tham gia giao thông để chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn trong mỗi buổi đi làm, hay đi dạo chơi…

Phạm Thị Hằng
(xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội)