Phải chung sức xây dựng “văn hóa xe buýt”

Trước kia, khi còn học tập ở nước ngoài, tôi vẫn thầm mơ “nếu Hà Nội có xe buýt thuận tiện, tôi sẽ bỏ ngay xe máy”. Khi trở về nước, Hà Nội đã có xe buýt lắp điều hoà, tôi không dùng xe máy nữa và “trung thành” với phương tiện này 7 năm nay.

Tôi rất ủng hộ giao thông công cộng (GTCC) vì mở rộng GTCC là biểu hiện của thành phố văn minh. Giao thông cá thể là cung cách lạc hậu theo lối làm ăn của người sản xuất nhỏ. Vậy mà gần đây, nhiều người trở nên thất vọng về phương tiện GTCC của Hà Nội, Đúng như các bạn trao đổi trên Diễn đàn Dân trí về “Văn hoá xe buýt”, mấy năm gần đây nổi lên nhiều vấn đề cần bàn và cần chấn chỉnh ngay. Tôi cũng được chứng kiến những nhân viên xe buýt có ý thức trách nhiệm tốt; không ít phụ xe ân cần đỡ tay cho ông bà già xuống xe, hướng dẫn khách xuống đúng bến, hoặc lái xe đang đỗ ở bến chuẩn bị xuất phát nhưng thấy có người đang chạy từ xa đến, cố gắng nán lại một vài phút để chờ làm cho người hành khách kịp lên được  xe rất cảm động...

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Nhưng số nhân viên nhà xe có ý thức như vậy quả thật không nhiều. Chúng tôi rất thông cảm với lái và phụ xe suốt ngày chạy nhiều chuyến trong thời tiết nóng bức, lại nhiều xe hỏng điều hoà nên dễ gây nóng nảy bực dọc... Nhưng đừng vì vậy mà nguỵ biện cho những hành động và lời nói thô lỗ, tục tằn thật thiếu văn hóa!

Những ngày đông hay trời mát vẫn thấy họ nóng nảy và quen thói “anh chị” như vậy. Nhiều tài xế và phụ xe nói chuyện như trên xe không có ai, họ thoả sức văng tục, kể chuyện bậy làm các cháu sinh viên trên xe cứ đỏ nhừ mặt. Có hôm, xe 32 đang chạy trên phố Trần Bình Trọng thì thanh nối trên xe rơi xuống lủng lẳng. Sàn xe các tuyến thì luôn đầy đất bám thành bờ, cửa kính dơ dáy, mỗi lần xe đến bến mở cửa là hành khách trong xe hút trọn bụi vào phổi. Có người ở Singapore mới về đi trên xe buýt của Hà Nội phải thốt lên “Bên Singapore chưa bao giờ thấy cái xe nào bẩn như ở Việt Nam”.

Nhưng vấn đề chưa có “Văn hoá xe buýt” xin đừng đổ lỗi hết cho tài và phụ xe. Phải thừa nhận là văn hoá chung của dân ta còn quá thấp. Nhiều học sinh, sinh viên hay những người trẻ tuổi thấy người già trên xe không nhường chỗ. Họ dường như không biết người già thì xương cốt đã loãng dễ gãy, phụ nữ đang mang bầu thì cơ thể dễ bị thương tổn. Rất nhiều, rất nhiều học sinh nói bậy, nói rất to trên xe. Lại thêm những người dân ở quê lên, quần áo hôi chua, nôn oẹ khắp xe tạo mùi xú uế, có người “cẩn thận” nôn vào túi rối mở cửa ném ra phố không cần biết có vào đầu ai đang đi trên đường hay không...

Tại sao vậy? đây là vấn đề mà toàn xã hội phải quan tâm và cùng nhau xây dựng “Văn hoá xe buýt” cũng như văn hoá nơi công cộng.
Nhà xe cần trang bị loại xe tốt chứ đừng mua loại xe đi vài tháng trông đã giống như đồ mang bán cho đồng nát. Việt Nam là xứ nhiệt đới, vì vậy nhất thiết xe phải có điều hoà tránh gây nóng bức và hút khói bụi trên đường vào xe làm lái xe, phụ xe đi cả ngày mệt mỏi, sinh ra cáu bẳn; còn hành khách thì bị nhồi nhét ngột ngạt, thật bức bối và khó thở! Mỗi lần xe về bến gốc, phải quét dọn xe sạch sẽ và không để chổi xẻng trong xe trông rất mất mĩ quan và bẩn. Trên xe cần gắn ghế phụ (có lò xo bật) cho người bán vé hay phụ xe ngồi ( xe buýt ở các nước đều có lắp ghế phụ như vậy), tránh tình trạng người bán vé quá mỏi phải ngồi xổm trên sàn trông thật ái ngại.

Nhà trường và các tổ chức xã hội cần có những bài giảng và các buổi thảo luận về văn minh công cộng nói chung và “văn hóa xe buýt” nói riêng cho học sinh và người dân thông hiểu và tự giác thực hiện.

Muộn còn hơn không, các ngành các cấp hãy chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Nguyễn Thu Hương

LTS Dân trí - Khi nói đến việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị nói chung và “văn hóa xe buýt” nói riêng thì  không thể chỉ nhấn mạnh trách nhiệm của những người chuyên trách về một lĩnh vực hoạt động nào đó, mà cần có sự đồng tâm hiệp lực của toàn xã hội, của các cộng đồng dân cư cũng như mọi người dân cùng hưởng ứng nhiệt tình.

Muốn chấn chỉnh và khôi phục bằng được những nét đẹp văn hóa của xe buýt trong những ngày đầu xây dựng, cùng với việc lập lại kỷ cương, nền nếp phục vụ hành khách của nhân viên xe buýt, rõ ràng cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý để tạo điều kiện hoạt động tốt hơn cho xe buýt cũng như tinh thần tự giác chấp hành nội quy đi xe buýt của mọi hành khách.

Chung sức xây dựng nếp sống văn minh đô thi cũng như “văn hóa xe buýt” nói riêng là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân