Bạn đọc viết:

Nơi nào cho sự bình yên?

(Dân trí) - Người ta vẫn thường kiếm tìm sự bình yên ở đâu đó mà quên mất một điều thật giản dị: bình yên chính là mái nhà thân yêu, là nơi mà những người thân luôn đón chờ đón chúng ta…

Nơi nào cho sự bình yên? - 1
(Ảnh minh hoạ)
Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Miền trung nghèo khó và đầy khắc nghiệt. Nơi tôi sống là một làng chài nghèo ven biển (Hà Tĩnh). Cuộc sống của người dân quê tôi chủ yếu là chài lưới.

Gia đình tôi gồm ba thế hệ, có 7 người cùng chung sống trong một căn nhà tranh vách đất không gian rộng không quá 30m2. Tuổi thơ của tôi đã trôi qua bình yên trong ngôi nhà nhỏ và thân thương đó.

Người trên là bà nội tôi. Gia đình nhỏ gồm bố mẹ tôi, tôi cùng đứa em trai sống trong một căn buồng nhỏ nhưng vẫn thuộc diện biên chế của cả gia đình lớn. Dưới bố có thêm một chú và một người dì. Ông nội tôi hy sinh trong chiến dịch Xuân hè (năm 1972). Năm ông mất bà nội mới 36 tuổi. Bà đã ở vậy nuôi con một mình.

Hằng ngày, bố cùng chú dậy chuẩn bị chài lưới, dầu củi, để ra ngoài khơi đánh cá từ lúc 4 giờ sáng. Khoảng 5 - 6 giờ chiều trở về cập bến làng chài. Cũng thời gian ấy bà và dì cũng dậy ra biển cào nghêu. Ở nhà chỉ còn mẹ, em Hải và tôi. Ngày nào cũng vậy, trưa bà nội, dì mới về và mọi người lại chờ đến chiều đón bố và chú  trở về.

Cuộc sống bình dị và đầy thân thương của gia đình tôi cứ thế trôi qua hết ngày này sang ngày khác và lại năm này sang năm khác. Ngôi nhà lợp bằng lá dừa rồi lại được thay bằng lá kè. Tường là liếp nứa, bên ngoài được trát bằng một lớp đất thó đã bong lên theo thời gian. Có chỗ kẽ tường hở, thân hoa muống cố mọc xen vào. Nền nhà là nền đất, ánh lên màu đen láng bóng. Xung quanh ngôi nhà vẫn còn ngấn nước vàng quạnh đó là dấu vết của những cơn bão biển để lại.

Sau mỗi ngày lao động vất vả, buổi tối cả gia đình lại có dịp quây quần quanh ngọn đèn dầu. Bố cùng chú trải chiếu cói lên trên nền đất đánh cờ. Còn dì thì lẻn đi chơi với bạn trong làng. 

Bà nội có thói quen ăn xong là đi nghỉ (trước gà) cuộc sống tuy nghèo khổ, khó nhọc nhưng mọi người trong gia đình vẫn thấy hạnh phúc. Cũng vì vậy căn nhà nhỏ không lúc nào thiếu đi những tiếng cười vui vẻ.

Rồi biến cố xảy ra với gia đình tôi vào năm 1998. Đầu tiên là việc bố tôi nổ mìn cá bị mất bàn tay phải. Cũng mùa bão năm đó, ngôi nhà bé nhỏ cùng con thuyền nan, là phương tiện sinh sống duy nhất của cả gia đình bị cuốn trôi ra biển.

Huyện tôi có chủ trương chuyển cả làng chài vào làng trong lập làng mới. Gia đình tôi thuộc diện gia đình chính sách vì ông nội là liệt sĩ. Cả gia đình được cấp ngôi nhà tình nghĩa hai gian.

Ngôi nhà chứa đựng tình thương yêu nhưng cũng chứa đựng cả những toan tính, vị kỷ tầm thường. Từ khi chú cưới vợ, nhiều câu chuyện tranh cãi xảy ra xung quanh chuyện thừa kế ngôi nhà mới. Có những khoảng thời gian bố và chú  không nhìn mặt nhau. Rồi dì cũng đi lấy chồng.

Cuối cùng bà nội đã phân xử bố tôi là con trưởng được quyền thừa kế ngôi nhà tình nghĩa với nhiệm vụ nuôi dưỡng bà lúc về già và hương hỏa, giỗ chạp ông nội.

Năm 2004, bà nội mất. Rồi hai năm sau đó mẹ cũng đã bỏ tôi ra đi vì bệnh ung thư. Bà và mẹ lần lượt ra đi, tình yêu thương và hạnh phúc còn lại với tôi quá ít.

Một năm sau ngày giỗ đầu của mẹ. Bố tôi đem về ngôi nhà mới một người đàn bà khác. Sau khi hết tang mẹ tôi cũng khăn gói cùng bạn bè lên Thành phố kiếm việc làm. Cuộc sống ngoài thành phố nhộn nhịp này có quá nhiều sóng gió và cạm bẫy mà con người không thể lường trước được. Chỉ cần sa sẩy là con người bị nhấn chìm tất cả. Mỗi khi buồn, tôi lại nhớ về bà về mẹ về ngôi nhà nhỏ nơi làng chài ngày xưa.

Trước lúc đi xa, mẹ tôi từng mong ước được trở về sống thêm một lần ở ngôi nhà ngày xưa. Ngôi nhà tranh vách đất, nền đất, đơn giản thôi nhưng  đầy ắp tình yêu thương và hạnh phúc. Không một chút toan tính, vị kỷ len vào. Đó chính là nơi của những bình yên.

Nhưng giờ đây mãi mãi chỉ còn là những kỷ niệm đẹp, xót xa khi những mái nhà tranh vách đất xưa được thay thế bằng mái nhà khang trang sạch sẽ, nhưng kéo theo đó là nhưng toan tính vị kỷ của lòng người ngay cả khi họ là máu mủ ruột rà../.

Nguyễn Thị Hà