Nuôi dưỡng nhân tài

(Dân trí) - Các cuộc thi học sinh giỏi, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học chúng ta thường tự hào người VN thông minh, nhưng đó chỉ là lời nói, tham gia các kỳ thi quốc tế với kết quả cao mới là sự chứng thực, không phải nói lấy được.

Muốn có nhân tài thì phải có sự chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện tối đa cho người tài phát triển. Nhưng trên thực tế, việc nuôi dưỡng nhân tài đôi khi chưa được xem trọng, và câu chuyện mà báo KH&DT đưa ra là một ví dụ điển hình.
 
Ba nữ sinh của Trường THPT Chuyên Thái Nguyên đã đoạt giải Nhất Quốc gia trong cuộc thi "Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước" dành cho lứa tuổi học sinh do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN cùng một số cơ quan bộ, ngành tổ chức. Nhưng khi chuẩn bị để đi dự vòng chung kết cuộc thi quốc tế "Giải thưởng Stockholm về nước dành cho lứa tuổi học sinh" tại Thụy Điển từ 15 đến 21/8, các em lại nhận giấy từ phía Ban Tổ chức đề nghị hỗ trợ 3.000 USD.
 
Các em học giỏi, chuyên tâm nghiên cứu một đề tài mang tầm nhân loại, đó là bảo vệ nguồn nước. Nhiều người trong chúng ta chưa có nhận thức về vấn đề này, nên sự tham gia của một nhóm học sinh ít nhiều đánh động đến suy nghĩ chung của cộng đồng. Đặc biệt,  sự cố gắng và năng lực của các em phần nào tác động đến thế hệ trẻ, gợi lên khát vọng học tập, trách nhiệm xã hội và hoài bão lớn lao.
 
Nhưng đáng tiếc, các cuộc thi có ý nghĩa thiết thực như vậy đã không được nhiều người biết đến. Trong khi đó, các cuộc thi nhan sắc, thời trang, giọng ca và các trò chơi tầm thường thì được khuấy động như những hoạt động văn hóa quan trọng của quốc gia.
 
Chính vì lẽ đó nên một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ có sự ngộ nhận về giá trị sống, thích khẳng định bề nổi hơn là học hành để cống hiến bằng tri thức. Ví dụ như một ca sĩ Hàn Quốc đến VN, hàng vạn bạn trẻ là fan hâm mộ đi đón chật cứng sân bay, còn những ngôi sao toán học, vật lý của VN đoạt giải quốc tế về nước thì chỉ có lèo tèo thầy cô và gia đình bên cạnh.
 
Trở lại câu chuyện của ba nữ sinh được giải nhất trên, các em đều là con cái của những gia đình có hoàn cảnh dặc biệt khó khăn nên không thể có số tiền theo đề nghị của Ban Tổ chức. Trong trường hợp này,  ngành Giáo dục địa phương, tỉnh Thái Nguyên hoặc Bộ GD&ĐT đều có thể hỗ trợ cho các em.
 
Sự trợ giúp đó không chỉ tạo điều kiện cho các em đến đấu trường quốc tế mà là sự động viên tinh thần rất lớn. Các em có niềm tin  rằng, học giỏi sẽ được xã hội quan tâm, đãi ngộ và trân trọng. Hình ảnh đẹp đẽ của các em sẽ tác động đến nhận thức của giới trẻ, lấy thành quả học tập làm mục tiêu phấn đấu, khẳng định giá trị và nhân cách.
 
Lê Chân Nhân