Những ước mơ không bến đỗ

(Dân trí) - Có những em bé sống trong hoàn cảnh kém may mắn, phải tự lo toan kiếm sống nhưng các em vẫn nuôi cho mình những ước mơ giản dị mà thánh thiện biết bao!

Dưới đây là hai mẩu chuyện về hai em nhỏ có những ước mơ như thế:

 

Mỗi lần vào khu chợ tại TP Huế, tôi thường ghé đến một gian hàng bán rau, quả cạnh góc chợ để mua mấy thứ như rau muống, cà chua... và làm quen với cô bé bán hàng ở đây. Thật ra không phải gian hàng này có rau, quả tươi hay rẻ hơn các gian hàng khác, mà vì một cô bé trạc 11, 12 tuổi bán hàng ở đây làm tôi có ấn tượng về cái vẻ lanh lợi, nhanh nhảu mời chào khách rất dễ thương của cô bé.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Giữa chốn chợ búa đày bụi bặm và ồn ào này, cô bé ngày lại ngày phải bươn chải với cuộc sống. Mà đáng ra với cái tuổi “búp trên cành” đó thì cô bé phải được ngồi trên ghế nhà trường cùng với bạn bè đồng trang lứa.

 

Sau một thời gian mua hàng quen và cũng do cố ý, tôi đi chợ trưa một chút và lân la bắt chuyện với cô bé. Tôi hỏi: “Em bao nhiêu tuổi rồi?”, cô bé trả lời “Em… em năm nay 11 tuổi. Mà anh hỏi làm gì vậy?”.
 
Tôi như không nghe thấy em hỏi, tôi hỏi tiếp: “Thế em còn đi học nữa không mà sao hôm nào anh cũng thấy em bán hàng ở đây?, cô bé nói lấp lửng: “Không... em không...”. Và nhân cơ hội đó tôi hỏi thêm: “Thế em còn muốn đi học nữa không” - “Có”, cô bé đáp liền ngay sau khi tôi hỏi dứt câu.

 

Sau nhiều lần hỏi han như thế, tôi biết tên cô bé là N T Hạnh - bố mẹ em đã mất. Giờ em sống với bà ngoại. Hàng ngày em phải đến đây bán rau để kiếm thêm tiền phụ giúp bà ngoại đã già yếu.

 

Tôi tiếp tục hỏi cô bé một câu hỏi hơi ngớ ngẩn: “Thế ước mơ sau này của em là gì?” Nhưng cũng hồn nhiên hết sức, cô bé trả lời: “Em muốn làm cô giáo”.

 

Lại là một ước mơ của những cô bé gái. Nhưng tôi nghĩ ,trên đất nước còn bao nhiêu cái chợ với bao cô bé như thế và với những ước mơ tưởng như… không có bến đỗ!

 

Tôi cũng có dịp làm quen một em bé khác, tên là Tuấn - một cậu bé bán lạc rang rong  quanh các quán nhậu ở đường Lê Hồng Phong - TP Huế. Tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình của em, cậu bé nói: “Gia đình em khó khăn, em phải cố gắng bán được nhiều lạc rang phụ giúp bố mẹ và để dành lấy một ít tiền mua sách vở để có thể quay lại trường học”.

 

Tuấn đã bỏ học hơn một năm nay để đi bán lạc rang và em cũng có một ước mơ nhỏ nhoi là sau này lớn lên ”trở thành một chú lái xe tốt bụng”.

Trong cuộc sống, hầu như ai cũng có ước mơ, không lớn thì nhỏ. Nhờ có những ước mơ như vậy mà nhiều người đã tìm ra lẽ sống ở đời này. Nhưng tự nhiên khi nghe những ước mơ của những trẻ em phải lao động vất vả trước tuổi vì miếng cơm, manh áo như Hạnh, như Tuân làm tôi phải nao lòng suy nghĩ. Không biết những ước mơ giản dị và trong sáng của các em có tìm thấy “bến đỗ” trong tương lai hay không?

 

Lê Đình Cương

Lớp Báo chí k32-khoa ngữ văn -Trường Đại Học Khoa Học Huế

 

LTS Dân trí - Đọc bài viết ngắn trên đây, ai là người có chút lương tri cũng phải động lòng. Các em bán rau, bán lạc rang, mới 11-12 tuổi đã phải lao động kiếm sống nuôi bà đau yếu hay để giúp bố mẹ mà các em vẫn nuôi cho mình một ước mơ thật đẹp là sẽ trở thành cô giáo hay một người lái xe tốt bụng. Trước mắt các em còn phải vượt qua bao khó khăn để tới được đích của ước mơ.

 

Xã hội chúng ta nên có trách nhiệm quan tâm nhiều hơn đến những ước mơ thật chính đáng của những trẻ em không may mắn, bị thiệt thòi nhiều vì hoàn cảnh gia đình. Đừng để cho những ước mơ giản dị và thánh thiện của các em trở thành những ước mơ… không bến đỗ!