Tiêu điểm 21:

Nỗi lo của cử tri

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, có một nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm và lo ngại là sự xuống cấp về đạo đức trong thanh, thiếu niên.

Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật, sử dụng thuốc lắc, ma túy và hành xử theo kiểu giang hồ ngày càng phổ biến, đã đến lúc cần phải nhìn lại một cách nghiêm túc tại sao con cái chúng ta lại như vậy và phải đưa ra được biện pháp trị liệu.                                                            

Chỉ trong một thời gian ngắn, khắp nơi rộ lên các vụ bạo lực học đường. Nữ sinh đánh hội đồng bạn học, hành hung thầy cô giáo. Phụ huynh lo lắng, các nhà giáo dục hoang mang vì cảm thấy bất lực, mất kiểm soát trước các hiện tượng này.  Phim ảnh đồi trụy và bạo lực đã đầu độc một bộ phận giới trẻ, sự ảnh hưởng của các sản phảm độc hại đó đã đẩy nhiều thanh, thiếu niên vào con đường phạm tội hoặc có lối sống sa đọa. Chính vì thế nên ngoài các loại tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, VN là một trong ba nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trung bình mỗi năm có cả triệu ca phá thai. Điều đáng lo ngại là 20% trong số ca nạo phá thai thuộc về lứa tuổi vị thành niên.

Mấy ngày qua, xảy ra liên tiếp các vụ án nghiêm trọng, như vụ xuống tay giết người tình rồi chặt đầu chỉ vì ghen tuông. Các vụ trọng án khác xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ như cãi cọ trong quán, đi đường quẹt xe hay nhìn nhau thấy ngứa mắt. Không ai có thể hiểu nổi tại sao chỉ vì những điều thật vô cớ mà các cậu thanh niên kia có thể ra tay tước đoạt mạng người. Trên đường phố, ngoài sự thiếu văn minh vì rác rưởi, bụi bẩn, kẹt xe, ngập nước, còn có một thứ rất không văn minh khác là con người cư xử với nhau lỗ mãng, không ai chịu nhường ai và sẵn sàng lao vào nhau. Rất đau lòng là phần lớn những người có hành động đó lại là giới trẻ.

Trong báo cáo tổng hợp gửi Quốc hội, cử tri có ý kiến cho rằng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh của nhiều trường chưa được đề cao, nội dung chương trình giáo dục công dân còn nặng lý thuyết. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD& ĐT tập trung nghiên cứu để có những giải pháp đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ về cả chất và lượng của ngành giáo dục.

Bao nhiêu năm qua, chúng ta đã dạy những gì, giáo dục đạo đức như thế nào để có sự xuống cấp đạo đức như hiện nay. Nhưng đổ hết cho ngành giáo dục cũng không ổn, nên đặt ra câu hỏi Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp Thanh niên... phải có trách nhiệm khi một bộ phận thanh thiếu niên có lối sống không lành mạnh? Cuối cùng là câu hỏi dành cho các bậc phụ huynh, con cái hư hỏng thì không đổ lỗi cho ai khác ngoài trách nhiệm của chính mình.

Lê Chân Nhân