Bệnh thành tích trong giáo dục:

Phải chăng đã bắt đầu... nhờn thuốc

(Dân trí) - Cuộc vận động thực hiện chống bệnh thành tích trong giáo dục và nói không với tiêu cực trong thi cử, lâu nay đã được thực hiện tương đối nghiêm túc.

Đạo đức nhà giáo và chất lượng giáo dục đang được nâng lên; Nền giáo dục nước nhà, đang được chấn hưng, điều đó được xã hội và nhân dân ghi nhận.

Thế nhưng gần đây “căn bệnh” thành tích đang có dấu hiệu bị nhờn thuốc, nếu không có liệu pháp điều trị mới, điều trị tiếp và không kiên quyết điều trị, sẽ có nguy cơ tái phát trầm trọng hơn, tinh vi hơn.

Mấy anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi đã khẳng định đúng rằng kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và Bổ túc văn hoá Trung học phổ thông, năm nay sẽ có kết quả cao hơn năm ngoái. Kết quả cao hơn, bởi do kinh nghiệm và bài học năm trước để lại cho, bắt buộc phải dạy thật và học thật.
Phải chăng đã bắt đầu... nhờn thuốc - 1
Trong một tiết dạy thêm ở trường học miền núi buổi tối: Thưa thầy em biết

Nhưng kết quả cao còn do “ thuốc” có khả năng bị nhờn?! Trường hợp ở Tiên Lãng, Hải Phòng, vợ thi thay chồng, có lẽ chưa có trong tiền lệ thi cử của chúng ta? Trường hợp bài thi hoàn thành trước, có chữ ký của hai giám thị, bị rơi ở ngoài hành lang phòng thi ở Hà Nội... là những hiện tượng của sự nhờn thuốc chăng?!

Sau mỗi buổi thi, người ta có thể nhìn nét mặt của nhiều thí sinh, để biết trong phòng thi nghiêm hay không. Có tờ báo đã khẳng định rằng kỳ thi năm nay “ngoài nghiêm trong lỏng”. Không ít thí sinh khi được hỏi về bài thi đã nhanh chóng trả lời là bài thi năm nay “dễ” hơn?

Một Hiệu trưởng đã mạnh dạn nói với chúng tôi rằng: Chỉ cần năm nay tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của trường đạt 50%, trường sẽ vững vàng đạt danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc năm học này.

Phải chăng những chỉ tiêu này đặt ra mục tiêu phấn đấu cho toàn trường? Và tại sao phải có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp như vậy, mà không cần tìm hiểu công thầy, sức trò trong năm học vừa qua thế nào?

Rồi mấy năm nay học sinh bỏ học, xã hội phân tâm vì kết quả thấp cũng đang góp thêm cho sự đề kháng của “Bệnh thành tích”...

Phùng Văn Mùi