Bài 1:

Ninh Bình “nhức nhối” vi phạm pháp luật đê điều!

(Dân trí) - Trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình có 94 vụ vi phạm pháp luật về đê điều nhưng mới chỉ xử lý được 8 vụ. UBND tỉnh này nhiều lần chỉ đạo yêu cầu các Sở, ngành và các địa phương xử lý dứt điểm các vụ vi phạm nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Vi phạm gần 100 vụ, xử lý đếm trên đầu ngón tay

Như Dân trí đã phản ánh, tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều, hành lang thoát lũ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xảy ra trong thời gian dài nhưng không được xử lý dứt điểm. Theo đó, hàng loạt bãi cát trái phép được tập kết dọc theo tuyến sông và đê sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vạc trên địa bàn các huyện như: Gia Viễn, Yên Khánh, thành phố Ninh Bình…

Một bãi cát khổng lồ sát đê sông Đáy vi phạm nghiêm trọng như chưa bị xử lý dẹp bỏ.
Một bãi cát "khổng lồ" sát đê sông Đáy vi phạm nghiêm trọng như chưa bị xử lý dẹp bỏ.

Sau khi báo Dân trí có loạt bài phản ánh, trước mùa mưa bão 2017, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản chỉ đạo số 128/UBND – VP3 ngày 10/05/2017 về việc xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở NN&PTNT chủ trì thống kế, phân loại các vi phạm đề xuất phương án để xử lý dứt điểm các hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê và khả năng thoát lũ (đối với các vi phạm đơn giản, mới phát sinh xử lý xong trước 30/05/2017; đối với những vụ việc phức tạp còn tồn đọng kéo dài, tập trung xử lý xong trước 30/10/2017).

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không xử lý dứt điểm và đúng hạn các vụ vi phạm đê điều trên địa bàn. Trước ngày 25 hàng tháng tổng hợp kết quả xử lý báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở NN&PTNN.

Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Bình còn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; thủ trưởng các sở, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả xử lý các vi phạm về đê điều, ngăn ngừa các hành vi tái phạm.

Cảng sông không được cấp phép xây dựng nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua ngay sát mép sông Đáy đoạn quan thành phố Ninh Bình.
Cảng sông không được cấp phép xây dựng nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động nhiều năm qua ngay sát mép sông Đáy đoạn quan thành phố Ninh Bình.

UBND tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt, tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều ở Ninh Bình vẫn chưa có chuyển biến tích cực so với trước kia. Tuy không phát sinh các vụ vi phạm mới nhưng theo thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 94 vụ vi phạm, thời gian qua các ngành chức năng, các địa phương mới chỉ xử lý được 8 vụ. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn 86 vụ chưa được xử lý gây bức xúc trong dư luận.

Cụ thể, vi phạm pháp luật nhiều nhất là ở 2 huyện Gia Viễn 22 vụ và Yên Khánh 39 vụ; các huyện như Kim Sơn 6 vụ, Yên Mô 6 vụ; thành phố Ninh Bình 7 vụ, huyện Nho Quan 7 vụ, huyện Hoa Lư 7 vụ.

Không dẹp bỏ được vi phạm, xử lý người đứng đầu

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có văn bản chỉ đạo các Sở: NN&PTNT, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố về việc “tăng cường xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh”.

Công văn nêu: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 128/UBND – VP3 ngày 10/05/2017. Kiên quyết xử lý các vụ vi phạm còn tồn tại, không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái vi phạm pháp luật để điều. Báo cáo cụ thể kết quả xử lý vi phạm (yêu cầu báo cáo rõ số lượng vụ đã xử lý, số vụ còn tồn tại; nêu rõ lý do, giải pháp, thời gian hoàn thành việc xử lý dứt điểm từng vụ vi phạm còn tồn tại). Gửi báo cáo về Sở NN&PTNN trước ngày 10/09/2017.

Ngôi nhà kiên cố, xây dựng trái phép bên đê sông Đáy của Tập đoàn Phúc Lộc
Ngôi nhà kiên cố, xây dựng trái phép bên đê sông Đáy của Tập đoàn Phúc Lộc

Sở NN&PTNN chủ động phối hợp với các huyện, thành phố và các ngành chức năng trong việc xử lý các hành vi vi phạm khu vực bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai. Tăng cường kiểm tra, phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm và tham mưu xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền. Theo dõi, đôn đốc UBND các huyện, thành phố thực hiện việc xử lý vi phạm pháp luật đê điều theo thẩm quyền. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố đề xuất cụ thể phương án xử lý vi phạm đối với từng vụ vi phạm vượt thẩm quyền. Báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/09/2017.

Công an tỉnh, các Sở ngành liên quan theo dõi chức năng nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến cho các tổ chức, cá nhân các quy định về pháp luật đê điều; tăng cường xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về đê điều.

Ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ: “UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Sở NN&PTNT; Thủ trưởng các Sở, ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung trên và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều”.

Một cảng bốc dỡ hàng xây dựng trái phép, vi phạm luật đê điều và phòng chống thiên tai, cản trở các phương tiện thủy qua lại.
Một cảng bốc dỡ hàng xây dựng trái phép, vi phạm luật đê điều và phòng chống thiên tai, cản trở các phương tiện thủy qua lại.

Ghi nhận của PV Dân trí, đến thời điểm hiện tại các vi phạm pháp luật về đê điều như thống kê, chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình tại các huyện vẫn chưa có chuyển biến. Nhiều điểm vi phạm nghiêm trọng vẫn chưa được yêu cầu ngừng hoạt động, tháo dỡ di dời, trả lại mặt bằng hành lang an toàn đê…

Trong số 94 vụ vi phạm pháp luật đê điều có 33 vụ là của các công ty, doanh nghiệp. Vi phạm nghiêm trọng có nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: Tập đoàn Vissai Ninh Bình, Công ty Cổ phần Thai Group (tên cũ là Công ty Cổ phần Xuân Thành, Tập đoàn Phúc Lộc, Công ty Cổ phần kinh doanh than miền bắc Vinacomin…

Các vi phạm nêu trên của các “ông lớn” này hiện vẫn đang hoạt động bình thường như chưa có chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Bình. Không rõ, các ngành chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra, xử lý, báo cáo các vi phạm trên đến đâu nhưng hiện pháp luật về đê điều tại địa phương này đang bị xem nhẹ để các doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Cảng bốc dỡ hàng trái phép tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình nằm trong danh sách phải dẹp bỏ nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động.
Cảng bốc dỡ hàng trái phép tại phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình nằm trong danh sách phải dẹp bỏ nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Thái Bá