Ninh Bình: Doanh nghiệp, cá nhân "đua nhau" xâm chiếm hành lang bảo vệ đê

Thanh Bình

(Dân trí) - Hàng chục doanh nghiệp, cá nhân ở Ninh Bình "xâm chiếm" hành lang bảo vệ đê nhiều năm, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn "bất lực" không thể xử lý dứt điểm khiến vi phạm trở nên nghiêm trọng.

Nhan nhản các vụ vi phạm luật đê điều

Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình vừa có kết quả khảo sát về tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê tại Ninh Bình thời gian qua vô cùng "nhức nhối", gây bức xúc trong nhân dân. Các doanh nghiệp, cá nhân vô tư "xâm chiếm" hành lang bảo vệ đê, vi phạm nghiêm trọng luật đê điều thời gian dài nhưng không được xử lý dứt điểm.

Ninh Bình: Doanh nghiệp, cá nhân đua nhau xâm chiếm hành lang bảo vệ đê - 1

Các vụ vi phạm pháp luật đê điều ở Ninh Bình đang gây "nhức nhối" thời gian qua.

Tỉnh Ninh Bình có tổng 424,509 km đê, gồm có: 1 tuyến đê cấp II, 8 tuyến đê cấp III, 5 tuyến đê cấp  IV và 20 tuyến đê cấp V. Trong đó, hơn 175 km đê cấp II, III do lực lượng quản lý đê chuyên trách thuộc Sở NN&PTNT quản lý; hơn 248 km đê cấp IV, V do địa phương (UBND các huyện, thành phố) quản lý.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 54 vụ vi phạm (29 tổ chức, 25 cá nhân) hành lang bảo vệ đê. Trong đó, nhiều nhất là huyện Yên Khánh 18 vụ, Gia Viễn 12 vụ, Nho Quan 8 vụ, Hoa Lư 7 vụ, Kim Sơn 5 vụ, TP Ninh Bình 3 vụ… Các vụ vi phạm chủ yếu là vi phạm cũ đã tồn tại từ nhiều năm; đối tượng vi phạm là các hộ dân sinh sống ven đê và các doanh nghiệp có hoạt động, sản xuất kinh doanh liên quan đến hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ.

Kết quả khảo sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Ninh Bình nêu rõ: Các hành vi vi phạm chủ yếu là san lấp mặt bằng, chạy xe quá tải trên đê, tập kết vật liệu, xây dựng công trình phụ, nhà tạm, nhà xưởng, nhà điều hành, trạm cân, trụ cẩu, máng rót, trồng cây… trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ, xây dựng công trình khi mới có văn bản chấp thuận của Bộ NN&PTNT, chưa có quyết định cấp phép của UBND tỉnh; xây dựng công trình sai so với quyết định cấp phép.

Ninh Bình: Doanh nghiệp, cá nhân đua nhau xâm chiếm hành lang bảo vệ đê - 2
Ninh Bình: Doanh nghiệp, cá nhân đua nhau xâm chiếm hành lang bảo vệ đê - 3

Toàn tỉnh Ninh Bình hiện có 54 doanh nghiệp và cá nhân vi phạm hành lang bảo vệ đê.

Ghi nhận của PV Dân trí, các vụ vi phạm pháp luật đê điều tại Ninh Bình diễn ra khắp nơi, tồn tại nhiều năm qua. Các tuyến đê hữu Đáy (sông Đáy), đê tả Hoàng Long (sông Hoàng Long), đê tả Vạc (sông Vạc)… nhan nhản các vụ vi phạm. Các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm hành lang bảo vệ đê san sát nhau khiến các tuyến đê đang phải "gồng mình" chống đỡ.

Cụ thể, trên tuyến đê hữu Đáy đoạn qua xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh hiện đang tồn tại 14 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Đa phần các vi phạm đều do doanh nghiệp gây ra. Có thể "điểm mặt" các doanh nghiệp như: Công ty CP đạm Ninh Bình, Công ty TNHH Mặt Trời Việt, Công ty TNHH Cảng xuất nhập khẩu hàng hóa Tiến Mạnh, Công ty TNHH Long Sơn, Công ty TNHH Hải Nam, Công ty TNHH Thiên Trường An…

Xử lý kiểu… "bắt cóc bỏ đĩa"

Từ năm 2018 đến nay, chính quyền tỉnh Ninh Bình, cơ quan chuyên môn đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 41 tổ chức, cá nhân vi phạm (38 quyết định thuộc thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi; 3 quyết định thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh); tổng số tiền xử phạt 412 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng đã xử phạt đối với các xe quá tải chạy trên đê với số tiền 2,83 tỷ đồng.

Ninh Bình: Doanh nghiệp, cá nhân đua nhau xâm chiếm hành lang bảo vệ đê - 4

Các vụ vi phạm pháp luật đê điều ở Ninh Bình tồn tại nhiều năm qua nhưng không bị xử lý dứt điểm.

Trong những năm qua, UBND tỉnh Ninh Bình, cơ quan chức năng liên tục có chỉ đạo, yêu cầu địa phương cấp huyện, xã xử lý dứt điểm các vụ vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, các vi phạm của doanh nghiệp, cá nhân không những không bị xử lý theo quy định mà có nơi càng trở nên nghiêm trọng hơn, gây bức xúc trong nhân dân.

Chính quyền xử lý vi phạm hành chính xong, các vụ vi phạm vẫn tồn tại một cách ngang nhiên. Thậm chí có doanh nghiệp, cá nhân vi phạm còn thách thức các cơ quan chức năng khi đến kiểm tra, xử lý các vi phạm đang diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật".

Vi phạm pháp luật đê điều tại Ninh Bình nghiêm trọng là thế, nhưng chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn không mạnh tay, tỏ ra "bất lực" trước các vi phạm khiến người dân tại địa phương đặt ra nhiều câu hỏi về năng lực của bộ máy công quyền tại địa phương.

Ninh Bình: Doanh nghiệp, cá nhân đua nhau xâm chiếm hành lang bảo vệ đê - 5
Ninh Bình: Doanh nghiệp, cá nhân đua nhau xâm chiếm hành lang bảo vệ đê - 6

Các doanh nghiệp, cá nhân ở Ninh Bình "thay nhau" xâm chiếm hành lang bảo vệ đê, bất chấp quy định của pháp luật.

Đánh giá về nguyên nhân để xảy ra tình trạng các vụ vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Ninh Bình chỉ rõ: Công tác tuyên truyền quy định của pháp luật về đê điều và Luật phòng, chống thiên tai chưa thường xuyên, sâu rộng; một số tổ chức, cá nhân ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, thậm chí có tình trạng cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, chế tài xử lý chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt vi phạm thấp, chưa đảm bảo tính răn đe; có địa phương chưa quan tâm đến công tác xử lý các vi phạm hoặc xử lý mới dừng lại ở mức đình chỉ tại chỗ và lập biên bản vi phạm…