Hà Nội:

Những vướng mắc tại dự án Viglacera Xuân Phương sẽ được tháo gỡ

(Dân trí) - Những ngày qua nhiều bạn đọc quan tâm đến Dự án VIGLACERA Xuân Phương Hà Nội do Công ty Đầu tư hạ tầng và Đô thị Viglacera làm chủ đầu tư, sau gần 5 năm, nhà đầu tư được gọi lên để thanh lý “cam kết” cũ và nộp tiền theo thời giá mới.

Nhiều hộ gia đình không đồng tình đã gửi đơn khiếu nại tới Bộ Xây dựng và một số cơ quan báo chí. Trước sự việc trên PV Dân trí đã vào cuộc tìm hiểu vụ việc.

Dự án chậm triển khai do lỗi khách quan

Thực hiện chủ trương của UBND TP. Hà Nội về việc di chuyển các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc không còn phù hợp với quy hoạch ra khỏi trung tâm thành phố Hà Nội; UBND TP. Hà Nội có công văn 2348/UBND-XDĐT ngày 2/6/2006 về việc đồng ý chủ trương di dời nhà máy và chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Nhà máy gạch Từ Liêm trên địa bàn xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm sang nhà ở để bán.
Những vướng mắc tại dự án Viglacera Xuân Phương sẽ được tháo gỡ  - 1
Lãnh đạo Viglacera trong buổi đối thoại với khách hàng ngày 30/12/2011.
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Để tạo một phần kinh phí để di dời nhà máy và để tạo điều kiện về nhà ở cho cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty, Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng có văn bản số 125/TCT-TCKT ngày 08/02/2007 để CBCNV cho Tổng Công ty vay tiền được hưởng lãi suất là 0,8%/tháng và đăng ký mua nhà ở tại dự án với giá chuyển nhượng đất dự kiến khoảng 8 triệu đồng/m2, và đơn giá hoàn thiện 3,5 triệu đồng/m2. Đơn giá này là dự kiến tại thời điểm tháng 2/2007 để Tổng công ty vay tiền với mức tối thiểu tương ứng 20% giá trị dự kiến một căn nhà.

Theo Chủ đầu tư, căn cứ Quyết định số 2584/QĐ-UBND ngày 27/06/2007 của UBND TP. Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Xuân Phương tỷ lệ 1/500; Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng đã trình Đồ án quy hoạch lên Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội vào ngày 19/10/2007. Đồng thời, Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng đã khẩn trương triển khai di chuyển nhà máy Nhà máy gạch Từ Liêm theo văn bản chấp thuận của UBND TP. Hà Nội số 510/UBND-CN ngày 21/01/2008. Đến tháng 09/2008, Nhà máy mới đã được hoàn thành đầu tư xây dựng tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

Đầu năm 2008, sau khi TP. Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thành phố và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội có yêu cầu dừng thẩm duyệt quy hoạch các dự án trên địa bàn để rà soát cho phù hợp với quy hoạch chung tại văn bản số 1114/VP-XD ngày 11/11/2008 của UBND TP Hà Nội và văn bản số 1258/QHKT-P1 ngày 31/12/2008. Do vậy, việc lập và phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 Khu chức năng đô thị Xuân Phương phải tạm dừng triển khai trong thời gian từ năm 2008 đến cuối năm 2009.

Ngày 30/10/2009, TP. Hà Nội có văn bản số 3340/VP-XD chấp thuận dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương có đủ điều kiện, tiêu chí đánh giá của thành phố Hà Nội cho phép triển khai đợt 1 và giao Sở quy hoạch kiến trúc hướng dẫn Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương.

Theo yêu cầu của Sở Quy hoạch kiến trúc, chủ đầu tư phải làm việc với Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội để thẩm tra lại với chỉ giới đường đỏ và phương án hồ cảnh quan trong khu đô thị, làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường để lập bản trích đo địa chính năm 2010, làm việc với Bộ Xây Dựng để xem xét nội dung quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển không gian và sử dụng đất của Đô thị trung tâm.

Do vậy, đến ngày 20/01/2011, đồ án qui hoạch mới đủ điều kiện để UBND TP. Hà Nội có văn bản số 324/QĐ-UBND phê duyệt qui hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Xuân Phương.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ ngày 24/02/2011 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, UBND TP. Hà Nội có văn bản 3794/UBND-TNMT ngày 19/5/2011 yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường rà soát lại danh mục dự án, công trình cấp bách cần triển khai trên địa bàn Thành phố trình Thủ tướng phê duyệt.

Do vậy, đến ngày 05/8/2011, TP. Hà Nội có văn bản số 6483/UBND-XD chấp thuận đầu tư thực hiện dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương và ngày 23/8/2011, thành phố Hà Nội có quyết định giao đất Khu chức năng đô thị Xuân Phương.

Như vậy, quá trình triển khai dự án từ năm 2007 gặp nhiều khó khăn khách quan liên quan chủ trương và chính sách của Nhà nước và Thành phố, đã làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai đầu tư dự án, đến năm 2011 mới đủ điều kiện để tiến hành phê duyệt và khởi công dự án. Thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án kéo dài khoảng 5 năm là do điều kiện bất khả kháng, dẫn đến các chi phí phát sinh tăng cao so với thời điểm đầu năm 2007.

Sẽ đảm bảo hài hòa quyền lợi cho khách hàng
 
Ngày 31/12/2011, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Ngọc Anh Phó Tổng giám đốc Viglacera cho biết: Theo Quyết định số 242/2006/QĐ-UBND ngày 29/12/2006 đơn giá tiền sử dụng đất thời điểm năm 2007 là: 3.000.000đồng/m2. Ngày 2/12/2011, thành phố đã có Quyết định số 5639/QĐ-UBND phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất dự án chức năng đô thị Xuân Phương với đơn giá ở nhà thấp tầng là 15.173.483 đồng/m2, gấp 5,1 lần đơn giá do Uỷ ban quy định tại thời điểm năm 2007. Từ năm 2007 đến năm 2011 giá cả vật tư vật liệu trên thị trường biến động tăng khoảng 1,64 lần, đồng thời đơn giá tiền lương, chi phí nhân công tăng khoảng 1,96 lần.
 
Những vướng mắc tại dự án Viglacera Xuân Phương sẽ được tháo gỡ  - 2
Vào chiều 30/12 Tổng công ty Viglacera đã tiếp tục tổ chức buổi họp khách hàng lần hai để đưa ra phương án giải quyết những kiến nghị của khách hàng.
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Do việc phát sinh các chi phí, Công ty Đầu tư hạ tầng và Đô thị Viglacera đã xây dựng giá kinh doanh tại Dự án trên cơ sở hài hòa giữa chi phí đầu tư, lợi nhuận dự án và giá thị trường. Công ty đã đưa ra mức giá trung bình của Dự án là 34,9 triệu đồng/ m2 đất có hạ tầng với mục tiêu chia sẻ quyền lợi của Dự án với những cán bộ công nhân viên đã cho Tổng công ty vay tiền và đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp nhà nước và cán bộ công nhân viên.

Khảo sát thị trường bất động sản tại các dự án lân cận vào thời điểm quý 3/2011, giá chuyển nhượng 1m2 đất tại dự án có điều kiện hạ tầng xã hội tương đương với dự án Khu chức năng đô thị Xuân Phương dao động trong khoảng 50 triệu đồng/m2 đất có hạ tầng, tức là giá bán trung bình của dự án thấp hơn giá thị trường khoảng 15 triệu đồng/m2.

Đến nay đã có 92% khách hàng đã thanh lý sổ tiết kiệm và tiến hành các bước tiếp theo để đi đến ký kết Hợp đồng mua bán nhà tại dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương. Số khách hàng còn lại Chủ đầu tư cho biết sẽ mời chính chủ đến làm việc và tiến hành thanh lý sổ tiết kiệm. Nếu cán bộ công nhân viên nào không có nhu cầu mua nhà tại dự án khu chức năng đô thị Xuân Phương hoặc từ chối đăng ký mua nhà tại thời điểm này, công ty sẽ hoàn trả lại số tiền gốc lẫn  lãi suất như hai bên đã thoả thuận.

Hiện nay, do biến động về tình hình tài chính nên để chia sẻ bớt khó khăn với các cán bộ công nhân viên cho Tổng công ty vay tiền, Công ty sẽ xem xét giãn tiến độ thu tiền xây dựng, và sẽ hoàn thiện nhà ở trước cho các cán bộ nào có nhu cầu.

Lãnh đạo Công ty Đầu tư hạ tầng và Đô thị Viglacera khẳng định, quá trình triển khai đầu tư xây dựng kinh doanh Khu chức năng đô thị Xuân Phương đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo hài hòa quyền lợi cho cán bộ công nhân viên Tổng công ty thực sự có nhu cầu về nhà ở tại dự án và quyền lợi của doanh nghiệp Nhà nước.
 
Theo Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay: Nếu việc tranh luận giữa khách hàng và chủ đầu tư không đưa đến kết quả cuối cùng, cơ quan giải quyết vụ việc này sẽ là tòa án. Bởi đây là vụ việc tranh chấp dân sự, phán quyết của tòa án sẽ bắt buộc cả hai bên đều phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
 
Vũ Văn Tiến